Khu công nghiệp sinh thái là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài.

TGTTO Đó là quan điểm của TS Nguyễn Đình Chức, Giám đốc Trung tâm Phát triển Đô thị Bền vững ( CENSUD), Phó Viện trưởng Viện phát triển Bền vững Khu vực (IRSD), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS).

TS Nguyễn Đình Chúc trả lời phỏng vấn TGTT Online

Nhiều người vẫn chưa hiểu mô hình khu công nghiệp sinh thái là như thế nào, ông có thể giải thích rõ hơn về mô hình này?

- Khu công nghiệp sinh thái là một thuật ngữ mới ở Việt Nam, vừa chính thức đưa vào văn bản pháp luật hiện hành từ tháng 5/2018 theo Nghị định 82/NĐ-CP. Yếu tố quan trọng nhất ở mô hình khu công nghiệp sinh thái là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp vì các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Như vậy lợi ích tạo ra nó sẽ lớn hơn so với từng doanh nghiệp riêng lẻ.

Để đạt được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, các khu công nghiệp tại Việt Nam cần phải có những tiêu chuẩn nào?

- Theo Nghị định 82/NĐ-CP thì khu công nghiệp sinh thái phải đạt các tiêu chí: tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh, bảo vệ môi trường, về lao động, đạt tiêu chuẩn ISO 14.000, phải có 25% diện tích dành cho cây xanh (khu công nghiệp thông thường là 10%), 90% doanh nghiệp đạt tiêu chí cộng sinh công nghiệp và 10% tiêu chí sản xuất sạch, có biện pháp đảm bảo về các chế độ chính sách an toàn và nhà ở cho người lao động.

Theo ông tiêu chí nào khiến các doanh nghiệp, khu công nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái?

- Đó là tiêu chí cộng sinh công nghiệp. Có nghĩa là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái để tận dụng tài nguyên, tái chế, tái sử dụng, cơ sở hạ tầng chung. Ví dụ như chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. Việc này với chúng ta hiện rất khó khăn, vì định nghĩa thế nào là chất thải vẫn chưa nhất quán. Quản lý chất thải tại Việt Nam hiện chưa phù hợp trong việc tái sử dụng. Cơ sở hạ tầng dùng chung như cung cấp ga, xăng, đường ống dẫn tới các doanh nghiệp, các khu công nghiệp hiện tại mới chỉ đạt mức cơ bản về điện, nước và xử lý nước thải.

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của khu công nghiệp sinh thái trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

- Đây là cơ hội rất tốt đối với việc kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Bởi các tập đoàn đa quốc gia, những doanh nghiệp lớn nước ngoài họ tự đầu tư theo tiêu chuẩn môi trường nên nếu Việt Nam hình thành được các khu công nghiệp sinh thái thì rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Trên thế giới, mô hình tiên phong khu công nghiệp sinh thái Kalundborg (Đan Mạch) có sự cộng sinh một cách tự nhiên, sau đó có nhiều nước đã nhìn ra lợi ích của mô hình khu công nghiệp sinh thái và họ khuyến khích phát triển.

Riêng khu vực châu Á, có những nước có thể học tập như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trung Quốc đang làm khá mạnh và gần chúng ta về thể chế. Hàn Quốc thường phát triển theo mô hình tập đoàn, các khu phức hợp, hợp tác sản xuất trong một khu công nghiệp sinh thái và đầu tư của họ rất lớn nên mang lại hiệu quả cao. Nhật Bản thì phát triển theo mô hình thành phố sinh thái, ngoài các nhà máy còn có việc sinh sống bình thường của các người dân, áp dụng những nguyên tắc trong khu công nghiệp sinh thái, tính tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng.

Ông có thể cho biết những lợi ích mang lại từ khu công nghiệp sinh thái?

- Nguyên tắc sử dụng tài nguyên, tái tạo năng lượng, giảm nguồn nguyên vật liệu sử dụng trên 1 sản phẩm cũng như là giảm lượng rác thải, chính là những lợi ích cơ bản của khu công nghiệp sinh thái. Nhìn rộng hơn, khu công nghiệp sinh thái nằm trong tổng thể phát triển theo khuôn khổ mới đó là nền kinh tế tuần hoàn, trong đó khu công nghiệp sinh thái là 1 mảng quan trọng ở khía cạnh sản xuất. Tương tự là tiêu dùng, phải tiết giảm, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng.

Vậy lộ trình hình thành khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Đối với Việt Nam thì tôi nghĩ rằng thể chế, cơ sở pháp lý là quan trọng nhất trong việc hình thành và phát triển khu công nghiệp sinh thái với 2 hình thức, quy hoạch thiết kế ngay từ đầu và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện tại sang khu công nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, theo tôi việc này phải mất khá nhiều thời gian, bởi cần phải có sự thay đổi về nhận thức và hành vi của các doanh nghiệp. Điều này nó cũng liên quan tới yếu tố kinh tế...

Khu công nghiệp sinh thái mang rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp với thông điệp tương đối rõ ràng: Muốn phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải đảm bảo 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Với các quy định này thì việc được tham gia và công nhận doanh nghiệp sinh thái trong khu công nghiệp sinh thái là bước đi thuận lợi cho các doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH KHÁNH thực hiện

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/khu-cong-nghiep-sinh-thai-la-co-hoi-de-viet-nam-keu-goi-dau-tu-nuoc-ngoai-17439.html