Khu vườn rau Tân Bình - người dân trông chờ sự thay đổi khang trang

55/124 hộ dân canh tác trên đất vườn rau, được quy hoạch xây dựng công trình công cộng (phường 6, quận Tân Bình, TPHCM) đã kê khai, đăng ký nhận tiền hỗ trợ. Hiện 8 hộ dân đã ký nhận 50% tiền hỗ trợ với sự phấn khởi. Trong số này, có hộ trước đây rất tích cực đi khiếu nại, yêu cầu cấp chủ quyền.

 Các hộ dân canh tác ở đất vườn rau Tân Bình đang kê khai, nhận tiền hỗ trợ tại UBND phường 6, quận Tân Bình

Các hộ dân canh tác ở đất vườn rau Tân Bình đang kê khai, nhận tiền hỗ trợ tại UBND phường 6, quận Tân Bình

Từ tích cực đòi đất đến nhận hỗ trợ đầu tiên

Trong số 8 hộ dân canh tác tại khu đất vườn rau Tân Bình nhận tiền hỗ trợ đợt đầu tiên, mẹ con ông H. đến rất sớm. Việc đăng ký, nhận hỗ trợ sớm nhất của ông H. đã khiến nhiều cán bộ UBND phường 6 và UBND quận Tân Bình ngạc nhiên.

Bởi vì cách đây khoảng 10 năm đổ về trước, ông H. là một trong những người dân canh tác ở đất vườn rau Tân Bình đã làm nhiều cán bộ “mệt mỏi”. Trong thời gian này, ông H. là một trong những người tích cực tham gia các cuộc phản đối, khiếu nại để đòi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vườn rau cho gia đình ông. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình này, ông H., nhận ra việc “đòi cấp giấy là không có cơ sở vì đất này thuộc quản lý của Nhà nước”.

Mẹ ông H. cũng kể, cách đây hơn 65 năm, bà cùng chồng từ tỉnh Phú Thọ vào Nam. Cũng như nhiều người cùng hoàn cảnh khác, gia đình bà trồng rau trong khu đất này. Lúc đó ai muốn trồng bao nhiêu thì trồng. Nhà nào đông con thì trồng trên phần đất diện tích lớn. Hộ nào ít người, không đủ sức thì trồng trên phần đất nhỏ hơn. Riêng gia đình ông H. trồng rau trên mảnh đất rộng 300m².

Đến năm 2001, ở khu vực rộ lên thông tin quy hoạch khu đất vườn rau làm dự án nhà ở. Lúc này, ông H. đại diện cho gia đình cùng nhiều người khác đang trồng trọt trong khu đất cùng nhau đến nhiều cơ quan đề nghị cấp chủ quyền cho khu đất mình đang trồng rau. “Tôi tích cực tham gia, thường xuyên đến nhiều cơ quan. Hầu như ai cũng nhẵn mặt tôi”, ông H. cười kể.

Do xin cấp chủ quyền không được - vì đây là đất thuộc quản lý của Nhà nước - ông H. cùng nhiều người khác viết đơn phản đối, khiếu nại. Sau một thời gian, ông H. bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tính pháp lý thực sự của khu đất. “Tôi mới bình tâm lắng nghe cán bộ giải thích tường tận. Tôi cũng tìm hiểu thêm thông tin từ một số người quen thì “vỡ” ra đây là đất của Nhà nước. Từ đó, gia đình tôi xác định rõ là khai thác, trồng rau thêm được ngày nào thì hay ngày đó, chứ khiếu nại sẽ không có kết quả, trong khi công việc làm ăn thì bị ảnh hưởng. Vậy nên từ năm 2008, tôi không đi khiếu nại, phản đối nữa”, ông H. cho biết.

Một số hộ dân canh tác trong khu đất vườn rau cũng chia sẻ về điều này. Trong số đó, bà T. (khai thác hơn 430m² đất vườn rau) cũng nhanh chóng kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ ngay khi phường 6 thông tin. “Tôi rất chia sẻ với người dân đang khai thác tại vườn rau. Họ đã canh tác lâu năm trên mảnh đất này nên nghĩ đó là đất của họ. Tuy nhiên, chuyện gì chính quyền làm tốt thì phải ghi nhận. Giá cả hỗ trợ tôi không bàn, vì mỗi người một suy nghĩ. Song, việc địa phương nói liền, làm liền và có quan tâm chăm lo tết cho người dân (6 triệu đồng/hộ - PV) như vậy là rất mừng. Trong cuộc sống, mình phải nhìn những hướng tích cực. Lúc tôi kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ cũng có người nói ra, nói vào theo hướng phản đối. Họ không tin địa phương chi ngay mà “phải xét duyệt, qua thủ tục này kia mất nhiều thời gian”. Nhưng tôi đăng ký và được giải quyết ngay, nhận tiền liền”, bà T. bày tỏ.

Ý thức việc sai nên không thiệt hại

Cũng như những hộ nhận hỗ trợ đợt đầu tiên, gia đình bà T. đã canh tác trong khu đất vườn rau từ rất sớm. Chứng kiến nhiều trường hợp nhà không phép mọc lên tại đây, nhiều lần người thân trong gia đình bà T. cũng muốn “cất nhà trên đất vườn rau để cải thiện cuộc sống”. Đặc biệt vào thời điểm xây dựng không phép ồ ạt, người nhà bà T. rất “phân bì” nhưng bà T. nhất quyết can ngăn. Hỏi lý do, bà T. thẳng thắn: “Tôi biết đây là đất của Nhà nước. Thông tin quy hoạch dự án tại khu vực này cũng đã được công bố. Mình đã biết vậy mà vẫn xây thì sẽ thiệt thân thôi. Cũng may là nhà tôi không xây nên không bị thiệt hại gì từ đợt xử lý vừa qua”.

Trong khi đó, ông H. cho biết, trước khi các công trình bị xử lý, tình trạng mua bán đất vườn rau bằng giấy tay rất sôi nổi. “Người ở đâu kéo nhau đến coi, mua đất đông lắm. Một phần khu đất nằm ở trung tâm mà giá rẻ, lại nghe mấy người cò mồi nói ngọt. Thế là họ mua, tìm cách cất nhà và bị tháo dỡ”, ông H. kể. Gia đình ông H. cũng được người đang canh tác tại vườn rau gạ giới thiệu người mua đất với giá 10 triệu đồng/m². Tuy nhiên, gia đình ông H. cho rằng đây là đất của Nhà nước nên không thể bán.

Đề cập đến việc xây dựng không phép, ông H. cũng thẳng thắn chia sẻ. Theo đó, năm 2015, nhiều người trồng rau ở đây bung ra xây nhà trọ cho thuê, dựng quán kinh doanh ăn uống. Thấy vậy, gia đình ông H. cũng vay mượn tiền, cất 10 căn phòng trọ để cho thuê.

Cũng như ông H., một số hộ dân khác còn kể, việc họ xây nhà là muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một phần là “cán bộ mắt nhắm, mắt mở cho qua”, kèm lời dặn “phải cam kết khi nào Nhà nước dỡ là chấp nhận, không phản đối”. Hiểu rõ điều này, gia đình ông H. đã chuẩn bị tinh thần “sẵn sàng bị tháo dỡ” nên chỉ làm phòng trọ đơn giản bằng tôn. Đồng thời, khi nhận được thông tin quận sẽ tháo dỡ các công trình không phép (từ khu phố thông báo và qua loa phát thanh), ông H. lập tức thông báo cho khách thuê trọ để họ dọn đồ đạc, trả lại tiền thuê nhà tháng đó cho khách thuê. Bởi vậy, ngày quận tổ chức tháo dỡ, ông H. đã không phản ứng, dù xung quanh rất nhiều người xúi giục, lôi kéo.

“Dẹp chỗ đó tôi và nhiều người dân trong khu vực cũng mừng, vì bên trong đó nạn xì ke, xóc đĩa, cờ bạc, vay nặng lãi… đều hội tụ đủ cả. Người dân không tỉnh táo là dính ngay”, ông H. nói.

Bà T. cũng nhận định, ngay trung tâm thành phố mà để một khu vực rất nhếch nhác như vậy là không ổn chút nào. Việc chính quyền thành phố quy hoạch, xây dựng cụm công trình trường học, công viên như công bố thì cảnh quan tại khu vực và đời sống tinh thần của người dân sẽ được cải thiện rất nhiều.

Một số hộ dân nhận tiền hỗ trợ hôm 19-1 cũng phấn khởi khi chính quyền tháo dỡ các công trình không phép ở khu đất vườn rau để xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia. Một khi cụm trường học được xây dựng, đường sá rộng rãi, khuôn viên cũng đẹp hơn, sáng sủa hơn thì giá trị nhà đất của người dân khu vực xung quanh cũng được hơn rất nhiều. “Mình giao trả đất cho Nhà nước và được hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2. Mức giá hỗ trợ này không bằng việc bán giấy tay (10 triệu đồng/m2) nhưng đổi lại được khu hạ tầng khang trang thì cũng xứng đáng”, một người dân đã nhận tiền hỗ trợ bày tỏ.

Lôi kéo, tặng quà để thêm người phản đối

Sau đợt tháo dỡ, gia đình tôi liên tục được một số đối tượng lôi kéo ký đơn phản đối việc tháo dỡ cũng như thực hiện dự án xây trường học. Họ còn tặng quà để dụ dỗ những người dân đang canh tác trên đất vườn rau ký đơn. Tuy nhiên, tôi và nhiều hộ dân đã từ chối ký đơn, cũng không nhận quà.

Hiện nay, ở khu vực này có nhiều thông tin trái chiều. Có người nói “chính quyền chỉ nói miệng chứ không làm, không hỗ trợ người dân”. Từ đó, họ lôi kéo chúng tôi cùng đấu tranh để có thể nhận được 15 - 30 triệu đồng/m², thay vì chỉ 7 triệu đồng/m². Họ cứ đến hoài. Buổi sáng ngày tôi đi nhận tiền hỗ trợ, họ cũng đến đề nghị tôi “suy nghĩ lại”. Nhưng tôi không quan tâm và từ chối nhận quà vì biết điều này không đúng. Tôi cũng nói thẳng với họ, mức giá hỗ trợ ngần ấy là phù hợp rồi. Tôi cũng đang cần tiền để giải quyết việc gia đình nên đăng ký, nhận hỗ trợ ngay.

Ngoài ra, người thân của tôi và một số người dân khác cũng muốn tiền hỗ trợ, nhưng một phần bị lôi kéo, một phần nghe đồn Nhà nước sẽ trừ tiền công tháo dỡ công trình không phép (với chi phí 300.000 đồng/m²) nên bà con còn chần chừ. Nhiều cô chú nói tôi đi nhận tiền hỗ trợ xem có đúng được nhận tiền thật không, có bị trừ tiền công tháo dỡ không rồi mới tính tiếp. Tôi nhận tiền hỗ trợ rồi, không bị trừ khoản nào cả. Tôi về sẽ báo lại để họ an tâm đi nhận tiền hỗ trợ.
(Ghi theo lời kể của một người dân tại buổi nhận tiền hỗ trợ hôm 19-1)

NHÓM PV

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khu-vuon-rau-tan-binh-nguoi-dan-trong-cho-su-thay-doi-khang-trang-571971.html