Khu trục hạm Arleigh Burke Mỹ hướng tới con số... 100

Hải quân Hoa Kỳ đã công bố ngày đưa vào hoạt động tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke mới nhất của họ, chiếc USS Paul Ignatius (DDG 117).

Hải quân Mỹ sẽ đưa vào sử dụng tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke mới nhất của mình, chiếc USS Paul Ignatius (DDG 117) trong buổi lễ diễn ra lúc 10 giờ thứ Bảy, ngày 27/7, tại cảng Everglades ở Fort Lauderdale, Florida.

Con tàu được đặt tên để vinh danh Paul Robert Ignatius, người từng phục vụ Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến II, và sau đó làm việc trong chính quyền Tổng thống Lyndon B. Johnson dưới vai trò trợ lý Bộ trưởng quốc phòng cho các cơ sở và hậu cần từ năm 1964 - 1967, và thư ký Hải quân giai đoạn 1967 - 1969.

Bộ trưởng Hải quân Richard V. Spencer, người cũng đang thực hiện nhiệm vụ của Thứ trưởng quốc phòng sẽ tham gia buổi lễ. Vợ của ông Ignatius, bà Nancy - người đã qua đời hồi đầu năm nay là nhà bảo trợ của con tàu. Tiến sĩ Elisa Ignatius, cháu gái của bà Nancy Ignatius sẽ thay mặt trong sự kiện này.

Khu trục hạm USS Paul Ignatius (DDG 117), chiếc mới nhất thuộc lớp Arleigh Burke

Khu trục hạm USS Paul Ignatius (DDG 117), chiếc mới nhất thuộc lớp Arleigh Burke

Bộ trưởng Spencer cho biết, khu trục hạm USS Paul Ignatius (DDG 117) là bằng chứng cho thấy những gì mà tinh thần hợp tác giữa các nhà thầu dân sự và quân đội có thể thực hiện cùng nhau vì mục tiêu chung.

Từ lúc bắt đầu quá trình đặt hàng cho đến lúc đặt ky và làm lễ, cho đến khi đưa vào hoạt động, khu trục hạm USS Paul Ignatius sẽ tăng cường khả năng của chúng ta về phòng không, chống ngầm, tấn công và phòng thủ tên lửa đạn đạo.

USS Paul Ignatius sẽ là tàu khu trục lớp Arleigh Burke thứ 67 và là một trong 21 tàu hiện đang được ký hợp đồng cho chương trình DDG 51. Dự kiến sau khi hoàn thành 21 tàu này, Hải quân Mỹ sẽ đặt hàng lô tiếp theo để đưa số lượng lên tới 100 chiếc.

Số lượng khu trục hạm Arleigh Burke của Hải quân Hoa Kỳ có thể lên tới con số 100 chiếc

Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke có khả năng thực hiện một loạt các nhiệm vụ từ duy trì hòa bình và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa đến kiểm soát trên biển. Được chế tạo theo cấu hình Flight IIA, con tàu mang đến thời gian phản ứng nhanh, hỏa lực cao và khả năng tác chiến điện tử được cải thiện.

Sau thế hệ Flight IIA, Hải quân Mỹ đã có sẵn trong tay thiết kế của biến thể nâng cấp Arleigh Burke Flight III, con tàu được xem là một hình mẫu đi trước thời đại rất xa và sẽ còn là tiêu chuẩn cho nhiều lực lượng hải quân khác trên thế giới học tập.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/khu-truc-ham-arleigh-burke-my-huong-toi-con-so-100-3384510/