Khu vực Đồn Long Khốt chính thức được công nhận Di tích Quốc gia

Sáng 21/12, Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt đã diễn ra trọng thể tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (Di tích Đồn Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An).

Điểm hẹn oai hùng của lịch sử.

Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt chứa đựng những giá trị lịch sử, an ninh quốc phòng, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Sự kiện Đồn Long Khốt được xếp hạng Di tích Quốc gia được coi là bước ngoặc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều đó đã chứng minh bằng tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, nhiệt tình và có tầm nhìn sâu rộng của UBND huyện Vĩnh Hưng và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174.

Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt là nơi lưu dấu những sự kiện đặc biệt quan trọng của 2 giai đoạn lịch sử. Đó là những cống hiến và hy sinh to lớn của Trung đoàn 174 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5 giai đoạn 1972-1975 đóng góp quan trọng trong giải phóng vùng 8 (cuối tháng 12/1974), khai thông tuyến hành lang biên giới giữa Đông và Tây Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975).

Có thể thấy rằng mỗi tấc đất tại Khu di tích đều thấm đẫm máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao cán bộ, chiến sĩ Long An và hơn 1.000 liệt sĩ của Sư đoàn 5. Đó không chỉ là tinh thần quyết chiến chống xâm lược, bảo vệ vùng biên giới tổ quốc mà còn trở thành một “cột mốc” biên giới quan trọng trong xác định chủ quyền lãnh thổ biên cương tổ quốc; nơi vun bồi tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch xây dựng di tích trở thành công trình lịch sử, văn hóa, quốc phòng xứng tầm với những giá trị quý báu trên, đồng thời để có nơi trang nghiêm cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau đến dâng nén hương tri ân liệt sĩ.

Đồng chí Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Để bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đồng chí Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị Cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân Vĩnh Hưng cần làm tốt việc xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, học tập. Cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh về truyền thống đấu tranh cách mạng của các anh hùng liệt sĩ tại địa phương.

Lễ trao bằng chứng nhận Di tích Quốc gia đã tạo thêm động lực động lực tinh thần khích lệ toàn thể cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân trong tỉnh và Vĩnh Hưng tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, cùng nhau đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi thách thức khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc xây dựng đổi mới của đất nước và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hiện nay để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước.

Đây cũng là sự kiện lớn nhằm mừng kỷ niệm 75 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019).

Long Khốt - Vùng đất linh thiêng của dân tộc.

Long Khốt nằm về hướng Đông Bắc thị trấn Vĩnh Hưng, là điểm trọng yếu chiến lược hàng đầu trên tuyến hành lang biên giới Việt Nam – Campuchia, nối miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, khu vực Long Khốt thường xuyên diễn ra tranh chiếm ác liệt.

Trong quá trình đó, có 3 trận đánh tiêu biểu nhất phải kể đến. Đó là trận tấn công chi khu Long Khốt từ ngày 9/6 - 16/6/1972 do Trung đoàn 174 phối hợp với Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 và du kích xã Thái Bình Trung thực hiện. Trong trận tấn công này ta loại khỏi vòng chiến 411 tên địch, phá hủy 1 khẩu pháo 105mm, 1 súng cối 106,7mm, 3 súng cối 81mm, 1 súng ĐKZ90mm, 2 súng 12,7mm, 15 lô cốt, 1 kho đạn, 13 nhà (có 1 nhà máy nước), bắn rơi 2 máy bay địch.

Trận tấn công quy mô lớn vào chi khu Long Khốt lần hai xảy ra từ đêm 28 - 29/4/1974. Trung đoàn 174 và các đơn vị phối hợp thuộc Sư đoàn 5 là Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 đã tấn công tiêu diệt chi khu Long Khốt, kết quả trận đánh ta loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch, thu 69 súng, bắn rơi 3 máy bay và phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Long Khốt.

Những người lính Trung đoàn 174 chụp hình lưu niệm cùng các đoàn viên thanh niên

Đồng chí Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng

Trận chiến đấu anh dũng 43 ngày đêm (từ 14/1 - 27/2/1978) bảo vệ đồn Long Khốt của lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An và quân dân địa phương đã bảo vệ được khu vực phía Tây Bắc tiền đồn Mộc Hóa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch muốn đánh chiếm bằng được 2 vị trí tiền tiêu là Mộc Hóa và Đức Huệ để làm bàn đạp tấn công các khu vực khác và tạo áp lực mạnh mẽ trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tuyến hành lang chiến lược quận Tuyên Bình, tiêu diệt địch ở chiến trường Long Khốt trong lúc thế và lực địch đang mạnh, Sư đoàn 5 và quân dân địa phương đã liên tục tổ chức nhiều trận tấn công các đồn Măng Đa, Thái Trị, Tuyên Bình, chặn viện từ hướng các đồn này… nhằm làm suy yếu binh lực địch khi ta tổ chức tấn công vào chi khu Long Khốt. Trong trận chiến ác liệt ấy, hơn 1.000 Cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và mãi mãi nằm lại trong mảnh đất linh thiêng của dân tộc.

Đồng chí Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An trao bằng xếp hạng di tích quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt cho lãnh đạo huyện Vĩnh Hưng

Để tưởng nhớ đến những người anh hùng đã ngã xuống vì quê hương, đất nước từ năm 2.000 đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ hằng năm đều tụ hội về di tích Khu vực đồn Long Khốt tổ chức dâng hương, cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ. Có thể nói đây là cử chỉ cao đẹp, đầy nhân văn, thể hiện rõ đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”cao quý hàng ngàn năm của dân tộc ta. Qua đó, khơi gợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau làm động lực tinh thần để rèn luyện, phấn đấu, phát triển trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cứ như thường lệ, đến ngày 19/5 hàng năm, Lễ tri ân anh hùng liệt sĩ hòa quyện cùng lễ giỗ hội dân gian đã trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Đây là dịp để mỗi thế hệ trẻ chúng ta tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ của đất mẹ linh thiêng.

Tại buổi lễ, Đại tá Trần Thế Tuyển đã thay mặt Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 bày tỏ sự xúc động sâu sắc. Đại tá cũng mong muốn Di tích Lịch sử quốc gia Long Khốt trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, điểm đến tâm linh của nhân dân, không chỉ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn của các nước và bạn bè quốc tế.

Ra mắt Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia Long Khốt

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, đại diện Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 phát biểu cảm tưởng

Những người lính Trung đoàn 174

Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt

Dịp này, Báo Công lý đã trao tặng học bổng trị giá 100 triệu đồng cho các em học sinh trên địa bàn

Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/van-hoa/don-long-khot-chinh-thuc-duoc-cong-nhan-di-tich-quoc-gia-31907.html