Khúc mắc của DN dệt may khi mua nguyên liệu trong nước đắt đỏ hơn nhập khẩu

Vừa nộp thuế Giá trị gia tăng, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, tính trung bình doanh nghiệp ngành dệt may phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước. Trong khi đó, việc khó tiếp cận vốn vay càng nảy sinh thêm khúc mắc khiến cho nguồn cung nguyên liệu nội địa càng trở nên hạn hẹp và đắt đỏ hơn so với nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.

Nói về bất cập trong việc sử dụng nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa trong ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết hiện nay nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu (NK) làm hàng gia công thì được miễn thuế NK, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu (XK) thì vừa nộp thuế Giá trị gia tăng (VAT), vừa phải chuẩn bị cả thuế NK của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ XK mới được hoàn.

Bất lợi từ khâu chính sách thuế cho đến vốn vay

“Như vậy, trung bình doanh nghiệp (DN) phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước”, ông Trường lưu ý.

Ngoài ra, nửa đầu năm 2022, tín dụng tăng trưởng tốt, lên tới 9,3%, bình quân 1 tháng tăng trên 1.5%, vay được vốn để làm FOB (công ty sẽ chủ động trong quá trình sản xuất, tự chủ nguyên liệu đầu vào, từ việc mua nguyên liệu cho tới ra sản phẩm cuối cùng - PV), thì DN dệt may sẵn sàng làm.

Nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc không ngừng nhập vào Việt Nam khi mà trung bình DN phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Nguồn nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc không ngừng nhập vào Việt Nam khi mà trung bình DN phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Thế nhưng, theo vị chủ tịch của Vinatex, trong 2 tháng (tháng 7 và tháng 8/2022), tăng trưởng tín dụng chỉ tăng bình quân 0.3%/tháng, tương đương khoảng 20% các tháng đầu năm, DN tiếp cận vốn rất khó. Cho nên đã có hiện tượng có đơn hàng FOB mà phải chấp nhận làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu.

Vì thế, có nghĩa là sẽ làm cho một loạt các DN sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng, ngành dệt may không tăng được giá trị gia tăng.

Từ thực tế này, ông Trường đề nghị nên giải quyết cả 2 hướng. Thứ nhất là mua hàng trong nước để làm XK thì hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế NK để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Thứ hai là đối với những ngành hàng vẫn có đơn hàng thì room (hạn mức cho vay của ngân hàng - PV) tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để DN có thể duy trì sản xuất kinh doanh, trong khi hiện nay tất cả khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày trước đây lên 120 đến 150 ngày.

“Riêng chuyện giãn thời gian đã làm cho nhu cầu vốn lưu động tăng lên, chưa kể chúng ta muốn làm FOB nhiều, vốn lưu động tăng nhưng room lại không có khiến DN rất hạn chế năng lực và cơ hội sản xuất kinh doanh”, ông Trường bày tỏ mối băn khoăn.

Từ chia sẻ nêu trên có thể thấy nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa trong ngành dệt may đang gặp bất lợi lớn từ khâu chính sách thuế và khúc mắc về tín dụng, không khác gì “lấy đá ghè chân mình”, khó tránh chuyện các DN dệt may NK nguyên phụ liệu từ bên ngoài.

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM, nhiều DN trong ngành nói rằng họ không xin quá nhiều về chính sách giảm thuế mà chỉ cần cơ chế thông thoáng hơn trong vấn đề vay vốn. Bởi lẽ, có thông thoáng hơn trong chuyện vốn vay thì các DN nội địa mới có được nguồn vốn lớn để đầu tư sản xuất nguyên liệu, nhất là đầu tư mới.

Khó tránh nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc

Trong chính sách ưu đãi tín dụng, trao đổi với VnBusiness , chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết đang có tình trạng một số DN có nhu cầu vay vốn mà lại không dám vay. Họ nghĩ rằng vay vốn ưu đãi thì về sau sẽ bị thanh kiểm tra chặt chẽ hơn. Cho nên, dù room có nới và lãi suất có giảm nhưng tốc độ giải ngân cũng chậm theo.

“Hy vọng là tốc độ giải ngân gói hỗ trợ vốn vay ưu đãi sẽ cao lên, còn hiện tại vẫn còn chậm vì lý do e ngại của một số DN. Và phía DN cũng muốn bảo toàn năng lực của họ nên không dám vay nhiều hơn để tạo ra lượng hàng nhiều hơn để bán. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có những DN có nhu cầu vốn khá lớn, thậm chí là 50 - 50, tức 50% là vốn tự có, còn 50% là vốn vay ngân hàng khi đủ tài sản thế chấp và đủ điều kiện để đi vay”, ông Dũng chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, một số DN sản xuất nguyên phụ liệu đang thăm dò trong chuỗi kinh doanh của họ vốn chưa thật sự bảo đảm chắc chắn vì các hợp đồng ở trong nước cũng chỉ ở một chu kỳ nhất định (chẳng hạn như hợp đồng cung ứng cho 6 tháng cuối năm). Vì thế mà không ít DN không mặn mà với gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi.

Chính vì vậy, khi bàn về khúc mắc mua nguyên liệu trong nước lại bất lợi hơn so với nguyên liệu NK sẽ thấy điều khó tránh khỏi là việc NK nguyên liệu từ đầu năm 2022 đến nay không ngừng gia tăng. Điển hình như Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với kim ngạch ước đạt 81,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng hóa nhập từ TQ chủ yếu là nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất như máy móc, thiết bị, điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện, phụ tùng ô tô; phân bón các loại…

Lý giải một phần nguyên nhân vẫn phụ thuộc NK nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thay cho nguồn cung nội địa, giới phân tích cho rằng đó là nhờ sự trợ cấp khuyến khích sản xuất và XK của chính phủ nước này.

Chẳng hạn như về tín dụng, trong tháng 9/2022 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thông báo sẽ triển khai thêm gói ngân sách quy mô lớn để hỗ trợ kinh tế và đầu tư. Cụ thể là gói ngân sách trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 28,7 tỷ USD, sẽ được phân bổ đến các ngân hàng thương mại và dành riêng cho các khoản vay DN của họ.

Thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, PBOC sẽ bơm vốn cho các DN sản xuất kinh doanh với lãi suất tối đa 3,2%/năm (chương trình sẽ kéo dài trong 1 năm và có thể gia hạn 2 lần). Đáng chú ý, Chính phủ Trung Quốc sẽ hỗ trợ 2,5% lãi suất của khoản vay, qua đó giảm đáng kể gánh nặng chi phí vay vốn cho DN.

Có thể thấy đó cũng là điều để những nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm để có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, để thúc đẩy các DN tiêu thụ nguồn nguyên phụ liệu trong nước thay vì chăm chăm NK nguyên liệu, hàng hóa của Trung Quốc như hiện giờ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khuc-mac-cua-dn-det-may-khi-mua-nguyen-lieu-trong-nuoc-dat-do-hon-nhap-khau-1088205.html