Khu dinh thự nhà Vương: Bàn cơ chế quản lý và quyền lợi của chủ thể di sản

Sau gần một năm tranh cãi, mới đây, quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở trên đất của di tích Quốc gia Khu dinh thự họ Vương tại Đồng Văn, Hà Giang đã được cấp có thẩm quyền cấp cho những người đồng thừa kế trong gia tộc họ Vương. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó...

Dinh thự họ Vương còn giữ được không gian và kiến trúc cổ kính.

Dinh thự họ Vương còn giữ được không gian và kiến trúc cổ kính.

Người đại diện cho gia tộc họ Vương tiếp tục nêu vấn đề về quản lý và quyền lợi của họ từ việc khai thác di sản.

Phân chia quyền lợi và trách nhiệm

Sau khi có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Vương Duy Bảo, đại diện cho 16 người trong các hộ gia đình nêu vấn đề sẽ đóng cửa di tích vào ngày 15/6/2019. Nhưng, đó cũng chỉ là cái cách mà ông Bảo muốn phía chính quyền địa phương và ngành văn hóa của tỉnh Hà Giang đến để trao đổi về công việc quản lý và phát huy giá trị di tích, cũng như quyền lợi kinh tế từ việc bán vé tham quan di tích. Bởi lẽ, theo quy định của Khoản 4 Điều 15 Luật Di sản văn hóa thì: Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hóa phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản.

Và thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, chiều 13/6/2019, Sở VHTTDL Hà Giang (do ông Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn) cùng ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo là những người đại diện cho chủ sử dụng đất và chủ sở hữu nhà Vương đã gặp gỡ trao đổi những vấn đề liên quan. Theo biên bản cuộc họp, ông Vương Duy bảo nêu vấn đề: Khu dinh thự họ Vương là di tích Quốc gia nên con cháu dòng họ Vương phải có trách nhiệm cùng nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Cổng vào Dinh thự họ Vương.

Hiện nay, sau 12 năm trùng tu (năm 2007), di tích đã xuống cấp. Tường nứt, mái thấm dột, hệ thống hứng nước dẫn nước võng, gãy, tắc. ván trong khu lô cốt mục, gãy… tất cả đang có nguy cơ bị sập đổ. Do đó nếu cứ để khách tham quan vào thì gia tộc họ Vương không chịu trách nhiệm. Năm 2016, UBND huyện Đồng Văn tự ý xây dựng nhà vệ sinh cạnh mộ bà Trương Mỹ Thuận (vợ 3 ông Vương Chí Sình) ảnh hưởng đến tín ngưỡng của gia tộc. Tại sao kiến nghị mãi mà không xử lý? Việc tuyên truyền về di tích cũng nhiều chỗ không đúng, không đảm bảo tính chân thực lịch sử, không nêu được giá trị về mặt kiến trúc. Đặc biệt, không nêu bật được đây đường lối đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ đã xây dựng với đồng bào dân tộc. Việc thuyết minh làm du khách hiểu sai về dinh thự này. Còn ông Vương Quỳnh Sèo đề nghị Sở VHTTDL triển khai thực hiện việc quản lý bảo vệ dinh vua Mèo. Bởi huyện Đồng Văn đang quản lý không đảm bảo. Kính phí thu được từ khai thác du lịch được sử dụng như thế nào? Trong ba tháng 4, 5 và 6/2019, tổ quản lý di tích chưa nhận được lương. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Tiến Mạnh, chủ trì cuộc họp, kết luận: “Sở VHTTDL tiếp thu ý kiến đóng góp của ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo để tiếp tục hoàn thiện quy chế và báo cáo UBND tỉnh”.

Giải pháp hợp tình hợp lý

Hiện tại, chưa rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền, ngành văn hóa địa phương và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến di tích sẽ được xây dựng như thế nào? Ở góc độ các quy định pháp lý, người viết trình bày vài nét về hiểu biết của mình về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, về Ban quản lý di tích, có thể kết hợp giữa người của gia tộc họ Vương và chính quyền, ngành văn hóa địa phương. Số lượng người và tỷ lệ như thế nào trong Ban quản lý do các bên thống nhất. Trên thực tế, có những di tích thuộc sở hữu của người dân thì người dân quản lý trực tiếp luôn. Ví như, những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (Hà Nội) hay nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam) hoặc khoảng 42 phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa triều Nguyễn và 40 nhà vườn đặc trưng. Gia chủ vẫn là người quản lý di tích trực tiếp. Tất nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đều được báo cáo với cơ quan quản lý theo Điều 15 Luật Di sản văn hóa. Còn việc trực tiếp phát huy giá trị di tích do chủ sở hữu di tích thực hiện phù hợp với Khoản 2 Điều 9 Luật di sản văn hóa: “Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa. Chủ sở hữu di sản văn hóa có trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”.

Mái ngói với hoa văn đặc sắc đang bị xuống cấp.

Thứ hai, về nguồn thu từ việc bán vé tham quan di tích Khu dinh thự nhà Vương. Phí tham quan này đã được HĐND tỉnh Hà Giang thông qua từ nhiều năm trước nhưng vì những người trong gia tộc họ Vương chưa được cấp Giấy chứng nhận QSD đất và nhở ở trên đất là di tích nên không được hưởng một phần quyền lợi. Nhưng trên cơ sở hiện tại thì việc có quyền hưởng lợi từ bán vé tham quan di tích đối với những người có tên trong sổ đỏ là được pháp luật công nhận. Thế nhưng, tỷ lệ được trích lại cho những người trong gia tộc họ Vương như thế nào cần có sự thảo thuận của các bên cho thống nhất.

Theo quy định tại điều 58 Luật di sản văn hóa thì: Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm: “1. Ngân sách nhà nước; 2. Các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; 3. Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài”.

Như vậy, khoản thu từ bán vé tham quan cũng cần được trích một phần để phục vụ công tác tu bổ, trùng tu di tích. Việc quản lý, sử dụng tiền phí tham quan cũng cần tuân thủ quy định theo Luật phí và Lệ phí. Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí. Theo đó, điều 4 của Nghị định quy định rõ về nguyên tắc quản lý và sử dụng phí. Điều 5 của Nghị định xác định tỷ lệ để lại và quản lý, sử dụng phí.

Từ Khôi

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khu-dinh-thu-nha-vuong-ban-co-che-quan-ly-va-quyen-loi-cua-chu-the-di-san-71338