Không thiếu nông sản, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Quý Mão 2023. Thời điểm này, các hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác trên cả nước đang tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và chăm sóc rau màu… để phục vụ nhu cầu của người dân. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường khá dồi dào, phong phú.

Trồng rau xanh trong nhà lưới ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: T.L

Trồng rau xanh trong nhà lưới ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ). Ảnh: T.L

Sở Công thương TP. Hà Nội cho biết, việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán đã hoàn tất, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố (trong đó có 132 siêu thị, hơn 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành), nhằm đưa các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá đến với người nghèo, người khó khăn, để họ có điều kiện đón Tết đầy đủ hơn.

Ngoài nguồn sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất tại thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cùng 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội, bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã lo hơn 30.000 tấn hàng hóa (5.603 tấn thịt gia súc, 8.481 tấn thịt gia cầm, 54,4 triệu quả trứng, 1.485 tấn thực phẩm chế biến, 297 tấn thủy hải sản, 9.255 tấn rau củ quả…) cung ứng ra thị trường trong dịp này, tăng từ 15 đến 30% so với năm 2021; trong đó hàng hóa bình ổn thị trường chiếm từ 25 đến 43%. Đơn cử như Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cung cấp cho thị trường 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, 4.200 tấn thực phẩm chế biến; đồng thời cam kết luôn giữ giá ổn định, không điều chỉnh tăng giá bán trong và sau Tết, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5 đến 10% ở những điểm bán sản phẩm của công ty…

Không chỉ hai thành phố lớn, nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đã lên kế hoạch, chuẩn bị đủ nguồn hàng trong dịp này. Tỉnh Kiên Giang có hơn 54.730 tấn hàng hóa với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu: gạo và lương thực khác; thịt các loại, tôm, cá, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…, cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tại Cần Thơ, các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là 1.237 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2023.

Về mặt hàng rau củ quả, theo các chuyên gia trồng trọt, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây trồng. Từ nay đến Tết, thời gian đủ để nông dân chuẩn bị nguồn rau, do vậy rau xanh sẽ đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để nhân dân cả nước đón Tết đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan gồm Nông nghiệp và PTNT, công thương, y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) bởi ở nhiều nơi, một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm. Các chợ cóc hoạt động thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm VSATTP...

Mới đây, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1637/KH-BCĐTƯ ATTP về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023. Theo đó, từ ngày 15/12/2022 đến 12/3/2023 thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.

Song song với đó, các địa phương cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Từ đó thay đổi hành vi của cá nhân, tập thể trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm...

Việc thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được tổ chức từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; kiểm dịch tận “gốc” và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, đẩy mạnh kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh, buôn bán, sơ chế động vật và sản phẩm động vật. Về lâu dài, cần tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nâng cấp thiết bị, đổi mới công nghệ để có thể sản xuất, chế biến thêm nhiều sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu của nhân dân...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202212/khong-thieu-nong-san-thuc-pham-trong-dip-tet-nguyen-dan-1d7359b/