Khu phố căng băng rôn kiện nhà cán bộ 'lấn đường đi chung'

Cả tổ dân phố họp, làm đơn tố cáo nhà vị cán bộ lấn đường vì thấy ngõ chung hẹp bất thường, xe cộ ra vào khó khăn. Tuy nhiên người bị tố cáo nói không lấn đất, hẻm nhỏ hẹp tồn tại 30 năm nhưng tại sao mấy năm nay người dân mới đi kiện?.

Người dân căng băng rôn đòi ông Tài “trả lại đất”

Người dân căng băng rôn đòi ông Tài “trả lại đất”

Tố nhà cán bộ lấn đất

Theo đơn tố cáo, bà Trần Thị Dung (SN 1964) Tổ trưởng tổ 27 (nay đổi thành tổ 18), khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là đại diện cho người dân tổ 27, một phần tổ 29 và 30 (tổ cũ) cho rằng ông Nguyễn Thanh Tài là một sĩ quan quân đội có hành vi lấn chiếm đất đường đi chung.

Bà Dung trình bày: “Trước đây, hẻm bên hông nhà ông Tài từ đường Đồng Khởi đi vào rộng 6m. Nhưng ông Tài xây hàng rào lấn dần, đến nay chỉ còn gần 3m. Cuộc họp ngày 25/12/2016, tổ 27 thống nhất tố cáo, buộc ông Tài phá bỏ tường rào, trả lại nguyên trạng đường đi 6m”. Tổ dân phố gửi đơn đến Quân khu 7 là cơ quan quản lý ông Tài và các cơ quan chức năng.

Nói về việc này, ông Cao Văn Tuấn (SN 1960, ngụ tổ 27) nói: “Tôi về ở đây từ khoảng năm 1992, lúc đó đường này là đường đất đỏ. Phía trong có 8 cái lò gạch, hai xe 15 tấn đi vẫn tránh nhau bình thường. Còn hàng rào nhà ông Tài chỉ lưu thưa vài cây dâm bụt, một vài cọc sắt, dây kẽm gai. Năm 1994, tôi làm nhà, đường vẫn còn rộng. Tôi không nhớ ông Tài xây hàng rào lúc nào. Vì tôi thường đi làm xa, khi về thì thấy hàng rào đã xây xong và dời ra ngoài đường, cách xa hàng dâm bụt. Sau này ông Tài tiếp tục xây cao lên, đập đi rồi xây mới. Ông Tài xây hai lần, mỗi lần lấn ra một ít”.

Vì sao lúc đó các hộ dân không phản ứng? “Bức xúc thì bức xúc lâu rồi nhưng không ai đứng ra. Còn các lò gạch thời điểm ông Tài lấn đường đi đã giải tỏa hết nên không còn xe tải ra vào nữa. Thời điểm đó dân cư còn thưa thớt, với lại ai cũng bận đi làm nên không ai đứng ra thưa kiện”, ông Tuấn nói.

Thanh tra Quốc phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ra thông báo ngày 31/05/2017, trả lời rằng hiện đất của ông Tài rộng 608m2. Cơ quan này cho rằng con hẻm bên hông nhà ông Tài chỉ rộng 3m và tồn tại 30 năm nay, ông Tài không hề lấn đất.

Phản bác kết luận này, bà Dung đưa ra chứng cứ hẻm bên hông nhà ông Tài rộng 6m dựa vào các bản đồ quy hoạch phân lô của Quân khu 7 vào năm 1990, 1991 và 1992 để cấp cho cán bộ bộ đội. “Tất cả đường ngang, đường dọc trong khu vực hình bàn cờ đều là 6m thì không lý gì con đường đó chỉ có 3m. Hẻm phía trên và dưới nhà ông Tài hướng từ đường Đồng Khởi vào đều rộng 6m nhưng đến hẻm nhà ông Tài chỉ 3m. Người ta chia đất thì chia thẳng, chia đều, chứ sao lại chia kiểu vô lý đó. Tất cả hộ dân được cấp đất đều được cấp sơ đồ có đường đi 6m, không có đường nào 3m”.

Vẫn lời bà Dung: “Tôi cho rằng đất nhà ông Tài thực tế dư so với khi được cấp”. Bà Dung dựa vào Văn bản số 107/CV-TL của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở cho 107 cán bộ quân đội vào ngày 18/2/2004, trong đó thể hiện phần diện tích đất mà ông Tài được cấp chỉ là 417m2. Nay đất ông Tài thành 608m2 (chưa trừ phần chia cho con gái là 227m2). Bà Dung cho rằng “phần dư là do lấn chiếm”.

Theo bà Dung và ông Tuấn, do con hẻm bên hông nhà ông Tài bị lấn chiếm còn 3m nên việc sinh hoạt của bà con tổ 27 bị ảnh hưởng: “Đám tang, đám cưới đều phải đi nhờ hẻm khác vì xe ô tô không đi lọt. Hẻm đó cũng thường xuyên xảy ra va quệt khi có ô tô chạy vào. Chúng tôi không buộc ông Tài đập nhà, chỉ ông Tài cần bỏ hàng rào, lùi vào sát nhà là con đường rộng thêm 2m”.

Bà Dung cho rằng tất cả đường ngang, đường dọc trong khu vực đều rộng 6m, không lý gì duy nhất hẻm nhà ông Tài lại có 3m

Trả lời của người bị tố cáo

Theo quan sát, con đường từ trong tổ 27 đi ra đúng là có hẹp lại tại nhà ông Tài.

Tuy nhiên trao đổi với PV, ông Tài cho rằng không lấn đất. Ông Tài cung cấp chứng cứ là quyết định vào tháng 2/1988 Quân khu 7 cấp cho ông diện tích đất 20m x 50m tại Hóc Bà Thức, phường Tân Phong, mà theo ông Tài chính là khu đất ông đang ở.

“Tôi được cấp đất đợt đầu tiên. Đất của tôi nằm vị trí cuối cùng. Bên hông, phía sau cũng không có dân cư, không có nhà cửa, không có đường đi mà là rừng bạch đàn. Sau này sát bên hông nhà, người ta tự phát đi lại nên có con đường mòn nhỏ nhưng vẫn nằm trong rừng bạch đàn. Những khu bên hông, phía sau, đến năm 1990 – 1991 mới tiếp tục cấp cho cán bộ bộ đội mỗi người từ 1.000m2, 2.000m2… Sau đó, họ phân lô nhỏ ra bán, hồi đó lữ đoàn không có quy hoạch đường”, ông Tài nói.

Ông Tài cho rằng sở dĩ các đường khác đều rộng 6m là sau này các hộ dân mua đất rồi tự chừa đường đi. “Hồi đó, tôi làm lính sao dám lấn đất”, ông Tài nói.

Vẫn lời ông Tài: “Tháng 6/1988, tôi xây tường rào có xin đơn vị. Có cột bê tông, xây gạch lên khoảng 6 tấc, phía trên là kẽm gai, trồng xen mấy cây dâm bụt. Hiện hàng rào phía sau vẫn còn mấy cây đó, mục nát hết rồi. Năm 1993, tôi không xây mới, chỉ xây thêm phần gạch cao lên trên móng cũ, các cột vẫn còn nguyên. Lúc đó đơn vị đi kiểm tra đất hàng ngày, không được xây tự do đâu. Tôi xây lấn thì thủ trưởng họ cho nghỉ rồi chứ không phải lên được như hôm nay. Đến năm 2013 tôi có xây phần phía trước khi làm nhà, cũng chỉ xây cao lên, đẹp hơn, chứ không xây mới” ông Tài nói.

Theo ông Tài: “Đường bên hông nhà tôi không nhỏ, xe cộ vẫn qua lại bình thường, không hề có tai nạn giao thông gì cả. Ngoài ra, còn nhiều hẻm khác, họ không đi, sao cứ đòi đi hẻm này?”.

Như vậy trong vụ việc gây nhiều tranh cãi này, một số cơ quan đã vào cuộc nhưng dư luận địa phương vẫn chưa đồng thuận. Theo bà Dung, sự việc cần được xem xét lại rõ ràng minh bạch, tránh gây ra tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình xã hội tại địa phương.

Khánh Toàn – Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/khu-pho-cang-bang-ron-kien-nha-can-bo-lan-duong-di-chung-448762.html