Khuất tất trong việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện Tuyên Quang

Các hộ dân cho rằng, chính quyền xã Yên Hoa, huyện Na Hang đã có 'ưu ái' trong việc hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lòng hồ thủy điện.

Hồ hởi ủng hộ dự án thủy điện

Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, trước đây gọi là nhà máy thủy điện Na Hang nằm trên dòng sông Gâm hiền hòa thuộc địa phận thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang). Công trình thủy điện lớn nhất tỉnh miền núi này xây lên với mục đích nhằm cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, cung cấp nước cho hạ lưu phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa kiệt, đảm bảo an ninh năng lượng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, việc hỗ trợ người dân di rời khỏi vùng lòng hồ phần đa đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Song vẫn còn những tồn tại cố hữu, mà nhiều năm nay người dân mang đơn đi khắp nơi “gõ cửa” chính quyền đòi quyền lợi nhưng chưa được giải quyết.

Bà Chí cho rằng, đất của gia đình bà đã bị nước lòng hồ thủy điện nhấn chìm nhưng không được bố trí đất ở mới hoặc được đền bù thỏa đáng.

Bà Chí cho rằng, đất của gia đình bà đã bị nước lòng hồ thủy điện nhấn chìm nhưng không được bố trí đất ở mới hoặc được đền bù thỏa đáng.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Chí, trú tại tổ 2, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang là một ví dụ điển hình. Theo đơn bà Chí gửi tòa soạn Pháp luật Plus, năm 1998 do không có nhu cầu về nhà ở ông Nguyễn Văn Đôn, lúc đó trú tại khu chợ cũ xã Yên Hoa đã chuyển nhượng lại một mảnh đất cho gia đình bà Chí làm nhà. Thời điểm chuyển nhượng có chính quyền xã Yên Hoa và cán bộ địa chính xã đo đạc, sau khi hoàn thành xong các thủ tục, gia đình đã hoàn thành đầy đủ thuế đất đai hàng năm theo quy định của pháp luật.

Năm 2002, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thực hiện kế hoạch xây dựng thủy điện Tuyên Quang, gia đình bà Chí lúc đó vui vẻ chấp thuận để Ban di dân, tái định cư kiểm kê tài sản. Do chủ động di rời để ở tạm trước tiến độ, gia đình bà Chí lúc này được chính quyền địa phương thưởng nóng 4 triệu đồng, sau đó hỗ trợ tài sản là vật kiến trúc trên mặt đất 14 triệu đồng cho gia đình bà.

Năm 2006, thủy điện Tuyên Quang đóng điện, mực nước lòng hồ dâng và nhấn chìm nhà, đất ở của gia đình bà Chí (đất và nhà bà Chí hiện nằm dưới cột mốc 120). Thời điểm này, lãnh đạo xã Yên Hoa và huyện Na Hang không đưa danh sách gia đình bà Chí vào diện được bố trí đất ở hoặc đền bù về đất ở khiến gia đình lao đao, rơi vào khó khăn chồng chất.

Lý giải với công dân về vấn đề này, ngày 17/10/2019, UBND xã Yên Hoa đã có văn bản báo cáo với UBND huyện Na Hang cho rằng gia đình bà Chí không có nhà ở, không có tạm trú, chỉ có chồng bà ở nhờ nhà học sinh một năm nên không bố trí đất ở mới cho gia đình bà Chí. Văn bản này trái ngược với tờ xác minh số 124 ngày 5/7/2009 của Công an xã Yên Hoa thể hiện gia đình bà Chí đã có tạm trú tại xã Yên Hoa từ năm 1998.

Theo bà Chí, bà đã mang đơn đi đòi quyền lợi khắp nơi nhưng các cơ quan liên quan đều đùn đẩy trách nhiệm và không giải quyết đơn thư của gia đình.

Lao đao vì… không được bố trí đất ở

Cũng phản ánh về những khuất tất trong việc bố trí đất đai, đền bù của thủy điện Tuyên Quang ông Vũ Đình Lợi, trú tại thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang cho rằng, năm 2001, gia đình ông đã mua mảnh đất và căn nhà tại thôn Bản Chợ.

Năm 2002, Ban di dân, tái định cư của địa phương đến kiểm kê tài sản, gia đình ông cũng hồ hởi ủng hộ, sau đó Ban đã đền bù cho gia đình ông gần 14 triệu, nhưng không bố trí nơi ở mới như những hộ khác với lí do: “nhà ông Lợi có tạm trú trên cốt 120 nên không ảnh hưởng gì đến cuộc sống, sinh hoạt”.

Ông Lợi cho biết: “Bất cập ở chỗ thời gian qua nhiều hộ dân cũng nằm trên cốt 120, thậm chí còn có nhà cao hơn đất của gia đình nhà tôi lại được bố trí đất ở mới và nhận được tiền đền bù”.

Nhiều hộ có đất ở ngay cạnh nhau, cùng nằm phía trên cách lòng vài mét nhưng có hộ được đền bù hoặc bố trí đất ở nhưng có hộ không.

Cùng thể hiện thái độ bức xúc trước những bất cập của công tác di dân của địa phương, bà Ma Thị Thực, trú tại thôn Bản Chợ cũng trình bày từ năm 2000 bà đã được điều động công tác (lúc đó là công nhân lâm trường huyện Na Hang) tại xã Yên Hoa. Do khu nhà tập thể chật hẹp, gia đình bà đã nhận chuyển nhượng 139,7m2 đất từ hộ gia đình bà Bế Thị Thiên để làm nhà ở ổn định.

Trong quá trình rà soát, kiểm kê Ban di dân, tái định cư của huyện Na Hang chỉ đền bù gia đình bà với số tiền tổng cộng là 17 triệu đồng. Còn về việc bố trí nơi ở mới cũng như hỗ trợ mua đất để gia đình bà Thực ổn định cuộc sống thì bị địa phương từ chối lập danh sách trình cấp trên với lí do gia đình bà chỉ là hộ tạm trú.

“Kể từ khi đến làm công nhân và mua đất ở thôn Bản Chợ, gia đình tôi không hề có nơi ở nào khác, nhưng gia đình nhiều lần đề nghị xã Yên Hoa công nhận gia đình tôi là hộ thường trú tại địa phương thì đều bị khức từ và lấy lí do ấy để không bố trí cho gia đình tôi đến nơi ở mới. Hiện mực nước lòng hồ đã gần ngập đến nhà, tôi một mình sống neo đơn nhưng không được quan tâm”, bà Thực chia sẻ.

Trước thực tế trên, phóng viên Pháp luật Plus đã liên hệ làm việc với UBND huyện Na Hang để có thông tin khách quan đến bạn đọc. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Na Hang cho biết, ngày 20/11/2020 huyện Na Hang đã có văn bản gửi các cơ quan Thanh tra, Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ban Di dân, tái định cư, UBND xã Yên Hoa…Yêu cầu các đơn vị này xử lý đơn thư của người dân.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật.

Phàn Giào Họ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/khuat-tat-trong-viec-ho-tro-cac-ho-dan-bi-anh-huong-boi-long-ho-thuy-dien-tuyen-quang-d142396.html