Không thể một mình một chợ

Nhiều doanh nghiệp đang muốn tham gia vào lĩnh vực duy trì, bảo trì đường bộ với cam kết giảm chi phí gần 40% so với hiện nay nhưng không thể “chen chân” vào được.

Mặc dù số tiền chi cho việc sửa chữa, bảo trì đường rất lớn nhưng người dân ở nhiều nơi vẫn phải đi đường xấu, mất an toàn. Ảnh minh họa: đường Đồng Văn Cống ở quận 2 TPHCM. Ảnh Anh Quân.

Mỗi năm cấp 7.000 tỉ đồng mà đường vẫn hư

Trong khoảng hai năm trở lại đây, kinh phí cấp cho việc sửa chữa, bảo trì đường bộ luôn ở mức từ 8.000-9.000 tỉ đồng, trong đó dành cho sửa chữa các tuyến quốc lộ là 7.000 tỉ đồng, số còn lại cấp cho các địa phương để bảo trì các tuyến tỉnh lộ. Phí bảo trì đường bộ thu trên đầu ô tô cũng tăng qua từng năm do lượng xe tăng đáng kể, đặc biệt là xe tải do việc siết chặt tải trọng xe từ tháng 4-2014.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2015 thu quỹ bảo trì đường bộ từ ô tô đạt 5.750 tỉ đồng, vượt 19,4% so với kế hoạch. Trong năm 2015 cũng đã chi cho Tổng cục Đường bộ 6.900 tỉ đồng, tăng 19,2% so với năm 2014, để sửa đường.

Bước sang năm 2016, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã hứa với Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về đấu thầu, áp dụng khoa học công nghệ trong việc bảo trì, sửa chữa đường bộ với chi phí thấp hơn hiện nay. Tuy nhiên, để có được chi phí thấp hơn, Tổng cục Đường bộ nên mở rộng thêm các đối tượng tham gia đấu thầu, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài, từ đó mới tiếp nhận được cách quản lý và công nghệ hiện đại.

Điều đáng nói là mặc dù số tiền chi cho việc sửa chữa, bảo trì đường rất lớn nhưng người dân ở nhiều nơi vẫn phải đi đường xấu, mất an toàn. Đâu là nguyên nhân?

Trước tiên, ở góc độ quản lý là việc duy trì quá lâu phương thức chỉ định các doanh nghiệp nhà nước bảo trì theo kế hoạch hàng năm dựa trên cơ sở định mức trong phạm vi địa bàn. Ví dụ, định mức để bảo dưỡng thường xuyên cho 1 ki lô mét đường là 50 triệu đồng/năm, khi công ty quản lý 300 ki lô mét thì hàng năm sẽ nhận được 15 tỉ đồng. Với cách làm như vậy, các công ty này một mình một chợ nên không chịu đổi mới để giảm giá thành.

Chưa có thống kê cụ thể về chi phí cho việc bảo trì một km đường do mức độ hư hỏng các tuyến đường không giống nhau. Song ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Minh Liên, cho biết các tuyến quốc lộ hiện nay đa phần được đầu tư theo hình thức BOT và theo quy định khi đường hư hỏng nhà đầu tư phải có trách nhiệm sửa chữa. Do vậy, việc chi 7.000 tỉ đồng sửa chữa những đoạn quốc lộ còn lại là quá lớn. Hơn nữa, người dân đang phải đóng hai loại phí là phí qua trạm và phí bảo trì đường hàng năm. Theo ông Phú, khi người dân đã đóng phí qua trạm thì nên bỏ đóng phí theo đầu phương tiện. “Số tiền duy tu quốc lộ không do nhà đầu tư thực hiện thì Nhà nước phải thu xếp vì người dân đã đóng thuế để thực hiện việc này”, ông Phú nói.

Ở khía cạnh kỹ thuật, trong khi nhiều nước đã áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới để giảm giá thành bảo trì đường thì tại Việt Nam vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống khiến cho chi phí bị đội lên. Đó là lý do vì sao mỗi năm chi đến hàng ngàn tỉ đồng mà vẫn không đủ để duy tu đường.

Sao không sử dụng công nghệ mới?

Khi mức chi cho bảo trì đường bộ mỗi năm một tăng mà người dân vẫn phản ánh đường hỏng chưa được tu sửa, Bộ Giao thông Vận tải đã dần chuyển 22 công ty quản lý, sửa chữa đường bộ 100% vốn nhà nước về các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco), và tiến hành cổ phần hóa để các doanh nghiệp này không còn lệ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách. Sau khi tiến hành cổ phần hóa, từ cuối năm 2014, việc bảo trì được tiến hành đấu thầu để chọn doanh nghiệp có năng lực và giá thành hợp lý. Thông qua đấu thầu, năm 2015 đã giảm gần 7% chi phí so với dự toán ban đầu.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với kết quả này, tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của Tổng cục Đường bộ diễn ra hồi đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM) đã chỉ rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa tốt. Ông Thăng cho biết một doanh nhân Việt kiều từng nói với ông rằng có thể bảo trì đường bộ với chi phí giảm 30% nhưng 20 năm qua không “chen chân” vào được vì lãnh đạo Tổng cục Đường bộ không muốn làm nhanh, không muốn rẻ hơn mức hiện nay. Mới đây, một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đề nghị bỏ tiền ra để sửa chữa, bảo trì làm mẫu với cam kết thời gian giảm 30%, chi phí sửa chữa giảm 39%.

“Tôi rất lo về vấn đề thất thoát, tham nhũng trong công tác bảo trì đường bộ. Nếu giảm được 40% của 7.000 tỉ đồng là một con số không nhỏ, vì sao lại không làm?”, ông Thăng đặt vấn đề.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/142712/khong-the-mot-minh-mot-cho.html/