Khu công nghiệp 'nằm trên giấy': Đà Nẵng sẽ điều chỉnh dự án

Dự án KCN Hòa Ninh chậm triển khai khiến người dân vùng dự án phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết sẽ điều chỉnh dự án và chỉ đạo các đơn vị tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Khu vực thực hiện dự án KCN Hòa Ninh.

Khu vực thực hiện dự án KCN Hòa Ninh.

Người dân vùng dự án được xây dựng

Dự án KCN Hòa Ninh tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang có diện tích hơn 400 ha, tổng chi phí thực hiện dự án hơn 6.083 tỷ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 2.578 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi có chủ trương đầu tư, dự án đến nay vẫn nằm trên giấy khiến nhiều người dân gặp khó khi xây dựng nhà cửa.

Ông Nguyễn Tấn Anh, thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Ninh có Dự án KCN Hòa Ninh đã được phê duyệt ranh giới sử dụng đất theo quyết định ngày 16/9/2019. Đến năm 2023, UBND TP đã ban hành kế hoạch giải tỏa đền bù các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2023 thì Dự án KCN Hòa Ninh không nằm trong kế hoạch giải tỏa đền bù năm 2023. Như vậy dự án vẫn tiếp tục chưa được triển khai, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của người dân.

“Hiện một số hộ có nhà cửa bị xuống cấp và có nhu cầu xây dựng nhà cửa, tuy nhiên do nằm trong vùng quy hoạch nên không thể sửa chữa, xây mới nhà ở”, ông Anh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Dự án KCN Hòa Ninh đã được Thành phố lập quy hoạch đầu tư. Trong quá trình lập hồ sơ thì diện tích rừng ban đầu được xác định là trên 50 ha đất rừng. Tuy nhiên theo quy định trên 50 ha rừng thì phải gửi hồ sơ ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Nhưng sau khi có Quyết định số 1287 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố thì diện tích này được xác định lại. Theo quy hoạch 3 loại rừng của thành phố thì diện tích nằm trong khu này là dưới 50 ha là đất rừng. Do đó, thẩm quyền thuộc HĐND thành phố. Vì vậy UBND Thành phố phải làm thủ tục xin rút hồ sơ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ Thủ tướng Chính phủ về lại thành phố để thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định”, ông Cường nói.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ điều chỉnh trở lại để triển khai dự án nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vừa giải quyết bài toán người dân gặp phải về xây dựng. UBND thành phố cũng đã làm việc với UBND quận, UBND huyện Hòa Vang về thực hiện quy hoạch treo, quy hoạch chậm triển khai.

Trong đó có giao quyền người dân nằm trong khu quy hoạch được thực hiện một số quyền của mình. Người dân có thể đầu tư xây dựng để đảm bảo tránh trú bão, cũng như nhà ở không quá 100 m2 và không quá một tầng.

Người dân có thể liên hệ với UBND huyện Hòa Vang để hướng dẫn cụ thể quyền của mình trong quá trình đang dự án đang quy hoạch mà chưa được triển khai trong thời gian tới.

Kỳ vọng thu hút 218 dự án

Việc đầu tư Dự án KCN Hòa Ninh là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30/10/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 555/TTg-CN ngày 18/4/2017 về Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thế phát triển các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng và Công văn số 158/TTg-CN ngày 4/2/2021 về Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tại Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 25/11/2019, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 KCN Hòa Ninh.

Về hiệu quả kinh tế xã hội, theo đánh giá của UBND TP. Đà Nẵng tại Tờ trình số 116/TTr-UBND ngày 9/10/2023, khi Dự án KCN Hòa Ninh đi vào hoạt động sẽ thu hút được khoảng 218 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư 26.000 tỷ đồng, doanh thu hằng năm 26.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 3.384 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 47.700 lao động; có hiệu quả về mặt tài chính với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 15,26%, giá trị hiện tại thuần là 180,4 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn khoảng 10 năm 2 tháng.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-cong-nghiep-nam-tren-giay-da-nang-se-dieu-chinh-du-an-d215294.html