“Không thể thay đổi ý thức phân làn trong 2 tháng”

- Thanh tra giao thông (TTGT) là lực lượng trực tiếp thực hiện quyết định phân làn giao thông của UBND TP Hà Nội. Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội trao đổi với Bee.net.vn về nhiệm vụ hết sức khó khăn này.

Thưa ông, ông có thể cho biết ý kiến của riêng mình về việc thực hiện phân làn giao thông hơn 2 tháng qua?

Trước hết phải hiểu đặc thù giao thông Việt Nam là đa phương tiện, đan xen nhiều dòng, trong đó đặc biệt nhiều xe máy. Đi xe máy đương nhiên rất cơ động, có thể luồn lách vào bất kỳ chỗ trống nào. Người lái có thể hãnh diện khi mình vượt lên được nhiều người khác nhưng xét trên tổng thể đây lại là sự vô ý thức, làm hỗn loạn giao thông.

Đã lâu rồi người dân được đi lại thoải mái, bây giờ nắn họ đi đúng làn rất khó. Người dân muốn đi nhanh, an toàn nhưng lại muốn cả thích đỗ thì đỗ, rẽ thì rẽ. Trong rất nhiều nhu cầu phải biết cân bằng, chứ không phải tất cả mọi nhu cầu đều có thể được đáp ứng.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Nhưng hiện tại có rất nhiều ý kiến cho rằng vị trí đặt biển phân làn chưa hợp lý, gây cản trở giao thông?

Trong cái khó này cả nhà nước và nhân dân phải chia sẻ. Nhà nước sẽ đưa ra những giải pháp cải thiện dần dần như kéo dài dải phân cách để người dân bớt rẽ ngang rẽ dọc.

Hiện tại, trục phố Huế, Hàng Bài có quá nhiều ngã ba, ngã tư, cửa hàng cửa hiệu. Nếu theo chiều hướng để người dân thuận buôn bán thì phải chấp nhận giao thông lộn xộn và ngược lại. Ai cũng thấy rằng phân làn được thì văn minh hơn, trật tự hơn.

TTGT trực tiếp phân làn nhưng không có quyền xử lý phương tiện đi sai làn, ông có thấy đây là điều bất cập?

Chúng tôi cũng đã có kiến nghị để cho TTGT được quyền xử lý phương tiên đi sai làn đường. Nhưng theo quy định của pháp luật, TTGT chỉ được xử lý phương tiện tĩnh (khi dừng đỗ - PV) còn lại là hỗ trợ lực lượng cảnh sát giao thông.

Nếu bây giờ tăng quyền cho TTGT thì cũng khó, sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc phân định thẩm quyền, hai đến ba lực lượng sẽ có cùng quyền và nhiệm vụ như nhau.

Hiện tại, có bao nhiêu TTGT tham gia công tác phân làn thưa ông?

Trên 5 tuyến chính có khoảng 120 TTGT làm công tác phân làn. Họ được chia làm 2 ca: 60 người ca sáng, 60 người ca chiều. Tuy nhiên, tùy tình hình giao thông phức tạp chúng tôi vẫn phải tăng cường thêm anh em.

Vật lộn phân làn

Đã có rất nhiều TTGT đã phải bỏ vị trí đứng trước cột báo phân làn vì lo sợ bị phương tiện đâm phải…

Bây giờ, Sở không bắt anh em đứng trước cột vì rất nguy hiểm. Thường TTGT đứng ở bên cạnh hoặc phía đuôi của biển phân làn để hướng dẫn.

Những lúc thế này người dân cho rằng phân làn chỉ làm cản trở giao thông.

Đã có biển báo phân làn, vậy TTGT đứng sau liệu còn có tác dụng?

Đây mới chỉ là giai đoạn tuyên truyền, vận động và hướng dẫn. Một là sử dụng biển báo, hai là có người trực tiếp hướng dẫn để tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông.

Thống kê cho thấy đã có quá nhiều vụ tai nạn do đâm vào cột phân làn trong 2 tháng qua?

Những vụ va chạm khoảng trên 50 vụ, còn tính cả va chạm nhẹ như chỉ làm xê dịch dải phân cách thì chúng tôi không thống kê.

Vậy ông có nghĩ đã đến lúc phải dùng biển hiệu trên cao thay thế cột phân làn giữa đường?

Bây giờ có cả một chướng ngại và một người đứng hướng dẫn giữa đường người ta còn chẳng chấp hành nói gì đến tầm biển treo trên cao.

Đấy là giải pháp mang tính chất cưỡng chế giao thông, cực chẳng đã mới làm, nhưng tác dụng của nó rất nhanh, rất mạnh.

Đương nhiên, không thể chỉ trong 2 tháng con người đã thay đổi ý thức đã bị tác động trong 20 năm.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Kim Thái (thực hiện)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3721/201111/Khong-the-thay-doi-y-thuc-phan-lan-trong-2-thang-1817885/