Khu trục hạm Mỹ chất đầy tên lửa áp sát tàu do thám Nga

Ngay khi phát hiện tàu do thám Viktor Leonov xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nam Carolina và Florida, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Mahan thuộc lớp Arleigh Burke áp sát để theo dõi mọi động tĩnh của chiếc tàu do thám đến từ Nga.

 "Tàu do thám Viktor Leonov xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nam Carolina và Florida trong vài ngày qua. Con tàu có hành động thiếu an toàn khi không sử dụng đèn tín hiệu trong thời tiết xấu, không hồi đáp tín hiệu liên lạc từ các tàu thương mại gần đó và di chuyển thất thường", một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết.

"Tàu do thám Viktor Leonov xuất hiện ngoài khơi bờ biển Nam Carolina và Florida trong vài ngày qua. Con tàu có hành động thiếu an toàn khi không sử dụng đèn tín hiệu trong thời tiết xấu, không hồi đáp tín hiệu liên lạc từ các tàu thương mại gần đó và di chuyển thất thường", một quan chức Mỹ giấu tên hôm qua cho biết.

Tuần duyên Mỹ đã phát thông báo an toàn hàng hải để cảnh báo tàu hàng ở khu vực hoạt động của tàu Viktor Leonov. Đồng thời hải quân Mỹ đã ngay lập tức điều tàu khu trục USS Mahan để giám sát tàu do thám Nga.

Việc Mỹ điều động chiến hạm chất đầy tên lửa áp sát theo dõi mọi động tĩnh của tàu do thám Nga được cho là tín hiệu rắn Washington muốn gửi tới Moscow.

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mạnh nhất và đông đảo nhất thế giới hiện nay. Đây là những chiến hạm làm nền tảng cho sức mạnh của hải quân Mỹ trên đại dương.

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis.

Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển

Với 67 chiếc đã được biên chế và Mỹ vẫn chưa dừng lại trong việc chế tạo loại chiến hạm đầy uy lực này.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường này có độ giãn nước từ 8.300 cho đến 10.000 tấn tùy từng phiên bản khác nhau.

Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực.

Sự kết hợp của những tàu khu trục này tạo nên "lá chắn thần" bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Việc trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1, tên lửa đánh chặn SM-2/3 và hệ thống phòng thủ Aegis biến tàu khu trục lớp Arleigh Burke thành tổ hợp chống tên lửa đạn đạo và diệt vệ tinh hiệu quả nhất trong biên chế hải quân Mỹ.

Lớp Arleigh Burke được chia thành nhiều phiên bản (Flight). 21 tàu đầu tiên từ DDG-51 tới DDG-71 được xếp vào Flight I, 7 chiếc tiếp theo (DDG-72 tới DDG-78) thuộc Flight II.

Bản nâng cấp IIA được chế tạo từ cuối năm 1997, bao gồm 43 chiếc đã được biên chế (DDG-79 tới DDG-112) và 11 tàu đang trong quá trình đóng mới và hoàn thiện (DDG-113 đến DDG-123).

Flight III gồm 3 tàu (DDG-124 đến DDG-126) vừa được hải quân Mỹ đặt mua, nhưng chưa bắt đầu quá trình đóng mới.

Để cận chiến, tàu lớp Arleigh Burke được trang bị một hải pháo Mark 45 cỡ nòng 127 mm phía mũi với tầm bắn 21 km và cơ số đạn 600 viên.

Mỗi tàu được trang bị 90-96 ống phóng thẳng đứng (VLS) chia làm hai cụm trước và sau thượng tầng, có khả năng sử dụng tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, tên lửa phòng không RIM-156 SM-2 và RIM-161 SM-3, cùng tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.

Các tàu còn được trang bị vũ khí hạng nhẹ để đối phó các mối đe dọa nhỏ, như hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm và pháo tự động M242 Bushmaster 25 mm.

Cung cấp lực đẩy cho tàu là 4 động cơ turbine khí General Electric LM2500 với tổng công suất 105.000 mã lực, giúp tàu đạt tốc độ tối đa 56 km/h. Tầm hoạt động của lớp Arleigh Burke đạt mức 8.100 km ở tốc độ hành trình 37 km/h. Đây được coi là lớp tàu khu trục có khả năng công thủ toàn diện của Mỹ.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-khu-truc-ham-my-chat-day-ten-lua-ap-sat-tau-do-tham-nga/836562.antd