Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới

Sau 5 năm đàm phán, 24 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã có thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt để thành lập khu bảo tồn Biển Ross, công viên hải dương lớn nhất thế giới, rộng 1,55 triệu km2 ở biển Nam cực.

Sau 2 tuần đàm phán tại Hobart, Australia, trong hội nghị thường niên của Ủy ban Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật biển Nam cực (CCAMLR), cuối tuần qua các thành viên đã thống nhất sẽ thành lập khu bảo tồn Biển Ross được bảo vệ khỏi đánh bắt cá thương mại trong 35 năm. Đây là dự án do Hoa Kỳ và New Zealand khởi xướng nhưng đã được thông qua nhờ Nga quyết định không phủ quyết dự án nữa. Nga là nước thành viên cuối cùng nhất trí với dự án này sau khi phản đối những nội dung liên quan đến quyền đánh bắt tại vùng biển này.

Biển Ross được xem là một trong các đại dương quan trọng nhất về mặt sinh thái trên thế giới. Khu bảo tồn hải dương sẽ chiếm hơn 12% diện tích biển Nam cực, nơi cư trú của hơn 10.000 loài, bao gồm hầu hết chim cánh cụt, cá voi, chim biển, mực ống khổng lồ và cá răng Nam cực của thế giới. Việc đánh bắt cá sẽ bị cấm hoàn toàn trong khu vực của Biển Ross rộng 1,1 triệu km2, tương đương diện tích của nước Pháp và Tây Ban Nha. Thỏa thuận này cũng thành lập một khu vực rộng 322.000km2 là "vùng nghiên cứu loài nhuyễn thể", cho phép đánh bắt các loài nhuyễn thể để nghiên cứu. Ngoài ra, một khu vưc rộng 110.000km2 "vùng nghiên cứu đặc biệt" sẽ được thành lập bên ngoài khu vực không đánh bắt, cho phép đánh bắt các loài nhuyễn thể và cá kiếm chỉ cho mục đích nghiên cứu.

Đây là công viên hải dương đầu tiên được thành lập trong vùng biển quốc tế và sẽ tạo tiền lệ cho những hoạt động mạnh hơn giúp thế giới đạt khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) rằng phải bảo vệ 30% đại dương trên thế giới. Các biện pháp bảo vệ Nam cực đã được khẩn trương tìm kiếm vì tầm quan trọng của biển Nam cực đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới.

Chim cánh cụt lấy đá xây tổ ở Nam cực.

Các nhà khoa học đã ước tính biển Nam cực sản sinh đến khoảng 3/4 chất dinh dưỡng duy trì sự sống cho các đại dương còn lại trên thế giới. Vùng biển này cũng là nơi cư trú của hầu hết chim cánh cụt và cá voi trên thế giới. Biển Ross là một vịnh sâu ở biển Nam cực, nhiều nhà khoa học cho là hệ sinh thái biển còn nguyên vẹn cuối cùng trên trái đất, một phòng thí nghiệm sống lý tưởng cho việc nghiên cứu cuộc sống ở Nam cực và cho phép tìm hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học và nhà hoạt động mô tả thỏa thuận thành lập khu bảo tồn Biển Ross là một cột mốc lịch sử trong nỗ lực toàn cầu bảo vệ sự đa dạng đại dương. "Khu bảo tồn Biển Ross sẽ bảo vệ một trong những khu vực biển hoang sơ nhất trên hành tinh, nơi cư trú đa dạng sinh học biển không đâu có và cộng đồng thịnh vượng của chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi, chim biển và cá" - tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết.

25 thành viên CCAMLR, gồm Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đã nhất trí về quyết định thành lập công viên hải dương lớn nhất thế giới này. "Tất cả đều có lợi ích chính trị, kinh tế đa dạng và có một thách thức lớn để đạt được sự đồng thuận, đặc biệt trong bối cảnh có những lợi ích kinh tế khác nhau. Dự án này không chỉ quan trọng cho Nam cực mà còn cho việc bảo vệ các đại dương trên thế giới nói chung" - ông Evan Bloom, Giám đốc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ tại hội nghị CCAMLR, cho biết.

HẢI ANH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161029/khu-bao-ton-bien-lon-nhat-the-gioi.aspx