Không xa đâu Trường Sa ơi!

Một ngày cuối tháng năm lịch sử, câu hát 'Không xa đâu Trường Sa ơi' đã trở thành hiện thực đối với các thành viên trong Đoàn công tác số 14, khi con tàu Khánh Hòa - 01 với số hiệu 561 kéo lên những hồi còi dài rời Cảng Quốc tế Cam Ranh, những cánh tay rám nắng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 955 Vùng 4, Quân chủng Hải quân vẫy tay chào tạm biệt, chúc chuyến hải lộ bình an, sóng yên biển lặng...

Tất cả chúng tôi thốt lên như tự nói với chính mình: Thật tự hào khi được bắt đầu một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời mình, khi lần đầu tiên được đến Trường Sa. Tôi bất giác đặt tay lên ngực trái, một cảm xúc lạ, giống như một luồng điện nhỏ lan tỏa trong từng đường gân thớ thịt. Đây là lần thứ hai trong đời tôi bắt gặp cảm xúc ấy, lần đầu tiên là từ lâu lắm rồi, khi mấy chục ngàn người đồng thanh cất lên lời hát Quốc ca ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Đất liền dần khuất xa trong tầm mắt, chỉ còn sóng gió và biển trời bao la. Biển Việt Nam thật đẹp, những con sóng bạc hiền hòa vỗ vào mạn tàu rồi lại vỡ ra tan vào biển xanh thẳm như triệu triệu người con đất Việt hòa vào 2 tiếng “Việt Nam”. Không ai trong đoàn công tác muốn bỏ lỡ bất kì một phút giây nào, bởi hầu như mọi giác quan trong mỗi người đều đang được đánh thức. Tình yêu Tổ quốc vốn là thứ vô hình nằm sâu trong tâm khảm, nhưng ở nơi đây, trong chuyến đi này tựa hồ như ta cầm nắm được, như một báu vật hữu hình quý giá, thiêng liêng. Vẫn là những con thuyền đánh cá của ngư dân mà ta đã gặp dọc dài đất nước nhưng sao lần này những chấm nhỏ xa xa lại gợi lên nhiều ấm áp và thân thương da diết thế. Những chấm nhỏ bé, mong manh đó lại đang là hiện thân của sự kiên cường, vững chãi. Một nghề mưu sinh bình thường như bao nghề khác nhưng vĩ đại vô cùng bởi ngư dân bám biển chính là những cột mốc chủ quyền trên biển, khẳng định vùng biển của ta, sóng nước của ta. Khi có tình huống xảy ra thì mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân sẽ là một tiền đồn trinh sát, là một mũi tiến công để phối hợp với Quân đội mà nòng cốt là Hải quân Việt Nam trong thực hiện bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chiều ngày thứ 2 trong chuyến hải trình, điểm đến đầu tiên đã hiện dần ra trước mắt. Kia rồi Song Tử Tây, đảo nhỏ thiêng liêng của Tổ quốc mình. Ánh mắt của tất cả mọi người như dừng lại bởi qua bão tố phong ba, một hòn đảo nhỏ kiên cường vẫn đang đứng vững trước gian nguy của biển cả.

 Đoàn công tác đến thăm hộ gia đình trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Trường Giang)

Đoàn công tác đến thăm hộ gia đình trên đảo Song Tử Tây. (Ảnh: Trường Giang)

Đất nước hòa bình, chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm trước, nhưng ở nơi biển đảo tiền tiêu, bạn sẽ cảm nhận được một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma được Đoàn công tác tổ chức ngay trên boong tàu trong một chiều mưa gió. Tôi đã khóc, và rất nhiều người đã khóc. Sự hy sinh nào cho đất nước mình cũng cao quý, nhưng ở nơi sóng nước này, chúng tôi chỉ biết cầu mong cho linh hồn các anh an nghỉ. Hoa tươi và những cánh chim giấy màu trắng biểu tượng cho hòa bình được dòng người lặng lẽ đội mưa thả trôi theo con sóng dập dềnh. Nước mưa hòa cùng nước mắt, cảm xúc trong thời khắc ấy không ai có thể diễn tả bằng lời, nhất là khi đồng chí chính trị viên ôn lại khoảnh khắc 64 chiến sĩ Gạc Ma đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Máu của các anh đã hòa quyện cùng sóng nước, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc, để hôm nay đây lá cờ luôn đỏ thắm và “sóng dưới thân tàu vẫn là sóng quê hương”.

Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma - Quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Trường Giang)

Ngày thứ 4 của chuyến hải trình, tàu chúng tôi dừng lại ở Đảo Đá Tây A. Không như những khó khăn của các đảo khác, chúng tôi dừng chân tại Đảo Đá Tây A đã thấy rất nhiều tàu cá của ngư dân neo đậu. Thấy chúng tôi, người dân vẫy tay, vẫy cờ chào, được biết đây là điểm dịch vụ nghề cá. Tại đây, thuyền bè thường xuyên ra vào tránh bão và nhận nước ngọt, mua dầu và đá để phục vụ các chuyến đánh bắt xa bờ, đôi khi là để sửa chữa tàu hư hỏng.

Đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Trường Giang)

Đồng chí chính trị viên đảo Đảo Đá Tây A rất tự hào kể rằng, từ ngày khánh thành âu tàu, Đảo đã phục vụ rất nhiều ngư dân, làm cho đất liền và Trường Sa “rất gần bên nhau”. Chiều cùng ngày, đoàn công tác ghé thăm Đảo Trường Sa, đây cũng là điểm đảo lớn với đầy đủ chức năng, từ hàng không, cảng biển có thể cập bến những con tàu lớn đến dịch vụ nghề cá. Đi đến nơi đâu, chúng tôi cũng cảm thấy thân thiết như người nhà. Gặp gỡ người dân trên đảo, các gia đình đều hồ hởi, phấn khởi, nhiều gia đình ở đây từ lâu, có những em bé được sinh ra trên đảo. Đêm đến, đoàn giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên Đảo Trường Sa lớn. Thật xúc động khi các cháu thiếu nhi hát bài “Quê em ở Trường Sa”. Nơi đây các em đã sinh ra, lớn lên và rồi sẽ trưởng thành và sẽ trở thành những công dân nơi tuyến đầu trên biển.

Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai chụp ảnh tại cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa tháng 5/2023. (Ảnh: Trường Giang)

Ngày thứ năm của hải trình, chúng tôi xuôi về phía Nam của Tổ quốc, tới thăm Nhà giàn DK1/18 – Phúc Tần. Trời mưa, biển động nên tàu chúng tôi phải neo đậu khá lâu để chờ đợi bớt sóng to, gió lớn. Những khoảnh khắc ấy sao mà lâu đến thế, thương nhất là các chiến sĩ trên nhà giàn đang đứng chờ tin từ đất mẹ, mong ngóng sao cho trời sáng để được gặp gỡ đất liền, nhưng giờ đây tuy chỉ cách vài hải lý mà không biết có ai vào nhà giàn được không? Tin vui vỡ òa khi đồng chí Trưởng đoàn quyết định cho hạn chế số người lên nhà giàn, chúng tôi không ai bảo ai lặng lẽ chuẩn bị đồ xuống xuồng. Sóng to, mưa tuôn nhưng không làm cản bước được người chiến sĩ lái xuồng, anh bình tĩnh đưa xuồng đi lướt trên đầu sóng dữ cập nhà giàn an toàn. Đến đây mới thấu hiểu tấm lòng người chiến sĩ, gặp nhau bằng cái ôm nồng thắm, nước mắt rơi cùng nước biển mặn mới thấu hiểu câu hát “giữa mênh mông vẫn khát, không uống được anh ơi”.

Trạm dịch vụ kinh tế - Khoa học kỹ thuật (Nhà giàn DK1) – (Ảnh: Phúc Tần)

Những nhà giàn như những cột mốc chủ quyền, cắm sâu vững chắc vào lòng đại dương. Vẫn biết rằng nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng những chiến sĩ nơi đảo xa và nhà giàn xứng đáng với những tấm huy chương lấp lánh hơn bất kỳ tấm huy chương nào trên trái đất. Ngày mai, dẫu còn bão giông nhưng qua chuyến hải trình lần này, chúng tôi đã cảm nhận và thấu hiểu hơn sự gian nan, khắc nghiệt mà những chiến sĩ đã, đang và sẽ tiếp tục vượt qua để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Vâng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Chúng con, những người con đất Việt nguyện một lòng cùng những người lính thực hiện tốt 10 lời thề quân nhân" - Lời tuyên thệ của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên Đảo Trường Sa cứ văng vẳng mãi trong mỗi chúng tôi,

Gần lắm, thân thương lắm Trường Sa ơi, phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của đất nước Việt Nam ta./.

Dương Đức Huy
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/khong-xa-dau-truong-sa-oi-144946