Không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội: Cần thiết ban hành Nghị quyết riêng

Cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đó là quan điểm được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra tại phiên họp thẩm tra sơ bộ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết. Qua đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung. Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đối với Dự thảo Nghị quyết này để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

Theo tờ trình, với khu vực đô thị tại TP Hà Nội sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận) và cơ quan hành chính tại phường ở khu vực đô thị. Tại khu vực nông thôn, mô hình tổ chức vẫn thực hiện theo ba cấp chính quyền như hiện nay (cấp TP; cấp huyện, thị xã và xã, thị trấn).

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm 10 điều. Trong đó, tại những phường thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. Dự kiến, nếu được thông qua, Dự thảo Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2020.

Dưới góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị - pháp lý và thực tiễn; đã đề xuất nhiều nội dung đổi mới về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở quận, thị xã và phường trên địa bàn TP Hà Nội. Vì vậy, quan điểm của Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thực hiện Kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, tờ trình của Chính phủ cần làm rõ đòi hỏi từ thực tế đối với việc đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị trên địa bàn.

Đồng thời, giải trình rõ tiến độ xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai… cho Hà Nội; cũng như quá trình tổng kết, rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 46 - KL/TW của Bộ Chính trị, cũng như góp phần triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được chuẩn bị, xây dựng công phu, tiếp thu ý kiến đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học, Nhân dân Thủ đô.

Dự kiến, Dự thảo Nghị quyết này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 diễn ra vào tuần này.

"Việc thí điểm không tổ chức HĐND phường là một chủ trương lớn, quan trọng, do đó Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá kỹ càng về sự cần thiết ban hành, hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, cũng như các nội dung cụ thể của Dự thảo Nghị quyết…" - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-to-chuc-hdnd-cap-phuong-o-ha-noi-can-thiet-ban-hanh-nghi-quyet-rieng-354891.html