Khu vực tư nhân phải là động lực dẫn dắt đào tạo nghề

Động lực dẫn dắt chính công tác giáo dục nghề nghiệp hiệu quả phải là khu vực tư nhân...

Sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm đạt 85%. Ảnh minh họa - N.Dương.

Trước thực trạng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã chủ động "bắt tay" với trường nghề đặt hàng nguồn nhân lực ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó là thông qua việc ký kết hợp tác trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo báo cáo tổng hợp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tính trung bình, năm 2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trung bình khoảng 85%.

Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau khi tốt nghiệp đạt 6 triệu đồng, học sinh trung cấp sau khi tốt nghiệp đạt 5,5 triệu đồng.

Một số ngành nghề có mức lương khá cao, có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp ra trường có mức lương lên đến 10 – 15 triệu đồng/tháng. Gắn kết doanh nghiệp và nhà trường mang lại hiệu quả cho các bên song còn không ít khó khăn khiến liên kết này chưa phát triển mạnh.

Khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, tại Diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dù chúng ta đã có những lao động đạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề thế giới, nhưng đó mới chỉ là trường hợp cá biệt.

Vấn đề đặt ra là làm sao để những đỉnh cao nghề nghiệp đó phải trở thành phổ biến hơn nữa.

Nhìn lại bức tranh lao động Việt Nam, tỷ lệ có đào tạo nghề nghiệp, chứng chỉ mới chỉ trên 20% theo ông Lộc là chưa thể yên lòng. Do đó, nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo nghề đang trở thành vấn đề lớn.

Trong khi đó, hiện nay nhìn hệ thống đào tạo nghề, nếu xét về số lượng thì vẫn chủ yếu là đào tạo nghề quốc doanh, sự tham gia của khu vực tư nhân dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa xứng với yêu cầu.

Với thực tế này, Chủ tịch VCCI nhận định, thời gian tới, chính đối tác công - tư sẽ là công thức thúc đẩy đào tạo nghề của Việt Nam khi cả 3 nhà phải cùng chung tay. "Nhà nước là chính sách thể chế, còn động lực dẫn dắt chính công tác giáo dục nghề nghiệp theo tôi nghĩ cuối cùng vẫn là khu vực tư nhân. Chỉ khi nào khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực chính của đào tạo nghề thì mới tạo nên bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này", ông Lộc nhấn mạnh.

Tái khẳng định vai trò của khu vực tư nhân, ông Lộc cho rằng, khu vực này phải tham gia ở cả 3 cấp độ là cùng nhà nước xây dựng chính sách, chiến lược và hệ thống. Trong đó, phải coi trọng cả 3 không gian đào tạo gồm xưởng – trường và không gian mạng.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh đến một chìa khóa quan trọng của đào tạo nghề chính là phát huy vai trò trung tâm của các hiệp hội ngành nghề, những doanh nghiệp "con sếu đầu đàn", bởi vì không ai có thể am hiểu các ngành nghề, kỹ năng nghề như chính các hiệp hội, doanh nghiệp.

"Chắc chắn nhà nước không hiểu sâu như vậy được đâu. Tôi đề nghị cần thiết phải phát triển Hội đồng kỹ năng ngành do các hiệp hội, doanh nghiệp dẫn dắt. Hội đồng này có vai trò đề ra các định hướng phát triển ngành, tiêu chuẩn, tham gia đào tạo cấp chứng chỉ. Nhà nước nên chuyển giao một số chức năng đang làm cho các hiệp hội chứ không nên ôm hết", ông Lộc nêu quan điểm.

Chủ tịch VCCI khẳng định rằng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện 5 đồng hành với giáo dục nghề nghiệp. Đó là tham gia đầu tư cùng với các trường, tự mở trường trong doanh nghiệp; tham gia giảng dạy đào tạo; thẩm định đầu ra và đặc biệt là tuyển dụng nhân lực.

Theo ông, nếu phát huy được cơ chế 3 nhà, nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp cùng "chụm" đầu lại thì đó sẽ là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/khu-vuc-tu-nhan-phai-la-dong-luc-dan-dat-dao-tao-nghe-2019112011265888.htm