Khù Sự Chà nơi rừng thẳm

Mới đầu tháng Mười tôi đã nhận được cái tin của người em thân thiết từ cực Tây Tổ quốc, nơi tôi từng có hơn hai năm công tác: 'Khù Sự Chà anh đưa chị và các cháu lên chơi nhé!'. Chuyển công tác về xuôi đã lâu, nhưng mỗi dịp sắp đến lễ, Tết của người Hà Nhì là tôi lại nhận được một cái tin như thế...

Vậy là bao kí ức xưa cũ gọi về, thăm thẳm đấy mà cũng thật gần lắm miền đất, miền người mà tôi từng gắn bó và sẽ mãi nhớ thương.

Đầu tháng Mười hai, khi dải biên cương phía Tây Điện Biên ngợp trong màu cúc quỳ rực vàng, căng mãn, đấy là lúc đồng bào Hà Nhì ở các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng, Sín Thầu rộn rã đón Tết Khù Sự Chà (biến âm ở một số nơi là Hồ Sự Chà).

Bao đời nay, ở vùng núi non biên viễn phía Tây Bắc, nơi nào sâu nhất, chỗ nào xa nhất, ở đâu khó khăn nhất thì ở đó có người Hà Nhì. Như loài cúc quỳ kết đoàn, bền bỉ, mãnh liệt, người Hà Nhì bám những đỉnh núi, những góc rừng để lập làng, lập bản, đời nối đời là những biên dân bảo vệ cương thổ quốc gia. Tiếng nói, lời ca, nết ăn, nết ở... cứ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như dòng Păng Pơi, Mo Phí, Si Pơ Chái... chưa khi nào vơi cạn, không ngừng tuôn chảy giữa đại ngàn.

Đêm giao lưu văn nghệ Tết Khù Sự Chà tại trụ sở xã Sín Thầu.

Đêm giao lưu văn nghệ Tết Khù Sự Chà tại trụ sở xã Sín Thầu.

Hơn mười năm trước, Sín Thầu - xã ở tận cùng phía Tây Việt Nam còn như một thế giới biệt lập, hoang hút, đường giao thông chưa có, điện lưới thì không. Để ra được xã Mường Nhé (trung tâm huyện Mường Nhé ngày nay) với hơn 60 km phải mất mấy ngày trời băng rừng, lội suối, và để xuôi được thành phố Điện Biện Phủ với quãng đường gần 300 km là một thách thức như "đi lên giời" trong tưởng tượng của nhiều bà con Hà Nhì nơi sơn cùng thủy tận.

Có lẽ, chính cái sự chậm chạp "mở lòng" chuyển mình giao lưu với miền xuôi ấy mà cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn giữ được nhiều nét cổ xưa. Trong suy tưởng của tôi, những giá trị hiển lộ bằng vật chất, tinh thần của cộng đồng người Hà Nhì như những chuỗi ngọc sáng lấp lánh, giăng khắp những miền đất, miền rừng có dấu chân của họ.

Những ngày đi công tác địa bàn, thực hiện "bốn cùng" với dân, được hòa mình vào không gian sinh tồn, sinh quyển văn hóa của đồng bào, tôi đã phần nào hiểu được quan niệm vạn vật hữu linh của người Hà Nhì. Với đồng bào, thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối... là những vị thần tối cao cai quản muôn loài trên non, trên ngàn. Trong nhà, trong bếp có các vị thần ngự trị để bảo vệ cho mọi người trong gia đình và vật nuôi. Hồn vía ông bà tổ tiên cũng luôn theo sát con cháu để che chở, phù hộ...

Thế giới tâm linh của đồng bào vô cùng phong phú, linh diệu, con người luôn gắn với thần linh, cõi người chịu sự chi phối của cõi thần, người sống vẫn trong "vòng tay" của người đã khuất. Thế nên, các phong tục, nhất là các lễ, Tết của đồng bào là dịp mọi người bày tỏ lòng biết ơn và nguyện cầu được các đấng thần linh, ông bà tổ tiên chở che, ban phát phước lành, con người được no ấm yên vui, vật nuôi, cây trồng sinh sôi, nảy nở tốt tươi.

Theo vần xoay của trời đất, từ xuân sang hạ qua thu rồi đến mùa đông, người Hà Nhì có Tết thiếu nhi (tháng Hai), lễ Gạ Ma Thú (tháng Ba), lễ Khu Già Già (tháng Sáu), lễ Ga Tho Tho (tháng Tám), Tết Dế Khù Chà (tháng Chín)... và cuối cùng của một năm cũng là bắt đầu của một năm là Tết truyền thống - Tết cơm mới (Khù Sự Chà).

Ở Sín Thầu, người Hà Nhì ăn Tết Khù Sự Chà vào ngày con Rồng của tháng cuối năm (thường vào khoảng đầu tháng Mười hai dương lịch, tùy theo lịch của người Hà Nhì mà có sự di dịch ít ngày giữa các năm). Hai năm ở biên giới, tôi may mắn được vui Tết, say Tết với đồng bào. Nhà ông Pờ Dần Sinh, nguyên Bí thư - Chủ tịch xã Sín Thầu là một gia đình đông con nhiều cháu. Anh em ông Sinh có khoảng chục người, mỗi người lại có ba đến bảy người con, rồi thế hệ các con của anh em ông đều đã dựng vợ gả chồng và cũng có hai, ba người con. Chỉ tính từ đời bố mẹ ông Sinh thì dòng họ Pờ đã đến đời thứ năm ở xã Sín Thầu.

Có thể nói dòng họ Pờ như từ hai cái cây, rồi thành khóm cây và đến giờ đã là một rừng cây. Con cháu họ Pờ nhiều người thành đạt đã tỏa đi thành phố Điện Biên Phủ, trung tâm huyện Mường Nhé sinh sống, làm việc... Nhưng đến dịp Khù Sự Chà lại quần tụ về Sín Thầu, nơi cội rễ của mình. Trước ngày Rồng, cũng như nhiều nhà trong bản, trong xã, ông Sinh cùng vợ con dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị những bộ trang phục đẹp để mặc vào năm mới. Sáng ngày Rồng, con cháu ông Sinh bắt lợn, trước khi giết, lợn được rửa nước muối và tưới một chút rượu lên da để tẩy uế.

Ông Sinh nói với tôi là mọi nhà đều làm thịt lợn đầu năm, không thì phải đợi sang ngày thứ ba, nếu làm vào ngày thứ hai (tức ngày Tỵ) vật nuôi trong nhà sẽ dễ bị bệnh, chết. Người Kinh có tục xem chân gà đầu năm thì người Hà Nhì lại xem gan lợn. Ông Sinh sẽ trực tiếp cầm lá gan lợn lên xem năm mới có yên lành, tươi tốt hay không.

Năm ấy, khi tôi hỏi: "Năm nay mọi việc sẽ thật tốt, phải không chú Sinh?". Ông bảo: "Được đấy, lá gan sáng bóng, tươi màu thế này là cả nhà, cả bản sẽ khỏe mạnh, tốt đẹp. Cái mật lại to, căng đầy là vật nuôi, cây trồng sẽ nảy nở, sinh sôi". Tôi nhìn vào gương mặt vuông vức của ông, thấy dãn ra những nét tươi vui. Trong khi cánh đàn ông làm thịt lợn thì vợ, con dâu, con gái ông Sinh làm bánh trôi (chà lẹ), loại bột làm bánh được xay từ gạo nếp nương do gia đình trồng. Trong mâm cỗ cúng thần nhà, thần bếp, ông bà tổ tiên phải đủ các phần thịt, nội tạng của lợn, bánh trôi, nước, rượu. Sang ngày thứ hai, phụ nữ của các gia đình sẽ làm bánh dày (gạ bạ) để dâng lên thần linh, tổ tiên và dành tặng người thân, khách vãng lai.

Nhà văn Nguyễn Phú (nguyenphubp@gmail.com)

Khi vợ ông Sinh thực hiện xong nghi thức cúng lễ, lúc đó mọi người đã đều mặc quần áo đẹp, cỗ đã bày sẵn, khách khứa của gia đình sẽ được mời vào mâm ăn Tết cùng gia đình. Giới phượt thủ truyền nhau câu cửa miệng: "Lên Sín Thầu ăn Tết Khù Sự Chà mà không vào nhà ông Pờ Dần Sinh thì chưa phải ăn Tết Khù Sự Chà!". Tướng Thành, vị Thiếu tướng đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng hầu như năm nào cũng lên Sín Thầu và vào nhà ông Sinh đúng dịp Khù Sự Chà. Ông trở thành người bạn thân thiết không chỉ với gia đình ông Sinh mà với cả cộng đồng bà con Hà Nhì ở Sín Thầu...

Trong mấy ngày Tết, việc ăn uống của các gia đình sẽ không theo bữa, cứ có khách đến là chủ và khách cùng ngồi vào mâm. Mọi người nâng ly, cùng nói "a kha pi po" - chúc mừng năm mới! Tôi hay nói đùa với anh em trong đơn vị: "Khù Sự Chà là Tết say của người Hà Nhì!".

Thình... thình... thình... piêng... piêng... piêng... khi màn đêm ngày Tết thứ ba vừa buông xuống, tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng khắp các xóm bản. Người già, trẻ con cùng đám thanh niên kéo nhau về trụ sở xã để chung vui văn nghệ. Dưới ánh điện ảo mờ, bên ánh lửa bập bùng, các thiếu nữ Hà Nhì như những đóa hoa rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống, uyển chuyển theo các vũ khúc chà tồ khố, á mì sơ, chế na na,...

Đây là những điệu múa mô phỏng hoạt động cấy gặt, tra hạt, mời rượu... của người Hà Nhì. Vui nhộn nhất là điệu cá nhi nhi (múa xòe) được đông đảo mọi người hưởng ứng. Đêm thêm sâu, lửa thêm đượm, rượu càng nồng và tình người dâng ngập trong lòng làm cho vòng tròn cứ rộng, rộng mãi ra. Bước chân thanh thoát, mềm mại như chân hươu chân nai của các sơn nữ hòa chung nhịp bước cùng với những đôi chân rắn rỏi hơn đá núi của lính Biên phòng, Công an cắm bản... Tay nắm bàn tay, mắt trao ánh mắt, tình quân dân thắm đượm, nồng nàn.

Cuộc vui Tết có thể kéo dài năm, sáu ngày, nhưng thường sau tan cuộc giao lưu văn nghệ tại trụ sở xã thì Khù Sự Chà cũng sẽ vơi đi cái rộn rực, cuồng nhiệt của mấy ngày đầu, mọi người trở về trạng thái bình thường để lo làm ăn, sản xuất.

Mấy năm trước, tôi nói với anh Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch xã Sín Thầu về việc động viên bà con, nhất là lớp thanh niên trẻ tổ chức lại các trò chơi dân gian như bệp bênh, đánh cù, đánh đu... cho Khù Sự Chà thêm sinh động. Tôi cũng lại muốn đàn ông, con trai Hà Nhì sẽ mặc quần áo của dân tộc mình mỗi dịp lễ, Tết... để cái bản sắc Hà Nhì đậm đặc hơn giữa núi rừng Sín Thầu, sáng đẹp hơn trên bản đồ văn hóa tộc người trong thời đại công nghệ số. Trang phục của mỗi tộc người cũng như là hình, là sắc của mỗi loài hoa. Và tôi nói với anh Phạ điều ấy.

Anh bảo: "Cuộc sống giờ nhiều thay đổi, lớp trẻ nó nghĩ khác lắm, phải từ từ tuyên truyền. Rồi lại phải nhờ người già hướng dẫn lớp trẻ cắt, may áo mới được". Sau vài năm, khi tôi đã rời địa bàn, qua kết nối facebook thấy một số nam thanh niên đã mặc trang phục truyền thống trong biểu diễn văn nghệ, trong lễ, Tết, lòng tôi có những bông hoa biên phương đang reo vui, hé nở.

Một ngày nên nghĩa! Đã bao ngày tháng tôi ở với đồng bào. Và hôm nay, qua lời nhắn của em, ba chữ Khồ - Sự - Chà lại ngân nga như những nhịp chiêng rung trong miền nhớ. Tháng Mười rồi, cúc quỳ đang gọi nở và một Khù Sự Chà nữa lại sắp về.

Nguyễn Phú

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/khu-su-cha-noi-rung-tham-616744/