Khu du lịch quốc gia Mộc Châu: 'Viên ngọc quý' vùng Tây Bắc

Khu du lịch Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ban phú cho khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh thuận lợi, địa hình địa chất đặc thù… tạo điều kiện để tỉnh Sơn La phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch dưỡng bệnh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí… Cùng với việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030, hứa hẹn sẽ tiếp tục giúp nơi đây trở thành 'viên ngọc quý' vùng Tây Bắc, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Sơn La khảo sát thực địa quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Sơn La ngày 28/12/2018.

Vùng đất giàu tiềm năng

Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn, xinh đẹp nhất miền núi phía Bắc và là cửa ngõ của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc Việt Nam. Do cấu tạo địa hình tự nhiên, địa chất đặc thù, cùng với khí hậu mát mẻ đã giúp Mộc Châu sở hữu một hệ sinh thái phong phú, trở thành nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch về văn hóa, thiên nhiên của Sơn La nói riêng và vùng núi Tây Bắc Bắc bộ nói chung.

Mộc Châu có các điểm du lịch nổi tiếng như: Hang Dơi, Thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng, ngũ động bản Ôn, khu bảo tồn quốc gia Xuân Nha, đỉnh Pha Luông nơi được coi là “nóc nhà” của Mộc Châu, vườn hoa nhiệt đới... và không thể thiếu các đồi chè, đồng cỏ, khu chăn nuôi bò sữa ở thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống di chỉ khảo cổ học khu vực ven sông Đà và các điểm di tích lịch sử cách mạng.

Cùng với danh lam thắng cảnh, Mộc Châu còn có nhiều suối nước nóng (Mường Khoa, Phu Mao, Bản Bó, Hua Păng...) và hội tụ nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Thái trắng, Mường, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú. Mỗi dân tộc với mỗi bản sắc riêng đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa và lễ hội.

Ẩm thực phong phú cũng tạo nhiều ấn tượng thu hút du nhiều khách du lịch tới đây. Có thể kể đến nhiều món ăn độc đáo như bê chao, cá suối, nậm pịa, cá hồi, thịt trâu gác bếp, cải mèo, xôi ngũ sắc, sữa bò non Mộc Châu…

Giao thông Mộc Châu cũng có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, cũng như phát triển các ngành kinh tế khác. Với lợi thế nằm trên trục QL6, Mộc Châu có nhiều điều kiện để đón khách du lịch từ mọi miền của Tổ quốc và khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu còn có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua như quốc lộ 6, 43, 37... nên hàng năm đón nhận nhiều tuyến du lịch đến tham quan. Cụ thể, đã có nhiều chương trình du lịch đã được kết nối đến các điểm du lịch cộng đồng bản Áng, bản Dọi (Mộc Châu), bản Phụ Mẫu, Nà Bai (Vân Hồ); du lịch sinh thái, nông nghiệp tại cánh đồng chè Mộc Sương…

Hệ thống dịch vụ ở Mộc Châu đã tương đối hoàn thiện, có thể đáp ứng các nhu cầu về đi lại, thông tin liên lạc toàn cầu, lưu trú, hội họp, ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh... của hàng vạn khách du lịch đến đây hàng năm.

Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp đó, ngày 03/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Gần đây nhất là ngày 25/01/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 128/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có tổng diện tích tự nhiên là 206.150ha.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu; trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu; trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu, quy mô khoảng 1.500ha. Lập quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 gắn kết tổng thể 3 trung tâm với quy mô khoảng 2.000ha (trong đó các khu vực dân cư lân cận quy mô khoảng 500ha).

Quy hoạch sẽ giúp phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những động lực phát triển du lịch vùng trung du miền núi Bắc bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân; phát huy các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc bộ cũng như cả nước; đồng thời, định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, vệ sinh môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được định hướng chia thành 3 vùng phát triển chính: Phân vùng phía Bắc - Đông Bắc: phát triển dân cư, nông nghiệp, sinh thái gắn với cây lương thực, chăn nuôi gia súc và khai thác phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trên sông Đà. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan tự nhiên.

Phân vùng trung tâm: Hạt nhân phát triển là thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu và trung tâm du lịch trọng điểm. Xây dựng mật độ trung bình và thấp, khai thác phát triển các dịch vụ du lịch, lưu trú đa dạng, bảo vệ phát triển đồi chè, đồng cỏ đặc trưng phục vụ du lịch sinh thái.

Phân vùng Nam - Tây Nam: Phát triển dân cư - phát triển dịch vụ thương mại và du lịch quốc tế qua cửa khẩu Lóng Sập; du lịch sinh thái rừng đặc dụng Xuân Nha. Xây dựng mật độ thấp, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên.

Về định hướng kiến trúc, cảnh quan tổng thể vùng du lịch: Sẽ khai thác và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống các dân tộc, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Hạn chế tối đa san lấp, chỉ san lấp cục bộ khi xây dựng để đảm bảo hài hòa với địa hình cảnh quan tự nhiên; Các khu vực đô thị hiện hữu: Cải tạo, chỉnh trang cảnh quan đô thị, cải tạo và xây mới các không gian công cộng, không gian mở, không gian xanh, tăng cường các tiện ích công cộng, phát triển hài hòa, gìn giữ phát huy các bản sắc riêng; Kiểm soát phát triển xây dựng đô thị, tránh ảnh hưởng, làm biến dạng tới cấu trúc cảnh quan tự nhiên.

Về kiến trúc, cảnh quan trung tâm du lịch trọng điểm và các khu du lịch: Kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực nông nghiệp với cấu trúc không gian truyền thống, gắn kết với các khu dân cư lân cận; Công trình hài hòa với cảnh quan tự nhiên; không xây dựng công trình khối tích lớn làm che khuất tầm nhìn cảnh quan tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, xanh hóa công trình phù hợp với điều kiện vi khí hậu.

Về kiến trúc, cảnh quan khu dân cư nông thôn: Kế thừa phát huy các không gian kiến trúc cảnh quan bản làng truyền thống của các dân tộc, hài hòa với cảnh quan tự nhiên. Khuyến khích xây dựng phát triển nhà vườn sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch; Khai thác phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống cho tổ chức xây dựng công trình công cộng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, gắn với các tuyến cảnh quan nông nghiệp và tự nhiên. Kiến trúc nhà ở nông thôn phù hợp với phong tục tập quán văn hóa truyền thống các dân tộc.

Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ làm cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu theo quy hoạch, tạo điều kiện triển khai các bước dự án và đầu tư xây dựng tiếp theo.

Để thực hiện tốt việc quy hoạch, Chính phủ giao cho tỉnh Sơn La phối hợp với các Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng… để xây dựng các giải pháp về vốn, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển các mô hình du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, bảo tồn các giá trị di sản, di tích quốc gia, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đồng thời giao cho tỉnh Sơn La tổ chức lập quy hoạch phân khu tại Trung tâm du lịch trọng điểm và các khu du lịch khác trong toàn vùng theo yêu cầu quản lý phát triển và phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng nhân dân trước khi thẩm định, phê duyệt theo quy định; Xây dựng cơ chế kiểm soát, chính sách đặc thù cụ thể để thu hút đầu tư phát triển du lịch, định kỳ rà soát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng yêu cầu Sơn La ban hành Quy định quản lý theo Quyết định phê duyệt và đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.

Về phía tỉnh Sơn La, trên cơ sở xúc tiến các chương trình phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh đã bước đầu xây dựng được một số cơ chế chính sách thu hút đầu tư đặc thù như: Đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ đối với các dự án phát triển du lịch cộng đồng; cơ cấu lại các ngành nghề theo hướng ứng dụng công nghệ cao; chủ động làm việc, mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào khu du lịch; thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với đất đai, lao động của địa phương và thị trường tiêu thụ; xây dựng và vận hành chuỗi giá trị sản xuất cung ứng, chế biến, tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản…

Chủ trương đó, được thực hiện bằng chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thể hiện rõ ý chí của hệ thống chính trị, đến sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương, DN, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhằm xây dựng một khu du lịch quốc gia bền vững, an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh việc ban hành các chính sách, tỉnh Sơn La cũng chú trọng việc hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, DN và cộng đồng nhân dân trong quá trình phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức giới thiệu quảng bá tiềm năng du lịch Mộc Châu, tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư, đảm bảo sự công khai minh bạch và đồng thuận của của cộng đồng nhân dân trong quá trình triển khai dự án...

Với tiềm năng vốn có và những chính sách thu hút đầu tư, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu dự kiến sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đến năm 2020, sẽ đón 1,25 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 10 nghìn lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 1.429 tỷ đồng, tương đương 67,6 triệu USD; Năm 2030 đón 2,97 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 50 nghìn lượt khách, tổng doanh thu đạt 5.557 tỷ đồng, tương đương 264,6 triệu USD.

Những thách thức

Bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc phát triển xây dựng khu du lịch. Cụ thể, với việc đầu tư xây dựng phát triển nhanh khu du lịch cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề đối với việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và các đặc trưng văn hóa kiến trúc truyền thống vốn có của khu du lịch do việc tăng giá trị kinh tế đất đai, nhu cầu đầu tư cao,…

Quá trình xây dựng sẽ có những tác động nhất định đối với chất lượng môi trường không khí, nước thải, rác thải. Đặc biệt, việc xây dựng các công trình kiến trúc mới cũng đe dọa lấn át các kiến trúc truyền thống vốn có, sự xâm nhập của các nền văn hóa bên ngoài làm giảm đi sự hấp dẫn về du lịch.

Do đó, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt và quản lý môi trường khu du lịch cần được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Đặc biệt chú trọng việc quản lý phát triển những sản phẩm du lịch truyền thống, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên du lịch, rừng sinh thái tự nhiên, đồng cỏ, đồi chè,…

Đồng thời phải đảm bảo các thông tin quy hoạch, quản lý phải công khai minh bạch, đảm bảo sự phối hợp, đồng thuận cao của các bên liên quan giữa nhà đầu tư, chính quyền các cấp và cộng đồng nhân dân. Từ đó giữ vững được sự ổn định xã hội, an ninh, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân và du lịch một cách bền vững.

Đức Cương

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/khu-du-lich-quoc-gia-moc-chau-vien-ngoc-quy-vung-tay-bac.html