Không thi cử, không bài tập về nhà nhưng giáo dục Phần Lan vẫn thuộc top đầu thế giới

Sự độc đáo của mô hình giáo dục Phần Lan là không giao bài tập về nhà cho học sinh và không tổ chức kiểm tra thường xuyên. Nhưng giáo dục Phần Lan vẫn được công nhận là hệ thống giáo dục phát triển nhất trên thế giới.

Dù không phải làm nhiều bài tập về nhà, không trải qua thi cử thường xuyên nhưng học sinh Phần Lan vẫn đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế. Trong thống kê của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, Phần Lan đứng ở vị trí thứ 6 và Vương quốc Anh đứng thứ 23 về đọc hiểu. Về môn Toán, Phần Lan đứng thứ 12 trong khi Vương quốc Anh đứng thứ 26. Ảnh: Aboluowang

Dù không phải làm nhiều bài tập về nhà, không trải qua thi cử thường xuyên nhưng học sinh Phần Lan vẫn đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế. Trong thống kê của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, Phần Lan đứng ở vị trí thứ 6 và Vương quốc Anh đứng thứ 23 về đọc hiểu. Về môn Toán, Phần Lan đứng thứ 12 trong khi Vương quốc Anh đứng thứ 26. Ảnh: Aboluowang

Hạnh phúc của học sinh là điều giáo dục Phần Lan hướng đến

Mục đích của giáo dục Phần Lan là để học sinh hạnh phúc, biết tôn trọng bản thân và những người khác. Vì vậy, ở Phần Lan, giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh mỗi ngày, không có các bài kiểm tra thường xuyên. Tại các buổi giảng dạy trên lớp, giáo viên sẽ lắng nghe những gì học sinh nói và đối xử với họ như những người có suy nghĩ độc lập.

Bên cạnh đó, giáo dục Phần Lan nhằm dạy học sinh phải biết đối mặt với khó khăn trong cuộc sống chứ không phải cố đạt điểm cao trong kỳ thi. Do đó, khác với Ấn Độ hay Mỹ, giáo dục Phần Lan không tổ chức các kỳ thi kiểm tra theo tiêu chuẩn toàn quốc, nơi điểm số quyết định việc lựa chọn trường học tốt hay không. Thay vào đó, học sinh Phần Lan được xếp loại dựa trên thành tích cá nhân và các tiêu chí đánh giá do chính giáo viên chủ nhiệm quyết định.

Ngoài ra, ở Phần Lan không có bài tập về nhà hay bài kiểm tra bất ngờ nào dành cho học sinh. Giáo viên tin rằng, thời gian lãng phí làm bài tập có thể được sử dụng để thực hiện các sở thích cá nhân như nghệ thuật, thể thao hoặc nấu ăn. Điều này có thể dạy cho học sinh những kỹ năng, mang lại những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống và có tác dụng giảm căng thẳng cho học sinh.

Giáo dục Phần Lan tập trung vào việc biến trường học thành một nơi an toàn, bình đẳng và học sinh có thể học hỏi nhiều thứ

Từ những năm 1980, tất cả các trường học ở Phần Lan đã cung cấp các bữa ăn miễn phí tại trường, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối tân, chú trọng đến sức khỏe tâm thần thông qua tư vấn tâm lý cho học sinh. Do đó, các trường học ở Phần Lan hay tổ chức nhiều buổi hướng dẫn để học sinh hiểu rõ được bản thân mình muốn gì.

Giờ học ở Phần Lan không bắt đầu từ sáng sớm lúc 6 giờ hay 7 giờ mà từ 9 giờ 30 sáng. Trong một nghiên cứu được phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, giờ học bắt đầu quá sớm có hại cho sức khỏe và sự trưởng thành của trẻ. Giờ tan học ở các trường học Phần Lan gần 2 giờ chiều.

Giáo dục ở Phần Lan không phải chú trọng về điểm số hay thứ hạng mà là tạo ra một bầu không khí bình đẳng, hài hòa và hạnh phúc để học sinh dễ dàng trải nghiệm học tập. Ảnh: The Logical Indian

Ở khía cạnh khác, hầu hết học sinh Phần Lan sẽ dành 30 phút ở nhà sau giờ học để hoàn thành nốt các yêu cầu của giáo viên đã đưa ra trên lớp. Vì chỉ có một vài tiết học mỗi ngày nên các em hầu như đã làm xong mọi việc trong thời gian ở trường.

Học sinh cũng được nghỉ khoảng 15-20 phút để ăn uống, giải trí, thư giãn và làm các công việc khác. Các trường học ở Phần Lan không có quy định về thời gian biểu một cách cứng nhắc, do đó học sinh ít có căng thẳng trong học tập.

Học sinh Phần Lan bình đẳng, hợp tác, không cạnh tranh

Ở Phần Lan, các trường học không gây áp lực trong việc xếp hạng học sinh. Bởi họ tin rằng, người chiến thắng không phải là người đạt điểm số cao. Người chiến thắng theo họ là người giúp những bạn học khác cùng tiến bộ và đạt đến trình độ ngang hàng với mình.

Mặc dù chủ nghĩa cá nhân được đề cao trong quá trình đánh giá dựa trên nhu cầu của mỗi học sinh, nhưng tính tập thể và thúc đẩy sự hợp tác giữa học sinh - giáo viên được coi là rất quan trọng.

Học sinh Phần Lan hợp tác, giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập. Ảnh: Lan Lân

Học sinh được làm chủ nền giáo dục Phần Lan

Các giáo viên Phần Lan tin rằng, học sinh là những đứa trẻ cần được vui vẻ khi đến trường để học tập và cống hiến hết mình. Trọng tâm của việc dạy học là giúp học sinh trở thành những người có tư duy phản biện, biết cống hiến cho xã hội và tự quyết những gì mình muốn.

Mặt khác, ở các trường học Phần Lan, sân chơi trường học được tạo ra bởi ý kiến đóng góp của học sinh. Theo đó, trước khi xây dựng, kiến trúc sư sẽ nói chuyện với các em về nhu cầu và những gì chúng mong muốn ở một sân chơi.

Bên cạnh đó, học sinh Phần Lan 6 tuổi mới tới trường, thay vì độ tuổi đi học mẫu giáo là 3-4 tuổi như nhiều quốc gia khác. Tuổi thơ của những đứa trẻ sinh ra tại Phần Lan không bị gò bó trong trường học, chúng được tự do giao tiếp và tham gia vào các hoạt động xã hội.

Cuối cùng, tất cả các trường học ở Phần Lan đều miễn học phí vì không có trường tư thục nào. Vậy nên, giáo dục ở đất nước Bắc Âu này không được coi là một việc kinh doanh. Ngay cả việc dạy thêm bên ngoài trường học cũng bị cấm để ngăn chặn thương mại hóa giáo dục.

Nguồn: The Logical Indian

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khong-thi-cu-khong-bai-tap-ve-nha-nhung-giao-duc-phan-lan-van-thuoc-top-dau-the-gioi-179230531102516185.htm