Không thương mại hóa lễ hội

Sức hút của lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn (Hải Phòng) năm nay vẫn không hề giảm. Hàng chục nghìn du khách từ mọi miền đã đổ về khu vực diễn ra vòng chung kết sáng 18-9 vừa qua. Rút kinh nghiệm từ sự cố trâu chọi húc chủ tử vong trên sới đấu trong lễ hội chọi trâu năm ngoái, để bảo đảm an ninh, an toàn, công tác tổ chức năm nay được tiến hành kỹ lưỡng hơn. Hệ thống hàng rào ở khu vực khán đài được gia cố để trâu chọi không thể vượt qua, hàng rào ba lớp từ sân ra cổng được thi công nhằm hạn chế tình trạng người xem trèo, nhảy qua rào. Lễ hội chọi trâu năm nay cũng không tổ chức vòng loại nhằm kiểm soát tốt nhất tình trạng các trâu chọi tham gia thi đấu.

Trước đó, trả lời đề xuất của UBND thành phố Hải Phòng về việc bán vé tại lễ hội chọi trâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bày tỏ quan điểm dứt khoát không chấp nhận việc thương mại hóa lễ hội dưới mọi hình thức. Vì thế, điểm mới nổi bật nhất của lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn năm 2018 là ban tổ chức không bán vé, thu vé vào cổng như mọi năm. Tuy nhiên, tình trạng "phe" giấy mời vẫn diễn ra khá công khai. Dọc tuyến đường từ bãi gửi xe vào sân vận động, những chiếc giấy mời được chào mua với nhiều mức giá. Một số người cá cược ngay trên sân.

Mức giá trông giữ xe tăng vọt, giá trông ô-tô lên tới 100.000 đến 200.000 đồng/lượt.

Mặc dù đây là năm thứ hai ban tổ chức thiết kế riêng khu vực giết mổ, bán thịt trâu để tránh phản cảm và dễ quản lý, song thịt trâu chọi vẫn được bán với giá "trên trời" khoảng vài triệu đồng/kg… Như vậy, dù đã có những chuyển biến tích cực hơn trong công tác tổ chức nhưng rõ ràng, những hình ảnh bất cập nêu trên vẫn là biểu hiện của việc thương mại hóa lễ hội. Ðây là những biểu hiện không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như Công điện số 240/CÐ-TTg ngày 21-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội.

Những năm gần đây, tại các lễ hội chọi trâu, trâu càng được giải cao thì giá thịt sau khi xẻ càng tăng. Thay vì quan tâm tới yếu tố văn hóa của lễ hội, thứ hạng trong cuộc đấu dường như được chú ý nhiều hơn. Thế nên, nhiều chủ trâu muốn tăng khả năng chiến đấu của trâu chọi đã vuốt sừng cho thật nhọn, cho trâu uống rượu… Và khi lễ hội trở thành môi trường để kiếm lời, đương nhiên những giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với nó cũng bị mai một, biến tướng. Do đó, để bảo đảm lễ hội bảo tồn và phát huy được giá trị nguyên gốc, nhất thiết phải dẹp bỏ tình trạng thương mại hóa. Mới đây, Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đã đưa ra nhiều điều khoản nhằm siết chặt và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Trong đó, có nhiều quy định pháp lý mang tính răn đe với sự phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức. Nghị định đã thiết lập một hành lang pháp lý có tính hệ thống để đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, khắc phục những biến tướng, thương mại hóa. Tuy nhiên, để nghị định thật sự đi vào cuộc sống đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía, nhất là chính quyền địa phương các cấp.

Lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn năm nay do không tổ chức bán vé, trong khi sức chứa của sân vận động chỉ có hạn, cho nên công tác kiểm soát lượng người vào sân diễn ra khá vất vả. Khán đài chật cứng người xem từ sớm nên cửa sân vận động phải đóng trước khi diễn ra sự kiện, dẫn tới nhiều người dù có giấy mời vẫn phải đứng ngoài. Dù đây là điều có thể lường trước, nhưng rất khó kiểm soát. Do đó, khi không bán vé, ban tổ chức các hoạt động thu hút nhiều người cần kiểm soát lượng người tham dự dựa trên sức chứa của điểm đến; các cấp, ngành liên quan và ban tổ chức cần phối hợp đưa ra phương án phù hợp nhất.

VIỆT ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37700202-khong-thuong-mai-hoa-le-hoi.html