Khổng Tử họ gì?

'Năm 22 tuổi, Khổng Tử mở lớp dạy học, học trò mới gọi ông là Khổng Phu Tử, hay còn gọi tắt là Khổng Tử. Trong tiếng Hán, 'Tử' ngoài ý nghĩa là 'con' còn có ý nghĩa là 'thầy', do đó Khổng Tử có nghĩa là thầy Khổng. Về sau này ông được người đời gọi là 'Vạn thế sư biểu' (người thầy của muôn đời)'.

Khổng Tử. Ảnh internet

Khổng Tử. Ảnh internet

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Khổng Phu Tử (tiếng Trung: 孔夫子) hoặc Khổng Tử (tiếng Trung: 孔子) là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu (chữ Hán: 孔丘; 28 tháng 9, 551 TCN - 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni (chữ Hán: 仲尼). Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Trí tuệ và công đức của Khổng Tử được đúc kết trong mỹ tự Vạn thế sư biểu[7] (chữ Hán: 萬世師表) hoặc Đại thành chí thánh tiên sư (chữ Hán: 大成至聖先師), hay như có thơ rằng Thiên bất sinh Trọng Ni, vạn cổ như trường dạ (chữ Hán: “天不生仲尼,万古如长夜", tạm dịch: Trời không sinh Trọng Ni, muôn đời như đêm dài).

Con cháu Khổng Tử kế thừa truyền thống tổ tiên, thế hệ nào cũng ghi chép gia phả để nhắc nhở con cháu về công lao của tổ tiên. Năm 2005, dòng họ Khổng Tử được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là gia tộc có bộ gia phả lâu dài nhất trong lịch sử thế giới, với 86 thế hệ con cháu được ghi chép lại đầy đủ, trải dài trên 2.500 năm Bộ gia phả không chỉ có giá trị to lớn với con cháu Khổng Tử, mà còn là tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử Trung Quốc trong 2.500 năm qua.

Con người và sự nghiệp

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự là Trọng Ni, sinh năm Canh Tý 551 Tr.cn, nguyên quán tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Khổng Tử khi sinh ra đã có tướng khác lạ: môi dày, tay hổ, lưng rùa, miệng rộng, trán cao và lộ hầu. Thân sinh Khổng Tử là Thúc Lương Ngột, thân mẫu Người họ Nhan tên là Trưng Tại. Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì thân sinh ông là Thúc Lương Ngột qua đời ở tuổi 73 ( năm Quý Mão 548 Tr.cn). 14 năm sau, thân mẫu Khổng Tử cũng qua đời.17 tuổi, Khổng Tử mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Khổng Tử lớn lên cao 1m91, có hình dáng phục phịch, đầu “mấp mô”, khi lớn lên Khổng Tử mình cao vai rộng và rất ham thích việc học hành, tuy nhiên, các nhà quyền quý lúc đó rất ghen ghét ông nên luôn tìm cách gièm pha để các vua không trọng dụng đến.

Năm 19 tuổi, Khổng Tử lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho chuyên quản lý kho tang, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác. Khổng Tử cũng từng đảm nhiệm chức quan nhỏ chuyên quản lý nông trường chăn nuôi súc vật sinh trưởng rất tốt, nhờ đó mà Khổng Tử được thăng lên chức làm quan Tư Không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 22 tuổi, Khổng Tử mở lớp dạy học, học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay còn gọi tắt là Khổng Tử. Trong tiếng Hán, “Tử” ngoài ý nghĩa là “con” còn có ý nghĩa là “thầy”, do đó Khổng Tử có nghĩa là thầy Khổng. Về sau này ông được người đời gọi là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời).

Vấn đề mà Khổng Tử dốc hết tâm huyết vào là việc làm cho xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ được ổn định. Và biện pháp của ông là khôi phục đường lối đức trị và lễ trị như thời Tây Chu.

Triết học Khổng Tử là triết học nhân sinh. Nó bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết các vấn đề chính trị. Học thuyết của Khổng Tử chủ yếu là học thuyết chính trị- xã hội, lấy đạo nhân làm điểm xuất phát. Khổng Tử cho rằng, con người có đạo nhân là do trời phú cho. Chỉ có quân tử mới có đạo nhân...

Từ điểm xuất phát về đạo nhân, Khổng Tử xác định các biện pháp cụ thể để cai trị xã hội. Chính Khổng Tử cho rằng mình là người kế thừa Chu Công xác định học thuyết chính trị cho xã hội phong kiến. Biện pháp cai trị của Khổng Tử bao gồm thuyết “chính danh”, “lễ trị” và “đức và hình”.

Khổng Tử còn dùng “lễ” và “chính danh” để điều hòa mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị. Nhưng học thuyết chính trị của Khổng Tử còn dựa trên nguyên tắc phân biệt xã hội thành hai loại: quân tử và tiểu nhân. Như vậy, lễ và chính danh là để dùng cho người quân tử, tức giai cấp thống trị, trong đó có cả kẻ sĩ (vì vậy lễ không xuống đến thứ dân) và cũng như khi nói về “nhân” đề cập đến mẫu người quân tử ở mỗi lúc mỗi người.

Khổng Tử đã đưa ra những tiêu chuẩn tản mạn khác nhau. Song chung quy lại là: Quân tử phải đạt đến 9 điều sau: Khi nhìn thì phải nhìn cho minh bạch, khi nghe phải nghe cho rõ ràng, sắc mặt phải ôn hòa, tướng mạo phải nghiêm trang, nói năng phải trung thực, làm việc phải trọng sự kính nể, điều gì còn nghi hoặc phải hỏi han, khi tức giận phải nghĩ đến hậu họa và khi thấy lợi phải nghĩ đến điều nghĩa.

Bằng 9 điều trên, Khổng Tử đã đặt ra những yêu cầu từ hình dạng đến thâm tâm, từ cách ứng xử với đời của người quân tử. Những yêu cầu này theo Khổng Tử phải có sự trung hòa và gọi đấy là “trung dung”. Trung dung nghĩa là dùng đạo trung dung làm lẽ sống thường ngày vậy, “nghĩa là trung dung đòi hỏi con người đừng thái quá. Đảng phái quy về nội tâm cũng như đừng thái quá về ngoại hình, đừng thái quá về mình cũng như đừng thái quá về người. Nó giống như mối tương quan giữa “văn” và “chất”. Chất hơn văn trở nên thô kệch quê mùa. Còn văn hơn chất thì hào nhoáng bên ngoài, ít thực. Giữ cho văn chất trung hòa mới đạt đạo trung dung, mới là người quân tử.

Khổng Tử được vua nước Lỗ là Lỗ Định Công thăng chức làm Đại Tư Khấu va sau đó là Tướng quốc. Nhưng Lỗ Định Công vì quá say mê nữ nhạc của vua Tề Cảnh Công dâng tặng, suốt ngày chìm đắm xem múa hát, đêm thì ân ái chẳng còn biết gì đến chính trị nữa. Khổng Tử thấy vậy thì rất chán và cuối cùng ông đã bỏ nước Lỗ, từ đây bắt đầu cuộc chu du của ông đến các nước chư hầu.

Nước đầu tiên mà Khổng Tử thấy là Vệ Linh Công yêu cái đức không bằng yêu cái sắc đẹp đàn bà, nên Khổng Tử đã bỏ nước Vệ sang nước Tống. Cùng học trò lập ra một căn nhà dưới gốc cây lớn để giảng về lễ nghĩa. Lúc đó tư mã nước Tống là Hoàn Khôi cũng được vua nước Tống lúc bấy giờ là Tống Cảnh Tông yêu vì có lòng ghét Khổng Tử, nên sai người chặt cây đi mà toan giết Khổng Tử. Ông phải thay hình đổi dạng chạy qua nước Trịnh, thấy vua Trịnh không dùng mình, Khổng Tử lại chạy qua nước Tấn. Lúc đó Triệu Ưởng giết hại rất nhiều hiền thần nên Khổng Tử đã than rằng, loài cầm thú còn không nỡ đánh nhau huống chi là con người, nơi đây không phải chỗ cho ta giảng lễ nghĩa.

Sau đó Khổng Tử đã bỏ nước Tấn và lại về nước Vệ bởi vì lúc đó vua Vệ Linh Công đã mất, vua mới lên ngôi là Vệ Xuất Công. Nhưng giữa lúc vua Vệ và cha của vua Vệ là Khoái Quý tranh chấp nhau, Khổng Tử thấy việc trái lẽ như vậy thì bỏ sang nước Trần rồi nước Sái và ông đã được vua nước Sở là Sở Chiêu Vương đón về Sở. Khổng Tử thấy vua không tin dùng mình nên lại về nước Vệ nhưng không muốn phò tá vua Vệ và Vệ Xuất Công.

Cũng giống như Pi-Ta-Go và Xô-Crat, Khổng Tử chỉ giảng dạy bằng lời và không để lại một dòng chữ nào. Tất cả những gì chúng ta biết là do ghi chép của các học trò ông để lại.

Khổng Tử thu rất ít tiền của học trò, ông sống bằng tiền của một vài học trò giàu có cung cấp cho ông đặt trường học. Ông có hơn 3000 học trò, 72 trong số đó là học trò đặc biệt gần gũi, 12 học trò luôn ở bên ông.

Cuối cùng, ông đã trở về quê hương của mình là nước Lỗ. Năm Nhâm Tuất 479 Tr.cn, Khổng Tử chấm dứt công việc của mình khi cảm thấy cái chết đến gần, trong lúc trò chuyện với học trò, ông hướng về chuyện xa xưa. Ông luôn phàn nàn là “không có một nhà cầm quyền nào muốn trở thành học trò của ông”. Trước lúc mất, ông đau khổ kêu lên: “Sau cái chết của tôi, ai sẽ gánh vác lấy công việc kế tục học thuyết của tôi”. Học trò đã chôn cất ông đúng nơi mà ông đã tự chọn chỗ đặt mộ cho mình không lâu trước đó bên một dòng sông nhỏ dưới tán cây bách diệp.

Khổng Tử mất năm Nhâm Tuất 479 Tr.cn, hưởng thọ 73 tuổi.Sau khi mất, học thuyết của Khổng Tử được cải biến nhiều lần và trở thành tư tưởng chỉ đạo hệ tư tưởng Trung Quốc.Ngày nay, học thuyết của ông được nhiều nước trên thế giới.

Cha Khổng Tử là ai?

Khổng Tử nước Lỗ tên là Khâu, tên tự là Trọng Ni. Cha là Thúc Lương Ngột, khi trước làm quan đại phu ở Trâu Ấp, vốn là viên dũng tướng hai tay nâng nổi cái cánh cửa treo ở thành Bức Dương ngày trước. Nguyên trước Thúc Lương Ngột lấy con gái họ Thi nước Lỗ, không có con. Người thiếp sinh được một con, tên là Mạnh Bì thì lại có tật ở chân. Thúc Lương Ngột mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn.

Họ Nhan có năm con gái, đều chưa gả chồng cả, có ý chê Thúc Lương Ngột đã già, mới bảo các con rằng: Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan đại phu ở Trâu Ấp không? Các con chẳng ai trả lời cả. Người con gái út tên là Trưng Tại, đứng dậy thưa rằng: Phép làm con gái khi còn ở nhà phải theo lời cha, cha đặt đâu con phải ngồi đấy, còn phải hỏi gì! Họ Nhan nghe nói lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột .Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi, cùng nhau vào lễ cầu tự ở Ni Sơn. Trưng Tại trèo lên trên núi cây cối đều rung động lên. Khi làm lễ xong trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ.

Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng: Sau này nàng sẽ sinh được con thánh, nhưng khi nào lâm sản nên vào trong Không Tang .

Đến khi tỉnh dậy thì thành có thai. Một hôm Trưng Tại lại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, trông thấy năm ông cụ già đứng ở dưới sân, tự xưng là năm vì sao, dắt một con thú giống như con trâu con mà có một sừng, mình lại có vằng. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục ngay xuống mà nhả cái thước ngọc ở trong miệng ra. Trên cái thước ngọc có câu văn rằng: "Con nhà thủy tinh, nối đời Chu suy mà làm Tố vương". Trưng Tại biết có điềm lạ, mới lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy mà dắt đi. Khi tỉnh dậy, nói chuyện với Thúc Lương Ngột. Thúc Lương Ngột nói:
Con thú ấy tất là con kỳ lân .

Gần đến ngày đẻ, Trưng Tại mới hỏi Không Tang là chỗ nào. Thúc Lương Ngột nói: Núi Nam Sơn có cái hang đá, tục gọi là Không Tang đó.
Trưng Tại nói: Khi tôi lâm sản, tất phải đến đấy. Thúc Lương Ngột hỏi: Sao vậy?

Trưng Tại thuật chuyện chiêm bao hôm trước, rồi sửa soạn đến ở hang đá Không Tang. Đến hôm ấy, có hai con rồng xanh ở trên trời xuống, phục ở hai bên sườn núi, lại có hai người thần nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại, gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sàn, bỗng thấy trong hang đá có một thứ nước suối ấm chảy ra, để Trưng Tại tắm. Trưng Tại tắm xong, suối lại cạn ngay. Khi được sinh ra, Khổng Tử sinh tuớng có lạ: môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng như lưng con rùa; miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng mà cao. Thúc Lương Ngột nói:

Vì ta cầu tự ở Ni Sơn mà được đứa bé này, vậy thì ta đặt tên là Khâu, tên tự là Trọng Ni. Chưa được bao lâu thì Thúc Lương Ngột tạ thế…

Chế độ phụ hệ bắt đầu từ khi nào?

Như chúng ta đã biết sự phát triển ngày càng cao của nền sản xuất xã hội ở thời đại kim khí đã đem lại những biến đổi mới trong xã hội, trước hết là làm thay đổi hẳn địa vị của người phụ nữ. Sự xuất hiện ngành nông nghiệp dùng cày, chăn nuôi súc vật và nghề thủ công đòi hỏi sức lực và kinh nghiệm sản xuất của người đàn ông.

Mặt khác, do có năng suất lao động cao, sản phẩm do người đàn ông làm ra không những chỉ đủ ăn mà còn đủ nuôi sống cả gia đình. Địa vị kinh tế của người đàn ông trong gia đình đã dần dần được xác lập. Do có sản phẩm dư thừa, người đàn ông bắt đầu quan tâm tới quyền thừa kế tài sản. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng ổn định đã dẫn tới việc con cái biết đến cha, xác lập huyết tộc theo họ cha và quyền thừa kế cha. Gia đình phụ hệ đã dần dần thay thế cho chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, chế độ phụ quyền được xác lập không phải theo ý muốn chủ quan của người đàn ông. Mà do họ “bắt đầu có nhận thức về sự mâu thuẫn giữa địa vị thấp kém của mình với công lao ngày càng lớn của mình trong gia đình và thị tộc”. Quyền của người đàn ông được xác lập dần dần trong gia đình và bắt đầu từ quyền phân công lao động, sau đó mới lan dần ra ngoài xã hội.

Nhờ nắm được thời vụ và kinh nghiệm sản xuất, người đàn ông thoạt đầu có quyền cắt đặt công việc cho các thành viên trong gia đình. Sau đó nắm quyền quyết định các công việc quan trọng. Và cuối cùng là có quyền thay mặt gia đình trong việc giao tiếp với công xã. Họ cũng trở thành những tù trưởng hay tộc trưởng, điều hành công việc chung của công xã.

Chế độ mẫu quyền bị lật đổ là “sự thất bại có tính chất toàn thế giới của giới phụ nữ”. Khác với công xã thị tộc mẫu quyền, quyền của người đàn bà chỉ là quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng. Trong công xã thị tộc phụ hệ, quyền của người đàn ông là vô hạn. Từ quyền phân công lao động, dần dần người đàn ông đã nắm quyền quyết định mọi vấn đề, biến những thành viên khác trong gia đình thành kẻ phụ thuộc, thậm chí thành nô lệ. Người đàn ông có quyền đánh đập. “bán vợ, đợ con”. Như thế, cùng với chế độ phụ quyền, trong xã hội cũng bắt đầu xuất hiện sự bất bình đẳng.

Sự xuất hiện công cụ bằng kim loại không những làm cho năng suất lao động ngày càng được nâng cao, mà còn tạo điều kiện cho nền sản xuất cá thể phát triển. Lúc này, con người không cần phải tiến hành lao động lập thể với cả thị tộc mà theo từng đơn vị gia đình nhỏ. Những gia đình phụ hệ đó có xu hướng tách khỏi thị tộc để đến nơi nào có điều kiện thuận lợi hơn làm ăn sinh sống. Nhiều gia đình như vậy cùng đến làm ăn sinh sống ở một địa phương tạo nên tổ chức công xã mới.

Trong đó các thành viên chỉ có quan hệ với nhau về địa vực và kinh tế mà không hề có quan hệ họ hàng với nhau gọi là công xã láng giềng. Sự xuất hiện các gia đình phụ hệ và từ đó dẫn tới sự hình thành các công xã láng giềng là dấu hiệu chứng tỏ sự tan rã của xã hội nguyên thủy và loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại văn minh.

Thời của Khổng Tử (cuối thời Xuân Thu – Thời Xuân Thu từ năm 770 Tr.cn – 475 Tr.cn) chế độ phụ hệ cũng đã trải qua hàng ngàn năm, vì vậy hầu hết con cái được sinh ra đều mang họ của cha. Cha của Khổng Tử đã có một số sách ghi lại là họ Thúc (Đông Chu Liệt Quốc – Phùng Mộng Long) tên là Thúc Lương Ngột.

Như trên đã viết: “Năm 22 tuổi, Khổng Tử mở lớp dạy học, học trò mới gọi ông là Khổng Phu Tử, hay còn gọi tắt là Khổng Tử. Trong tiếng Hán, “Tử” ngoài ý nghĩa là “con” còn có ý nghĩa là “thầy”, do đó Khổng Tử có nghĩa là thầy Khổng. Về sau này ông được người đời gọi là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời)”.

Cha của Khổng Tử là Thúc Lương Ngột, mẹ là Nhan Trưng Tại, Khổng Tử không mang họ mẹ, như vậy nếu mang họ của cha thì Khổng Tử sẽ là người mang họ Thúc mới đúng, chứ không phải Khổng Tử mang họ Khổng. Vậy để trả lời câu hỏi: Khổng Tử họ gì? Chúng ta sẽ có ngay câu trả lời: Khổng Tử họ Thúc.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khong-tu-ho-gi-72464