Không thể phụ thuộc hoàn toàn mạng internet quốc tế

Muốn phát triển kinh tế số mang tính bền vững không thể phụ thuộc hoàn toàn vào mạng internet quốc tế, tức phải bảo đảm kể cả khi cắt đứt internet quốc tế thì ít nhất 70 - 80% hoạt động kinh tế số vẫn diễn ra.

Kinh tế số có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050

Theo Báo cáo e-conomy SEA năm 2022 của Google, Temasek, và Bain Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 28%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2022. Nếu được tối ưu hóa, lượng khí phát thải từ hoạt động thương mại điện tử sẽ giảm đáng kể (từ 30 - 40%) so với hoạt động thương mại thông thường, từ đó đóng góp cho phát triển bền vững chung của toàn nền kinh tế.

Kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050. Nguồn: ITN

Kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050. Nguồn: ITN

Hiện, Việt Nam cơ bản đã ban hành khung khổ thể chế về kinh tế số, “là nước đứng đầu ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về chuyển đổi tư duy hướng tới kinh tế số”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại; các văn bản về thương mại điện tử cũng như các điều khoản tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới trong các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam được cải thiện đáng kể, xếp thứ 25/194 quốc gia về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu. Hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 100% chi cục hải quan. Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động đã bao phủ 100% thương mại qua cảng biển và hơn 90% thương mại qua cảng hàng không...

Tuy vậy, phát triển kinh tế số hiện đang đối mặt nhiều rào cản, đặc biệt là về hạ tầng; ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét, gần đây, việc 4/5 đường cáp biển quốc tế của Việt Nam không kết nối được internet và 1 đường cáp còn lại có tuổi thọ xếp vào hàng già cỗi nhất thế giới, dự kiến đến 2024 sẽ không còn hoạt động, cho thấy hạ tầng vẫn còn là trở ngại lớn.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm, để có kinh tế số, xã hội số thì phải có thị trường số, công dân số. Muốn vậy, trước tiên phải bảo đảm hạ tầng số đến tận người dân. Hiện, bộ đang nỗ lực để bảo đảm vấn đề hạ tầng.

Song, hạ tầng số vẫn còn giới hạn ở nông thôn, người dân nông thôn mới sử dụng điện thoại ở dạng đơn giản, chưa đưa chuyển đổi số vào thiết bị của mình. Hiện, cơ hội rất lớn là tắt điện thoại công nghệ cũ 2G để chuyển sang sử dụng công nghệ mới hơn. Nhân cơ hội này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tổ cộng đồng để hướng dẫn người dân ứng dụng số, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu xa, vùng hải đảo sử dụng điện thoại thông minh hàng ngày, hướng dẫn mua bán hàng hóa qua điện thoại..., ông Tuấn cho biết. Hay đối với phủ sóng công nghệ 4G, 5G, hiện vẫn còn hơn 2.000 thôn bản trên cả nước rất khó khăn, thiếu sóng, rất cần nỗ lực để thu hẹp con số này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia của CIEM, phát triển kinh tế số còn gặp trở ngại ở hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với đó, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân cũng đang là hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Mở thêm cáp quang trên đất liền

Dù vậy, cơ hội, tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện vẫn rất lớn. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ thể chế - pháp lý. “Kinh tế số, xã hội số không chỉ có người bán mà còn có cả người mua, do vậy tư duy quản lý cần hướng nhiều hơn đến phát huy vai trò, trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi của người mua. Trong đó, các chính sách cần ưu tiên đến các vấn đề như xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến, ý thức đối với bảo vệ sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, đặc biệt là ý thức về tiêu dùng bền vững”, ông Dương đề xuất.

Song song với thể chế, cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, ông Trần Minh Tuấn cho biết, năm nay là năm dữ liệu số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai dữ liệu chùm và dữ liệu lớn. Các dữ liệu chùm (gồm 6 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, y tế…) sẽ bảo đảm các tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống, chính xác”. Đồng thời, bộ cũng sẽ chú trọng công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Sắp tới,100% điện thoại cài đặt ứng dụng bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Cũng theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, phát triển kinh tế số còn phải chú trọng tới tính bền vững. Tới đây, bộ sẽ tổ chức nhiều đợt diễn tập lớn như khi cắt hẳn internet thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế số. “Sẽ phải bảo đảm ít nhất 70 - 80% hoạt động chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào internet quốc tế, để khi mạng quốc tế bị đứt, Việt Nam không bị mất hoàn toàn”.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC kiến nghị, để phát triển kinh tế số, cần xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng thành trung tâm dịch vụ dữ liệu khu vực - Digital HUB. Theo đó, cần tính đến trục kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, mở thêm cáp quang trên đất liền. Nhờ đó, các khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới sẽ được trải nghiệm hệ thống hạ tầng viễn thông liền mạch, ổn định và toàn diện hơn.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/khong-the-phu-thuoc-hoan-toan-mang-internet-quoc-te-i316131/