Không vì đại dịch Covid-19 mà để người bệnh thiếu máu

Dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4-2000/7-4-2020) cũng là thời điểm cả nước đang căng mình chống đại dịch Covid-19. Trong lúc này, mỗi người dân cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng cũng cần nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu. Bởi còn rất nhiều người bệnh đang rất cần đến những giọt máu tình nguyện để chữa bệnh.

Năm 2020, tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 7-4 là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (HMTN). Sau 20 năm, HMTN trở thành phong trào lớn mạnh với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân trên cả nước. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng, tạo sự chuyến biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với HMTN.

 Cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân tham gia hiến máu. Ảnh: PHẠM HƯNG

Cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân tham gia hiến máu. Ảnh: PHẠM HƯNG

Ngày 15-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Trong thư có đoạn: “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu cứu người thường xuyên để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước ”.

Sau 20 năm phát động Ngày Toàn dân HMTN, phong trào HMTN ở nước ta thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong 20 năm, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 16 triệu đơn vị máu. Nếu năm 2000, cả nước chỉ tiếp nhận được hơn 300.000 đơn vị máu, thì đến năm 2019, toàn quốc đã tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Tỷ lệ HMTN năm 2000 gần 31%, đến năm 2019 đã đạt 98,3%, phấn đấu đến năm 2020 đạt 99%. Đến nay, mạng lưới công tác vận động HMTN toàn quốc được hình thành và từng bước hoàn thiện với 100% các tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, 85% số xã, phường có ban chỉ đạo. Nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước được các địa phương hưởng ứng, tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, bài bản vào các thời điểm khan hiếm máu như: “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”, Ngày Quốc tế người hiến máu 14-6... PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN, khẳng định, ngày 7-4 hằng năm trở thành dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người, đồng thời khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN, nhờ đó đã tạo được phong trào hiến máu lan tỏa, rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Với “thâm niên” gần 40 lần hiến máu, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Phó giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng khoa Vận động hiến máu (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) được coi là “thủ lĩnh” của phong trào vận động hiến máu chia sẻ, trên chặng đường vận động hiến máu, anh đã cảm động trước rất nhiều nghĩa cử cao đẹp của người dân trên cả nước. Có những gia đình cả ba thế hệ cùng hiến máu, có nơi cả dòng họ cùng hiến máu, có người chỉ là một anh xe ôm nhưng 100 lần cho máu. 10 năm trước thôi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa luôn trong tình trạng thiếu máu để cấp cứu, điều trị thì nay, tình trạng khan hiếm máu đã chuyển biến rất nhiều. Bác sĩ Ngô Mạnh Quân khẳng định, có được kết quả đó là do chúng ta đã xây dựng được phong trào hiến máu trong toàn dân, được những tấm lòng nhiệt tình ủng hộ. Bởi máu là loại thuốc đặc biệt, máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh.

Bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tâm sự: “Ngay sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát tại nhiều địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của xã hội, trong đó, công tác vận động và tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn này, các hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu không những phải bảo đảm an toàn cho người tham gia hiến máu, bảo đảm nguồn máu cho điều trị mà còn cần bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch trong cộng đồng”. Bác sĩ Bạch Quốc Khánh khẳng định, với phương châm “Hiến máu an toàn-đừng ngại Covid-19”, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương sẽ bảo đảm công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A, đó là: An toàn cho người hiến máu, an toàn cho người bệnh nhận máu và an toàn cho nhân viên y tế.

Trong thời điểm phòng, chống dịch, mỗi người dân cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, nhất là trong tình hình hiện nay khi nguồn máu cứu người đang khan hiếm trầm trọng; đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều người bệnh trên cả nước đang rất cần những giọt máu để cứu chữa bệnh.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/khong-vi-dai-dich-covid-19-ma-de-nguoi-benh-thieu-mau-614475