Không thể thách đố dư luận

Vấn đề rất nóng mà dư luận quan tâm nhiều ngày qua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện lên 8,36%, nhưng số khách hàng không nhỏ phải thanh toán tiền điện gấp rưỡi, gấp đôi so với trước đây. Dư luận còn nóng hơn khi ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc EVN tuyên bố: Nếu giải tán EVN, giá điện sẽ tăng gấp rưỡi, gấp đôi!

Có gì đằng sau sự vụ này? Cần hiểu đi vào cơ chế thị trường hội nhập thì giá cả các mặt hàng phải tuân thủ thị trường, phải đi theo thị trường điều tiết có giảm có tăng. Như giá xăng dầu tăng giảm cũng là lẽ thường tình. Nhưng nhìn xem giá điện từ trước tới nay chỉ có tăng, không bao giờ có giảm.

Câu chuyện như thành "điệp khúc" của EVN là trước khi "dọn đường" cho tăng giá điện hàng năm tập đoàn kinh tế Nhà nước này bao giờ cũng "tung ra" nguy cơ thiếu điện nơi này nơi kia!

Ai cũng hiểu: Làm ra điện phải đầu tư rất lớn vốn liếng, thời gian công sức, nên giá điện tăng và phải điều chỉnh là không thể khác. Nhưng vì sao dư luận như thiếu tin tưởng về sự minh bạch của EVN. Đó chính là chi phí đầu vào quản lý đã chặt chẽ, đã hợp lý chưa? Nhiều chi phí hành chính của EVN đưa cả vào giá thành "đầu vào" liệu có đúng không? Rồi cả những đầu tư lớn ra ngoài ngành thua lỗ lớn cũng đổ hết vào giá thành của điện đem chia cho khách hàng "è vai" ra gánh có không? Đã nói minh bạch giá thành điện EVN cần phải công khai cả ra.

Nhưng buồn nỗi, dư luận càng thêm băn khoăn khi EVN lại còn có ý tưởng đưa cả quy định "mật" cả trong sản xuất kinh doanh điện, thì sao nói đến công khai minh bạch trong tập đoàn kinh tế lớn Nhà nước? Cần mổ xẻ xem chi phí đầu vào, đầu ra của ngành Điện có nằm trong danh mục bí mật Nhà nước mà pháp luật quy định không? Nói gì, khi giá điện công bố tăng 8,36%, mà rất nhiều khách hàng khiếu nại vì hóa đơn nộp cho ngành Điện tăng vút cao tới 1,5 - 2 lần? Cách giải thích của ngành Điện do thời gian tính tiền điện của tháng dài hơn, do khách hàng dùng nhiều... xem ra không đủ sức thuyết phục.

Chính vì thế, dư luận càng bất bình và Chính phủ chỉ đạo EVN phải rà soát nhìn lại. Nhiều chuyên gia hiểu biết ngành Điện chỉ thẳng do cách tính giá điện theo quá nhiều bậc thang trước đây không còn hợp lý nữa. Do đủ thứ chi phí không tên và có tên của ngành Điện đều "ấp" cả vào cho chi phí đầu vào nên thành cơ sự. Rồi cả bộ máy cồng kềnh của chính ngành Điện từ hội sở tập đoàn đến các đơn vị thành viên cũng là căn nguyên đổ hết lên từng KWh điện mà nguời dùng phải gánh?

Dư luận chỉ rất thẳng: Căn nguyên giá điện tăng cao phải nhìn từ rất nhiều nguyên nhân và "lỗ hổng" của chính EVN trong quản trị doanh nghiệp, trong quản trị tài chính từ giá mua điện, giá bán điện, cho đến đầu tư các dự án điện, sửa chữa mua sắm và cả đấu thầu thiết bị trong ngành Điện. Đó còn là giải pháp chống thất thoát điện trên đường dây truyền tải. Giải thích với dư luận và báo chí, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri như thách đố dư luận khi cho rằng nếu giải tán EVN giá điện còn vọt cao nữa!

Dư luận bức xúc, càng thêm bức xúc với cách giải thích đầy uy quyền của Tập đoàn kinh tế "độc quyền" khi cái nóng của mùa hè bắt đầu và việc tiêu thụ điện trong các gia đình càng không thể đặng đừng! Cần hiểu rằng người dân không bao giờ muốn giải tán EVN vì tập đoàn kinh tế Nhà nước gánh trên vai vị trí "trụ cột đầu tàu", với vai trò "quả đấm thép" của kinh tế quốc gia không thể không có. Nhưng người dân và các doanh nghiệp - những khách hàng mà EVN gọi là "thượng đế" cần được doanh nghiệp Nhà nước tôn trọng trong ứng xử, minh bạch công khai trong chi phí, trong giá điện khi khách hàng phải "móc hầu bao" trả tiền điện hàng tháng.

Thử nghĩ xem EVN đầu tư ngoài ngành thua lỗ rồi đem chia cho khách hàng cùng chịu có đúng với đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước không? Liệu có tư duy tăng trưởng "ăn vào" tăng giá, có chuyện "tìm kiếm" lợi nhuận từ tăng giá điện như "ăn trên lưng" khách hàng những người dùng điện không?

Nói học các nước, nhìn ra các nước họ làm gì có cách tính giá điện với bậc thang nọ, bậc thang kia tới 6 bậc như ở ta. Nên nhớ các nước chỉ có một giá điện dùng nhiều trả nhiều. Còn ở ta càng dùng nhiều giá điện càng cao vút. Rõ ràng EVN đang làm ngược với cơ chế thị trường, đang đi ngược chiều với lộ trình hội nhập chăng?

Một đất nước với bao dòng sông thiên nhiên ban tặng để làm ra điện rẻ. Nhưng vì sao người dân không nhận được cái giá điện rẻ từ sự ban tặng của thiên nhiên. Chính Bộ Công Thương và EVN hãy nhìn lại và trả lời cho dư luận một cách công khai. Nói giá điện cạnh tranh, thị trường điện cạnh tranh, nhưng xem ra còn quá xa vời, khi chính EVN vẫn chưa chịu rời "bầu sữa" của sự độc quyền? Nói lộ trình chiến lược dài xa với đổi mới này, cải cách kia, mà lộ trình đến năm 2021 mới tính đến việc thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, liệu có quá chậm chân không?

Nhu cầu điện cho đời sống sinh hoạt và điện cho công nghiệp, cho sản xuất kinh doanh đã đến lúc không thể cào bằng một giá. Phải tính xem sản lượng khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI tiều xài điện thế nào? Đã nhìn rõ nhiều doanh nghiệp FDI và cả các doanh nghiệp trong nước mở các dự án tràn lan tiêu xài điện lớn nhưng né thuế, chuyển giá không nộp cho ngân sách đồng nào, thì hiệu quả cung ứng điện đang là "lỗ hổng" quá lớn.

Lỗ hổng ấy là sự vô lý đất nước đi vay tiền về làm điện để cung ứng điện cho các doanh nghiệp FDI xài điện nhiều mà trốn, né trách nhiệm nộp thuế cần chỉ thẳng: Đó là cách làm hạ sách! Càng "thất sách" hơn, khi đầu tư điện càng lớn lại đem chia đều cả những chi phí vô lý, phi lý cho người dân dùng điện sinh hoạt để tăng giá nghe sao thuyết phục, sao có thể lọt tai dân?

Dũng cảm nhìn lại cách làm, thẳng thắn xem lại chiến lược dài xa trong quy hoạch phát triển ngành Điện, cung ứng điện, trong chi phí của ngành Điện, EVN mới xứng đáng với vai trò tập đoàn kinh tế "trụ cột đầu tàu", xứng với "quả đấm thép" của kinh tế đất nước. Minh bạch và công khai là yêu cầu của dư luận, doanh nghiệp và người dân với EVN. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần vào cuộc thanh tra kiểm toán ngay hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN một cách khách quan, vô tư để những bức bối về giá điện tăng như "phi mã" được giải tỏa.

Bộ Công Thương và lãnh đạo EVN cần nhìn lại với cách giải thích như đe dọa thách đố người dùng điện của lãnh đạo EVN liệu có nên? Hơn thế, cần xem lại một cách căn cơ về cái biểu giá điện 6 bậc thang đang làm người tiêu dùng bất bình, bức xúc. Cần phải xem lại đề nghị giá thành điện cũng đưa vào là "thông tin mật" có đúng với quy định của pháp luật và có cần thiết không?

Rất mừng Thủ tướng vừa lệnh phải thanh tra rà soát lại thực chất về giá điện tăng, cho dù Bộ Công Thương đã tổ chức 3 đoàn "vi hành" đi kiểm tra ở ba miền với tinh thần làm rõ những kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đang rất nóng trong dư luận xem đúng sai thế nào để trả lời công khai trước dư luận.

Mới hay: Thông tin về giá điện không thể là câu chuyện phải đưa vào quy định "bí mật". Khi ngành Điện còn độc quyền, thì sự minh bạch công khai rõ ràng "trắng đen, đen trắng" càng phải soi đến tận cùng của chuyện điện tăng, giá điện đang như "ngựa phi nước đại"!

Càng không quên nhìn lại cả việc tuyển chọn người đứng đầu tập đoàn kinh tế Nhà nước EVN đã thật sự tìm đúng người xứng tầm chưa. Không thể cứ ngồi phòng máy lạnh "vẽ ra" những quy định vô lý với giá điện tăng "ngẫu hứng", rồi thấy sai buông lời xin lỗi là xong!

Đỗ Quang Đán

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/khong-the-thach-do-du-luan.html