Khu công nghiệp lại dậy sóng

Kỳ vọng vào một làn sóng FDI mới khiến triển vọng của khu công nghiệp dậy sóng.

Thêm một cú hích đối với thị trường bất động sản công nghiệp, đó là Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức ký kết cuối tháng 6 vừa qua. Theo một số phân tích, hiệp định này sẽ tiếp thêm sức mạnh đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo tại châu Á. Hoạt động thương mại song phương chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là tăng luồng vốn FDI, tăng số lượng việc làm, đồng thời mang lại nhiều cơ hội hơn trên tất cả các phân khúc bất động sản.

Theo ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản Công nghiệp của Savills Việt Nam, số lượng yêu cầu từ khách hàng EU mà Công ty nhận được đã tăng lên trong quá trình đợi hiệp định được ký kết. “Hiệp định thương mại tự do sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của thị trường đến bất động sản công nghiệp Việt Nam”, báo cáo của Savills nhận định.

Môi trường kinh doanh ổn định, chi phí phải chăng so với Trung Quốc là các yếu tố được giới đầu tư đánh giá cao. “Bằng cách tạo điều kiện cho việc ứng dụng những công nghệ sản xuất mới nhất và tăng cường đào tạo nhân lực, Chính phủ Việt Nam đang dần xóa bỏ mối e sợ của các doanh nghiệp về tính khả thi, hay tình trạng thiếu nguồn nhân lực và gia tăng chi phí. Việc nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sẽ giúp giảm thiểu những lo ngại của nhà đầu tư và nâng tiêu chuẩn chất lượng sản xuất tại Việt Nam”, ông John Campbell chia sẻ.

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đổ xô vào các dự án bất động sản công nghiệp với một số gương mặt mới khá nổi bật. Điển hình như ở thủ phủ công nghiệp Bình Dương, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) đang đầu tư giai đoạn 2 mở rộng với quy mô 255ha. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn trong vòng 4-5 năm tới với tổng doanh thu lên đến 5.100 tỉ đồng và tổng lợi nhuận 4.200 tỉ đồng.

Một lợi thế của Nam Tân Uyên là có khả năng mở rộng quỹ đất trong dài hạn. Nhờ sự hỗ trợ từ các cổ đông lớn là Tập đoàn Cao su Việt Nam và Cao su Phước Hòa nên trong những năm qua, Nam Tân Uyên đã có được quỹ đất rộng với chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh nhờ vào việc mua lại đất trồng cây cao su từ Cao su Phước Hòa và chuyển đổi thành khu công nghiệp.

Các nhà phát triển còn nỗ lực đầu tư vào các địa phương còn dư địa lớn về quỹ đất trống, giá thuê đất mềm hơn, đồng thời bám theo các tuyến cao tốc đã và đang được hình thành. Điển hình như ở Quảng Ninh, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang đầu tư giai đoạn 1 một dự án khu công nghiệp, đồng thời đang xin giấy phép để triển khai tổ hợp đô thị - công nghiệp công nghệ cao có giá trị 2 tỉ USD.

Sau giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, thương hiệu lâu năm về phát triển hạ tầng khu công nghiệp VSIP đang lên kế hoạch đầu tư thêm giai đoạn 2 để đón đầu sóng đầu tư mới từ các nhà đầu tư ngoại. Chia sẻ với NCĐT, lãnh đạo VSIP Quảng Ngãi cho biết năm 2018 đã thu hút được 351 triệu USD vốn đầu tư FDI, chiếm tới 93% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Quảng Ngãi. Các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào VSIP là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Bỉ và Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán MBS, hiện cả nước có khoảng 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt khá cao 73%. Có 76 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, hứa hẹn sẽ bổ sung một lượng đáng kể, giải tỏa cơn khát thuê mặt bằng cho các tập đoàn đa quốc gia đang nhộp nhịp tìm đến Việt Nam.

Bên cạnh xu thế đầu tư xây dựng mới, làn sóng chuyển nhượng các khu công nghiệp có sẵn, mua bán hay cho thuê các lô đất và nhà xưởng xây sẵn đang diễn ra rất nhộp nhịp. Theo khảo sát, giá chuyển nhượng của các lô đất đã trả tiền thuê một lần, kỳ hạn 50 năm tại Bình Dương hiện vào khoảng 50-70 USD/m2 (tương đương 1,16-1,6 triệu đồng/m2) ở Khu công nghệ cao Quận 9 (TP.HCM), nhà đầu tư ngoại CapitaLand mới đây đã thâu tóm toàn bộ khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải rộng 12ha với tên gọi OneHub Saigon từ tay của Ascendas-Singbridge. Nhưng không chỉ có các chủ đầu tư hối hả tranh phần, các nhà môi giới cũng nhanh nhạy. Mới đây, Savills Việt Nam thành lập thêm một nhánh tư vấn dành riêng cho thị trường Hàn Quốc mang tên Korean Desk.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 tại Việt Nam với dòng vốn khoảng 2,73 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn FDI đăng ký. Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, các khách hàng và doanh nghiệp Hàn Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thị trường bất động sản Việt Nam. Việc thành lập bộ phận mới chuyên biệt Korean Desk sẽ giúp Savills tiếp cận sâu rộng hơn nhóm khách hàng Hàn Quốc, cung cấp các dịch vụ thuê mặt bằng và tìm vị trí hợp lý cho các doanh nghiệp người Hàn muốn mở các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam.

Nguyễn Sơn

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/bat-dong-san/khu-cong-nghiep-lai-day-song-3329705/