Khu cách ly ấm áp

Nói đến khu cách ly, người ta ít nhiều sẽ ngần ngại, lo lắng. Nhưng cũng không ít khu cách ly mang lại sự ấm áp cho những người trong cuộc. Có thể chỉ là những quan tâm nhỏ, là hỗ trợ nhưng nó chan chứa đủ đầy nghĩa cử với những người đồng hương, khi trở về tránh dịch…

Khu cách ly ấm áp

Chuẩn bị ăn sáng.

A lô! Chị ơi…

Khu cách ly Trường THCS Trưng Vương (Đức Long) có lẽ là “ngôi nhà” mang lại tiếng cười nhiều nhất cho các trường hợp về cách ly tập trung. Đây là nơi “tạm trú” của những người về từ vùng dịch và về từ TP. Hồ Chí Minh. Từ khi mới bắt đầu tận dụng Trường THCS Trưng Vương làm khu cách ly tập trung, đối với địa phương cũng rất khó khăn do cơ sở vật chất cũ, trường đã xây dựng hơn 10 năm nên không đầy đủ trang thiết bị. Chị Phạm Thị Đăng Vân – Phó Chủ tịch UBND phường Đức Long, Trưởng ban điều hành khu cách ly, chia sẻ: Thật ra ban đầu cũng nhiều bỡ ngỡ. Nhưng cũng có nhiều niềm vui, nhất là các bạn trẻ, sinh viên chưa quen với việc sống tạm kiểu dã chiến nên cứ “A lô! Chị ơi giường cứng quá sao em ngủ”, “Chị ơi! nóng quá làm sao ngủ vậy chị?”, “Chị ơi! nước không chảy?”, Chị ơi, sao không có wifi? Chị ơi đèn hư?… Mình hiểu, tuổi trẻ mà điện thoại là bạn lúc này nên sử dụng bất kể giờ giấc, nhiều em chạy từ trên lầu xuống cũng chỉ hỏi vu vơ thế... – chị Vân nói.

Lúc đó, cũng chỉ biết động viên các em, chia sẻ khó khăn với địa phương do ngôi trường đã xây dựng khá lâu, sẽ khó đáp ứng những điều các bạn cần. Chị Vân cũng là người từ phong trào nên hiểu rõ, sau những ngày bỡ ngỡ với việc cách ly, nay các em đã rất vui vẻ, nề nếp. “Con thấy các cô chú ở đây chăm rất kỹ, ăn uống cũng được đổi món. Có hôm bò kho, có bữa mì quảng, nói chung đủ thứ…

Ở khu cách ly Trường Trưng Vương đón 2 đợt khoảng hơn 170 người hiện nay chỉ còn gần 100 người, gồm nhiều lứa tuổi, thành phần và cả trẻ em. Chị Vân kể: “Có hôm có bạn chạy xuống, chị ơi ở mình có bao nhiêu trẻ em, rồi gởi dúi vào tay 500.000 đồng, em gởi chị mua sữa cho các bé giúp em”.

Điều chưa nói

Ở trong khu cách ly mới thấy rõ từng hoàn cảnh. Họ có thể giống nhau khi mặc trang phục bảo hộ khi ở nơi trú tạm 14 ngày. Và khi trút bỏ những bộ đồ màu xanh nhạt ấy, ẩn chứa những điều chưa nói, chưa dám nói. Phải nhiều lần lắm, những câu chuyện mới được mở ra. "Thật sự em không còn tiền, em không đi làm mấy tháng nay rồi, em còn chiếc xe chắc cũng phải bán"…

“Mấy cô chú ở đây dễ thương lắm, hỏi đủ thứ nào là ăn no không, ngon không? Có anh nhân viên y tế ngày nào cũng đi mấy vòng khử trùng, sáng chiều 2 cữ, rồi 3 ngày lại test… Lúc đầu con hơi lo nhưng giờ thấy yên tâm lắm” – nữ sinh viên Hồng Hậu chia sẻ.

Thật ra có ở trong khu cách ly mới biết áp lực lớn như thế nào, không chỉ chị Vân mà rất nhiều người phải lăn xả với nhiều việc, lo ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. Lo vận động kinh phí hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm thực hiện trong thời gian cách ly. Cái khó của nhiều địa phương trong lúc này chính là không đủ con người, khi Đức Long có khu cách ly vừa là nơi có số ca mắc bệnh cao, chưa kể các khu phong tỏa khác cũng phải được chăm sóc tốt nhất, để sớm vượt qua đại dịch.

Q.Nhân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/khu-cach-ly-am-ap-140803.html