Không thể khuất phục: Bài cuối - Nghị lực phi thường

Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1948, ở thôn Tông Phố, xã Thanh Quang (Nam Sách) là 1 trong 2 thương binh nặng nhất tỉnh Hải Dương.

Dù chỉ còn một tay, một chân còn vận động được, ông Tiến vẫn miệt mài trồng, chăm sóc hoa lan

Ông cùng với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải ở chung trong "chuồng cọp".

"Địa ngục trần gian"

Tạm quên những nỗi đau đang giày vò thể xác, ông Tiến bồi hồi nhớ lại từng chút một về ký ức một thời bi tráng, hào hùng ở "địa ngục trần gian" cùng đồng đội.

Sinh ra từ vùng quê giàu truyền thống cách mạng, tháng 1.1967, ông Tiến khi đó 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đào tạo, ông chiến đấu trong lực lượng đặc công hải quân. Năm 1970, trong một lần làm nhiệm vụ dưới nước, ông Tiến bị thương. Ông bị địch bắn vào đầu, chấn thương sọ não, rồi dạt lên bờ biển.

Nằm trên bãi biển ở cửa Thuận An (Thừa Thiên-Huế), ông Tiến cùng đồng đội bị bắt khi địch đi càn quét vào hôm sau. Từ đó, hành trình 3 năm 1 tháng đầy gian truân, khổ ải ở nhà tù của ông bắt đầu.

Ông Tiến treo trang trọng trong nhà bức ảnh chụp năm 2013 cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày trở về

Giam ở đất liền được 1 năm, sau đó ông bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Ở đây, ông Tiến dạy học trong tù, bị địch cho là tuyên truyền chính trị nên bắt giam vào "chuồng cọp". Cũng tại đây, ông Tiến là người bạn tù chung với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. "Mỗi chuồng cọp rất chật hẹp nhưng 6 người phải nằm trong đó. Người này nằm đè lên người kia mới đủ chỗ, không nhúc nhích được gì. Quân địch cứ thế đẩy, nhét người vào, người vào trước, người vào sau chật như nêm", ông Tiến kể lại.

Lúc ấy, ông Tiến vẫn bị thương, sức yếu. Ông Trương Tấn Sang bảo ông Tiến rằng: “Tôi trẻ hơn, tôi còn khỏe thì để tôi nằm dưới, anh cứ nằm ở trên lưng tôi". Bây giờ đã qua 50 năm nhưng ông Tiến vẫn nhớ như in câu nói ấy. Tấm ảnh chụp cùng người bạn tù cũ cũng được ông phóng to, treo trang trọng trong nhà giữa những bằng khen, giấy khen. Ông Tiến kể rằng ở trong tù gọi ông Trương Tấn Sang là Tư Sùi vì mặt ông ấy nhiều mụn, cứ sùi lên.

Hình ảnh tái hiện cảnh bộ đội ta bị tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Mai Anh

Trở về với đời thường vào ngày 25.2.1973, ông Tiến là 1 trong 2 thương binh nặng nhất ở tỉnh Hải Dương. Thương tật lên tới 97%, một bên tay, chân bị liệt, chỉ còn một tay, một chân vận động được. Những cơn đau thể xác và những ám ảnh tinh thần vẫn ngày đêm giày vò người cựu tù này cho đến nay.

Chủ vườn lan

Dù chỉ với một tay, một chân còn vận động được, nhưng với ý chí bất khuất, kiên cường của một người chiến sĩ cách mạng, ông Tiến vẫn làm nên nhiều điều phi thường trong cuộc sống.

Người cựu tù già từng tìm hiểu nhiều lĩnh vực, trải qua nhiều công việc. Hiện nay, ông là chủ vườn lan có giá trị ở Nam Sách. Ông Tiến cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa phong lan của huyện. Đến thăm vườn lan của ông dịp này tuy không phải lúc nở rộ nhất nhưng vẫn đẹp rực rỡ, lạ mắt với hàng trăm gốc lan.

Chia sẻ về cơ duyên đến với thú chơi lan, ông Tiến cho rằng: "Chơi lan là thú chơi kỳ công, rèn cho người ta tính kiên trì, chịu khó. Tôi chọn chơi lan vừa là một thú vui cho thanh thản, vừa là một việc làm kiếm tiền hiệu quả".

Người cựu tù già cặm cụi gõ từng con chữ trên bàn phím máy tính để tìm hiểu cách trồng hoa lan

Ông Tiến chơi hoa lan đến nay được gần 10 năm, vườn lan có lúc cao điểm lên tới 500 gốc. Dịp Tết, ông Tiến bán nhiều hoa lan nhất, kiếm hàng trăm triệu đồng. Con cháu đều lập nghiệp ở xa, ông Tiến sống cùng vợ nhưng vợ ốm yếu, nằm liệt giường nên ông một mình xoay xở với vườn lan.

Sức khỏe yếu, ông Tiến gặp không ít khó khăn khi trồng, chăm lan. Nhiều lúc phải nhờ người khác trồng giúp những cây to, nặng. Để khắc phục khó khăn trong vận động, ông Tiến đầu tư giàn tưới phun sương tự động. Chiếc gậy cũng là người bạn thân thiết của ông. Nó vừa giúp ông đi lại, vừa giúp ông chăm sóc vườn lan trên cao.

Đôi mắt mờ đục, ông Tiến cặm cụi dùng 1 ngón tay gõ lạch cạch từng chữ trên chiếc máy tính để bàn để tìm hiểu cách chăm sóc hoa lan. Cũng với chính chiếc máy tính này, với vai trò phụ trách đối ngoại của Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ông Tiến thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để tìm đồng đội.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xay-dung-dang---chinh-quyen/khong-the-khuat-phuc-bai-cuoi---nghi-luc-phi-thuong-232822