Khu di tích danh nhân Nguyễn Siêu: Hoang phế giữa lòng Hà Nội

Trong lịch sử vẫn chép lại câu chuyện về cậu học trò ở tuổi 12 đã tự tay làm bức hoành phi treo nơi buồng học của mình với hai chữ 'lạc thiên'. Theo từ điển Hán - Việt 'Lạc thiên' là yên vui với đạo trời. Năm 13-14 tuổi, cậu đã treo ở phòng học câu đối 'Đạo tại cổ kim vô khúc kính. Thiên đa bồng tất sản cao nhân' (Đạo từ xưa đến nay không phải đường tắt/ Trời thường sinh bậc anh tài trong chốn nhà tranh lều cỏ).

Cậu học trò ấy là Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tự Tố Ban, hiệu Phương Đình, còn có hiệu là Thọ Xương cư sĩ, người làng Kim Lũ (Lủ) huyện Thanh Trì. Trong suốt 73 năm sống trên cõi đời, ông đã sống trọn vẹn với châm ngôn thời thơ bé và đã để lại thế hệ hậu sinh cả một sự nghiệp đồ sộ về văn chương, học thuật, nhân cách, tài năng và giáo dục con người.

Ông đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc với hai câu thơ: "Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy: Thất thịnh Đường".

Khu đền thờ Danh nhân Nguyễn Siêu bị xuống cấp.

“Đất này của nhà tôi, làm gì kệ chúng tôi”

Danh nhân Nguyễn Văn Siêu (thường gọi là Nguyễn Siêu) sinh tại thôn Trung, xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong một dòng họ khoa bảng tại làng quê giàu truyền thống thi thư. Với những công trạng đóng góp cho đất nước của ông nên nhà của tổ tiên danh nhân Nguyễn Siêu (bây giờ thường gọi là đền thờ) và khu mộ của danh nhân Nguyễn Siêu đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử quốc gia.

Chúng tôi có dịp đến khu di tích Nguyễn Siêu để tham quan thì một cảnh tượng diễn ra trước mắt không thể tin được. Quần thể di tích được chia làm hai khu vực: khu vực đền thờ và khu lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu. Khu vực đền thờ hiện nay được một người cháu dâu là Nguyễn Thị Phượng (con dâu của cố Đạo diễn Tự Huy, cháu gọi danh nhân Nguyễn Siêu là cụ nội) trông coi.

Bên ngoài khu đền thờ có bảng ghi "Di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng: Nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn ở Kim Lũ (do thần Siêu tạo dựng). Bên ngoài cổng khu đền thờ được viết những dòng Hán tự kín cả hai bên tường. Do thời gian đã lâu nên tường cổng bị úa vàng, nứt như chực đổ. Chính vì thế, nó được chằng chịt những thanh sắt chằng đỡ và được chèn gạch vào lối đi phụ để chống đổ.

Phía sau cánh cổng, bên phải là khung cảnh đổ nát, tan hoang, bừa bộn gạch đá, bạt, bao xi măng như một công trường bỏ dở. Ngay lối vào đền thờ chính là một ụ đất trồng hai cây dâu và một bụi tre ngà lá rụng đầy sân. Chị Phượng cho biết, hai cây dâu này được ông Tự Huy trồng từ thời ông còn sống nhưng sắp tới chị sẽ chặt bỏ vì nghe người ta nói không nên trồng cây dâu tằm trong nhà vì không tốt về mặt phong thủy.

Tôi bước vào thì gặp một người thuê trọ đang khóa cửa, cánh cửa gỗ đã có đầy vết mọt, tôi hỏi thăm: "Anh không sợ sống trong ngôi nhà xuống cấp sẽ nguy hiểm à?". "Biết cũng chả làm sao được, tiền ít thì chỉ ở được vậy thôi!", (chị Phượng cho thuê 1 triệu đồng/ tháng). Ở thềm nhà khu đền thờ có một chiếc bàn gỗ tre tôi thấy có khoảng 3 người quần đùi áo phông đang ngồi hút thuốc lào uống trà khá tự nhiên, hỏi chị Phượng, chị cho biết đó là nhóm thợ đang xây dựng nhà bên cạnh xin ngồi nhờ.

Đi vào bên trong khu đền thờ chia làm 3 gian, gian chính là nơi thờ tự cụ Nguyễn Siêu và tổ tiên. Nơi đây được xây dựng từ lâu nên nhà cửa ẩm thấp, dột nát và vì không có bàn tay dọn dẹp sắp xếp nên mọi thứ chồng lên nhau, các ảnh thờ, các giấy tờ xô lệch. Các bát nhang nguội lạnh không hương khói thường xuyên đã bị nhện giăng tơ.

Tượng đồng cụ Nguyễn Siêu do học trò cụ tạc vẫn ngồi uy nghi bệ vệ nhưng xung quanh được bao bọc bởi sự lộn xộn và vô trật tự. Có vài bát nhang để xuống đất ướt bởi tường dột. Chị Phượng bảo rằng, đó là bát nhang của con gái cụ Nguyễn Siêu, người con gái chết trẻ được cụ lập miếu thờ bên cạnh ngôi nhà, sau khi miếu thờ xuống cấp chị Nguyễn Thị Phượng đã thuê người đập đi và định xây lại cái mới trên nền đất cũ nhưng đã không được UBND phường cho phép, với lý do nếu tự ý tôn tạo sẽ mất đi hiện trạng cảnh quan khu di tích.

Tượng thờ danh nhân Nguyễn Siêu và những bát hương không đủ chỗ để.

Chị cũng cho biết, chị ở nhà đối diện cùng con trai và cháu nội còn chỗ này chị cho thuê trọ hai gian bên cạnh đền thờ của danh nhân Nguyễn Siêu, để kiếm thêm đồng ra đồng vào lo hương khói, giỗ chạp cho tổ tiên. Hằng năm, chị phải lo dăm bảy cái giỗ mà nghề nghiệp lại không ổn định nên khá vất vả.

Cách đền thờ khoảng 1km là khu lăng mộ danh nhân Nguyễn Siêu. Được biết ông Trần Hồng Quảng (con cháu nhiều đời của cụ Nguyễn Siêu bên họ ngoại) là người đang trông coi khu lăng mộ. Ngay cổng vào bé chừng hai mét thì án ngữ bởi bàn bán trà đá của người con trai ông Quảng, kiêm luôn nhiệm vụ trông coi xe ra vào. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao có nhiều xe máy trong khu lăng mộ này thế thì cậu cho biết gia đình cho mấy công ty bên cạnh thuê địa điểm để gửi xe của nhân viên.

Đi vào bên trong, khuôn viên khá rộng rãi và thoáng đãng, nếu không có hàng chục chiếc xe máy dựng bừa bộn bên trong thì rõ ràng đây là không gian lý tưởng giữa Thủ đô Hà Nội. Khu này bao gồm lăng mộ cụ Nguyễn Siêu và hai ngôi mộ nằm bên cạnh được ghi là cụ bà Đinh Thị Hảo (mất năm 1905) và cụ ông Nguyễn Văn Tâm (tức Nguyễn Văn Đàm - mất năm 1933). Phía sau là 9 ngôi mộ khác trong khuôn viên.

Theo ông Quảng thì khuôn viên này là của dòng họ nhiều đời của họ Nguyễn (Kim Lũ). Lăng mộ của danh nhân Nguyễn Siêu to nhất, nằm chính giữa, bên cạnh có văn bia chữ Hán (đã mờ nhạt theo năm tháng) ghi nhận công trạng của cụ đối với đất nước. Được biết văn bia này do một người học trò của cụ từ ngày xưa hiến tặng gia tộc.

Khi vào thắp hương cho cụ Nguyễn Siêu thì quang cảnh rộng rãi và trang nghiêm vốn có của khu lăng mộ được bao quanh bởi hàng chục chiếc xe máy, những khu đất trống được trồng rau các loại, thậm chí có cả một chuồng nuôi chó để không chỏng chơ cùng rất nhiều đồ phế liệu ở góc vườn. Mộ của cụ được xây khá đẹp nhưng khói hương lạnh lẽo, nhiều nén hương thắp cháy dở trên bát hương. Những cốc nến đã lẫn cả nước mưa tràn ra ngoài. Ở mộ cụ không có bảng biển đề tên.

Gặp nhiều thanh niên gửi xe, lấy xe ở khu lăng mộ, chúng tôi hỏi anh, chị có biết đây là khu lăng mộ của ai không thì đều được câu trả lời chung chung là "Không biết!" Chúng tôi có trao đổi với ông Quảng về việc ông cho trông coi xe ở khu mộ là Di tích lịch sử quốc gia sẽ mất đi vẻ uy nghiêm và thanh tịnh thì ông khá lớn tiếng và khẳng định "Đất này của nhà tôi không khiến ai quan tâm, làm gì kệ chúng tôi!".

Chị Phượng, cháu dâu nhiều đời của cụ, trông nom đền thờ.

Rất quan tâm, nhưng...

Chúng tôi đã hẹn gặp bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, đơn vị được giao quản lý trực tiếp khu di tích. Bà Thái cho biết, thực ra, UBND quận rất quan tâm tới khu di tích cụ Nguyễn Siêu và đã thành lập một ban quản lý dự án làm chủ đầu tư và đầu tư toàn bộ khu di tích nhưng có hai vấn đề đặt ra mà cho đến nay vẫn chưa thể hoàn tất vì liên quan trực tiếp phần đất đai của gia đình.

Thứ nhất, ở phần lăng mộ thì việc dịch chuyển các ngôi mộ trong khu di tích vẫn chưa được thực hiện. Nếu muốn tôn tạo khu mộ của cụ trở nên quy củ hơn thì buộc phải di dời, dịch chuyển hai ngôi mộ phía trước gần mộ cụ Nguyễn Siêu ra cùng dãy với 9 ngôi mộ phía sau để làm một quần thể riêng chứ không thể để cùng phần mộ của danh nhân Nguyễn Siêu. Ban quản lý di tích đang vận động dòng họ để tiến hành sớm nhưng phía dòng họ vẫn chưa đồng ý di chuyển.

Việc cưỡng chế thì không thể làm vì liên quan đến chuyện tâm linh. Chính vì thế nên phương án tôn tạo đang dang dở vẫn là phương án treo vì còn vướng. Phường là đơn vị thụ hưởng nên chỉ tiếp quản và quản lý khi công trình đã chính thức được hoàn thiện bàn giao. Hiện nay, ông Trần Hồng Quảng, người của dòng họ vẫn đang trông coi khu lăng mộ của danh nhân Nguyễn Siêu.

Thứ hai, trong khu nhà thờ, tại thời điểm cấp chứng nhận di tích có diện tích hơn 1.000m vuông. Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng, vì gia đình vẫn trực tiếp quản lý nên qua nhiều đời, diện tích này đã được bán, chuyển nhượng cho các con cháu, rồi bán cho các gia đình ở nơi khác đến nên họ đã xây dựng nhà cửa trên đất di tích.

Cổng vào khu mộ là nơi bán trà đá, trông xe.

Việc này đã xảy ra khá lâu, từ thời cụ Diệm (là bà nội của đạo điễn Tự Huy) nên việc di dời, bồi thường là rất khó có thể làm được. Trong khi đó, số đất đã bán, cho, tặng là khá lớn, nên dù UBND phường đã mời gia đình, dòng họ đến để thực hiện việc khoanh vùng di tích, tiến hành rà soát, để thực hiện việc phân loại hộ nào thì được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, hộ nào bắt buộc phải di dời, vẫn chưa thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, phường cũng áp dụng điều khoản về bảo vệ di tích quốc gia để con cháu trong gia đình cụ không được xây dựng trái phép trên khu di tích mà việc tôn tạo, tu bổ di tích phải được đồng bộ quy trình xây dựng di tích lịch sử được Sở Văn hóa Hà Nội cấp phép, được phê duyệt tỉ lệ xây dựng, kết cấu...

Vừa qua, UBND phường Đại Kim đã có công văn gửi đi và nhận được công văn hồi đáp (Số 2918/UBND-VH&TT ngày 10-10) của UBND quận Hoàng Mai về việc bổ sung hồ sơ điều chỉnh khoanh cùng bảo vệ di tích nhà thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu, tạo điều kiện để UBND phường Đại Kim và dòng họ giữ gìn, bảo vệ tu bổ, tôn tạo di tích chống xuống cấp và để phát huy giá trị của di tích.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thái cũng cho biết, việc bảo tồn, tôn tạo ngoài kinh phí của Nhà nước cũng kêu gọi xã hội hóa để có thể hoàn thiện khu di tích đền thờ và mộ danh nhân Nguyễn Siêu để đón du khách đến tham quan tìm hiểu về một vị danh nhân văn hóa lỗi lạc đã đi vào lịch sử dân tộc.

Gia phả dòng họ còn ghi rõ Nguyễn Siêu (Phương Đình) là người đọc nhiều, hiểu rộng, uyên bác nhiều mặt. Ngoài văn thơ, cụ còn thông tỏ địa lý, kiến trúc, xây dựng và triết học. Cũng chính cụ đã từng góp công xây dựng nên quần thể danh lam đền Ngọc Sơn, Tháp Bút và cầu Thê Húc bên hồ Hoàn Kiếm.

Danh nhân Nguyễn Siêu có bài thơ làm khi cáo bệnh từ quan về nghỉ được đạo diễn Tự Huy thời còn sống dịch lại từ chữ Hán: "Già về thôn cỏ làm dân/ Về thì mong giữ tấm thân được nhàn/ Việc đời nát ruột bầm gan/ Chí chưa nỡ bỏ mấy trang sách nhàu/ Trời xanh đội đến bạc đầu/ Chân lùa cát bụi chẳng màu bùn nhơ/ Gọi quan, gọi lão cũng ờ/ Đường dài ôm tấm thân giờ ta đi".

Điều ước mong của cụ giản dị vậy, nhưng thật buồn vì hiện nay, những gì còn lại liên quan đến con người lỗi lạc ấy lại là một nét chấm buồn bởi di tích của cụ đang bị xuống cấp và trong tình trạng kêu cứu vì bị bỏ ngỏ quá lâu trong lòng Hà Nội phồn hoa đang đổi thay từng giờ từng phút.

Trần Hoàng Thiên Kim

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khu-di-tich-danh-nhan-nguyen-sieu-hoang-phe-giua-long-ha-noi-463468/