Khuất tất trong cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung

Những ngày này, mưa liên tiếp ở khu vực miền núi phía bắc khiến người dân xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình), nhất là 13 hộ sống trong lòng hồ Thường Xung rất lo lắng. Trải qua một thời gian dài triển khai dự án cải tạo, nâng cấp hồ với số tiền đầu tư hơn 316 tỷ đồng, song đến nay hồ Thường Xung vẫn chưa phát huy tác dụng. Vì sao?

Quyết toán nhưng chưa hoàn thiện

Dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung nằm trên phạm vi ba xã của huyện Nho Quan, gồm: Văn Phú, Văn Phương và Cúc Phương, do UBND huyện làm chủ đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trịnh Đức Hưng, mục tiêu của dự án là nhằm cung cấp nước tưới, tiêu cho 800 ha đất canh tác cũng như cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bốn xã trong huyện, kết hợp làm chậm lũ sông Hoàng Long gắn với phát triển du lịch, nâng cấp giao thông nông thôn. Các hạng mục chính của dự án là sửa chữa, nâng cấp đập chính hồ Thường Xung cũ, xây dựng tuyến đập tràn 300 m, xây dựng hai cống lấy nước dưới đập, xây dựng hệ thống tưới tiêu và các công trình trên kênh.

Ngày 13-3-2008, tại Quyết định số 580/QĐ-UBND của UBND huyện Nho Quan, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 226,791 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 146,108 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án CPK 14,611 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) 50 tỷ đồng, chi phí dự phòng 16,072 tỷ đồng. Đến năm 2011, sau nhiều lần bổ sung kinh phí, chi phí xây lắp và thiết bị của dự án từ 146,108 tỷ đồng ban đầu vọt lên hơn 535 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án từ 14,611 tỷ đồng cũng “nhảy” lên gần 30 tỷ đồng, chi phí GPMB và đền bù từ 50 tỷ đồng cũng lên 80 tỷ đồng, chi phí dự phòng từ 16,072 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Vậy là tổng kinh phí cho công trình từ chỗ 226,791 tỷ đồng vọt lên hơn 675 tỷ đồng. Nhưng do cạn vốn, đến ngày 1-12-2016, UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hồ Thường Xung là hơn 316,609 tỷ đồng và còn nợ phải trả gần 29 tỷ đồng.

Sau nhiều lần điều chỉnh diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án, tại Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 9-1-2013 của UBND tỉnh Ninh Bình, thu hồi thêm 246.300,5 m2 thuộc ba xã Cúc Phương, Văn Phương, Văn Phú ảnh hưởng diện tích đất ở, đất canh tác của hàng trăm hộ dân. Trong đó, tại Quyết định số 1133/QĐ-UBND của UBND huyện Nho Quan ngày 15-4-2011, riêng xã Văn Phú có 327 gia đình bị thu hồi đất để làm dự án.

Sau một thời gian dài thi công, một số hạng mục được hoàn thành, song những phần quan trọng nhất của dự án lại… bỏ ngỏ, khiến công trình gần như “đắp chiếu” không phát huy tác dụng. Đó là tuyến đường ven hồ còn khoảng 1,5 km chưa thi công, tuyến đập mới còn khoảng 100 m chưa khép kín, nạo vét lòng hồ, kênh thoát lũ sau tràn và các công trình trên kênh... Đáng chú ý, 100 m tuyến đập mới chưa khép kín và hiện 13 hộ đồng bào dân tộc Mường đang sống ở lòng hồ.

Trưởng thôn Đồng Bót (xã Cúc Phương) Đinh Văn Lặng bức xúc: Tôi vẫn giữ hồ sơ đầy đủ của Ban Quản lý dự án sau khi họ kiểm đếm tài sản của các hộ trong thôn, nhưng đến nay không thấy động tĩnh gì. Người dân hiện phải sống trong vùng dự án khổ lắm, nhà hư hỏng cũng không được sửa, lên chỗ định cư mới thì không có tiền làm nhà. Mấy hôm nay, nghe dự báo khu vực Tây Bắc Bộ mưa lớn, bà con ngủ không yên, phấp phỏng lo sợ lũ về.

Hồ Thường Xung nằm trong vùng ảnh hưởng của sông Hoàng Long với nguồn nước từ Hưng Thi (Hòa Bình) và nước từ các triền núi thuộc xã Cúc Phương, Văn Phú chảy về. Theo mục tiêu dự án cải tạo, nâng cấp hồ, dòng nước từ Thường Xung hòa cùng hai hồ Hang Trải và nước Lộ (xã Văn Phú) có thể tích trữ khoảng 4 triệu m3 nước, góp phần điều hòa lượng nước mùa mưa và cấp nước mùa khô cho bốn xã vùng cao. Cho nên, khi chưa hàn khẩu đập, thì giai đoạn ban đầu của công trình dù hoàn thiện cũng không có tác dụng.

Nhiều sai phạm cần làm rõ

Trước những kiến nghị của người dân, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra và công bố Kết luận số 1121/KL-TTCP ngày 9-5-2012, nêu rõ: Việc chỉ định đơn vị tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng công trình, trong khi chưa có chủ trương đầu tư là không phù hợp quy định tại điều 40 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện Nho Quan (chủ đầu tư) phê duyệt kế hoạch đấu thầu là trái thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, điều 11 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP. Mặt khác, trình tự áp dụng đối với gói thầu chỉ định thầu không tuân theo quy định tại điều 41 Nghị định 58/2008/NĐ-CP về “quy trình chỉ định thầu”. UBND huyện tổ chức GPMB chưa thực hiện đầy đủ theo trình tự thu hồi đất được quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ đây, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Vì sao đơn vị tư vấn khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng trước khi có chủ trương đầu tư?; Chủ đầu tư tổ chức chỉ định thầu trái thẩm quyền liệu có phải là “vô tình”?; Vì sao có việc lập dự toán đền bù khống hay tình trạng người ít diện tích đất bị thu hồi được đền bù nhiều và ngược lại? Bên cạnh đó, công tác thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo của Thanh tra tỉnh Ninh Bình còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí vi phạm Luật Thanh tra. Điều 39 của Luật Thanh tra năm 2010 nêu rõ “Kết luận thanh tra phải được công khai, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra Nhà nước hay niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan”. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Ninh Bình chưa thực hiện công khai kết luận thanh tra về vụ việc.

Để làm rõ những khuất tất nêu trên trong dự án cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung, cần có sự vào cuộc, điều tra của các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình. Trong đó, việc lập dự toán đền bù khống tiền GPMB hơn 400 triệu đồng và giảm trừ giá trị dự toán công trình hơn hai tỷ đồng phải được làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33438702-khuat-tat-trong-cai-tao-nang-cap-ho-thuong-xung.html