Không thể phát triển “nóng”

(HNM) - Cả nước hiện có 260 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 72.000ha. 1.872 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tổng diện tích 40.597ha.

Song trên thực tế, chỉ có 26,4% diện tích CCN và 65% diện tích KCN đã được DN thuê làm mặt bằng sản xuất. Xây dựng chính sách phát triển bền vững nhằm phát triển KCN, CCN qua đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế là lời giải cho bài toán phát triển bền vững hiện nay. Đây là chủ đề chính được thảo luận tại Hội thảo "Phát triển CCN, KCN gắn với công nghiệp hỗ trợ" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức ngày 22-11 tại Hà Nội.

Cụm công nghiệp Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt

Nan giải bài toán "cung" vượt "cầu"

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 6-2011, cả nước đã có 260 KCN được thành lập với tổng diện tích 72.000ha. Các KCN phân bổ tại 57 tỉnh, TP trên cả nước và tập trung tại 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: miền Nam (124 KCN), miền Bắc (52 KCN) và miền Trung (23 KCN).

Theo các chuyên gia kinh tế, KCN, CCN đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của DN tại các KCN trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước đã tăng từ 17% (năm 2001) lên khoảng 20% (năm 2010), tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp mỗi năm đạt 20-25 tỷ USD. Các KCN cũng tạo ra việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp, khoảng 1,5 đến 1,8 triệu lao động gián tiếp. Tính bình quân 1ha đất tại KCN đã cho thuê tạo việc làm cho khoảng 75 lao động trong khi 1ha đất nông nghiệp chỉ thu hút được 10-12 lao động.

Mặc dù lợi ích kinh tế do các KCN, CCN mang lại đã rõ ràng, song sự phát triển thiếu bền vững đã nhanh chóng dẫn đến tình trạng "cung" vượt quá "cầu". Theo thống kê, mới chỉ có 46.000ha (chiếm 65%) tổng diện tích đất tại KCN đã được DN thuê làm cơ sở sản xuất. Trong số 40.597ha đất phát triển CCN, diện tích đã cho thuê chỉ chiếm 26,4%. Theo các chuyên gia, ngoài lãng phí đất đai, việc phát triển tràn lan KCN, CCN còn tạo thời cơ cho hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để trục lợi nảy sinh.

Tìm hướng phát triển bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia, trình độ phát triển của các KCN, CCN ở Việt Nam mới ở mức độ trung bình với tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Bên cạnh nguyên nhân "cung" vượt quá "cầu", quá trình xây dựng KCN, CCN diễn ra quá chậm chạp cũng góp phần tạo nên tình trạng thưa vắng DN tới thuê mặt bằng sản xuất. Tại Hà Nội, thời gian triển khai xây dựng hạ tầng CCN kéo dài từ 3-5 năm, hầu hết CCN chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo nội dung quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư được phê duyệt. Trong đó, các hạng mục chưa hoàn thiện chủ yếu là xử lý nước thải, chất thải; cây xanh; nhà điều hành; trạm cấp nước tập trung. Tại Đồng Nai, trong số 48 CCN đã được phê duyệt chi tiết, chỉ có 2 cụm hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng, còn lại hầu như chưa có…

Theo lý giải của các địa phương, nguyên nhân KCN, CCN kém hấp dẫn là do sức thu hút nhà đầu tư vào KCN, CCN chưa cao, công tác đền bù, GPMB còn nhiều vướng mắc, chậm trễ, đơn vị đầu tư hạ tầng còn hạn chế về năng lực và vốn. Chính sách ưu đãi chưa thực sự thuyết phục cũng khiến các nhà đầu tư kém mặn mà khi rót vốn vào. Đặc biệt, vướng mắc liên quan tới GPMB cũng là một trong những khó khăn khiến quá trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại KCN, CCN rơi vào tình trạng "rùa bò". Vấn đề bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN hiện nay cũng là một khó khăn chưa được giải quyết…

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, CCN cần tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ hoạt động của khu vực này và bổ sung ngay những tiêu chí phát triển bền vững như: mức độ chuyển giao công nghệ, sử dụng công nghệ ít tiêu hao năng lượng, thân thiện với môi trường và thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Việc xây dựng và thực thi các quy định liên quan đến chính sách đền bù, GPMB nhằm giám sát, hạn chế tham nhũng và các hành vi trục lợi bất chính cần được gấp rút nghiên cứu. Những tiêu chí này sẽ thuyết phục nhà đầu tư rót vốn phát triển các KCN, CCN, đặc biệt là những địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn. Đây chính là những điều kiện quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/quy-hoach/530882/khong-the-phat-trien-nong.htm/