Khúc Xuân thi - Khúc tâm tình của một cánh hoa mềm mại ngát hương thầm

Xin trân trọng giới thiệu tập thơ 'Khúc xuân thì' của Ngô Thị Kim Dung (Nxb. Hội Nhà văn, 2018).

“Khúc xuân thì” là tập thơ đầu tay của Ngô Thị Kim Dung, một cô giáo Tiểu học yêu nghề và yêu thơ say đắm. Cô là hội viên Câu lạc bộ Xứ Đoài Sơn Tây và hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam. Thơ của cô đã được chọn in vào một số tuyển thơ và đăng tải trên các báo và tạp chí Trung ương và địa phương. Ở tập thơ này, cô chỉ chọn lựa 63 bài thơ trong số hàng trăm bài thơ cô đã viết trong những năm qua, với ý nguyện bước đầu chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình với bạn bè, với các thầy cô giáo và người thân của mình, hy vọng nhận được sự đồng tình đồng cảm, để lắng nghe và học hỏi, sửa chữa hoàn chỉnh những bài thơ còn lại, có thể sẽ cho ra đời những tập thơ tiếp sau.

Ảnh tác giả

Ngô Thị Kim Dung.

Trước hết phải thừa nhận rằng, “Khúc xuân thì” của Kim Dung quả thực là khúc tâm tình của một “cánh hoa mềm mại” luôn luôn tỏa “ngát hương thầm”. Đọc 63 bài thơ trong tập thơ này của cô đã cho tôi một sự cảm nhận như thế. Bởi ngay ở bài “Khúc xuân thì” được chọn làm tựa đề cho cả tập thơ, Ngô Thị Kim Dung đã “nhỏ nhẹ” khiêm nhường bày tỏ niềm mong ước khát khao của mình gửi gắm vào thi ca:

Cánh hoa em mềm mại ngát hương thầmChỉ nhỏ nhẹ ngọt ngào làn hương tỏa…

Thật vậy, niềm mong ước khát khao đó đã được Kim Dung thổ lộ, giãi bày lúc nhẹ nhàng lúc mãnh liệt đầy nữ tính trong những khoảnh khắc, những lát cắt cuộc đời, và cả những góc khuất thầm kín của một người nặng lòng với sự nghiệp “Trồng người”. Đó chính là niềm yêu thương sâu đằm ngưng lắng tận đáy lòng không thể kìm nén đối với người cha đã khuất. “Chữ Hiếu con dâng” là tiếng khóc thương da diết của một người con hiếu thảo:

Con khóc thương cha hàng cau già cũng khócTháng năm bộn bề bỗng chốc hóa hư khôngÁnh mắt yêu thương giờ ngưng lại trong lòngDâng chén rượu thơm ba tuần cha xa vắng.

Bởi người cha kính yêu đó cũng là một nhà giáo mà bây giờ cô là người con kế nghiệp như lúc sinh thời ông hằng mong ước:

Cả một cuộc đời vì sự nghiệp tương laiCha ươm cấy nhân tài cho đất nướcKế nghiệp đó ngày nay con cũng đượcNgười lái đò mơ ước thỏa chờ mong.Trước di ảnh của cha, cô thầm nguyện hứa:Chữ Đức, chữ Tâm cha thường nhắc nhở Nguyện trọn đời con sẽ tạc lòng ghi.

Dù sự nghiệp “Trồng người” vinh quang giờ đây đang có những bất cập, sa sút nghiêm trọng, ẩn giấu những hiểm họa khôn lường trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường thời mở cửa hội nhập, với đội ngũ những thầy cô giáo có tâm nguyện như thế, yêu người yêu nghề như thế, ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào sự nghiệp giáo dục tương lai!.

Tôi thực sự vui với niềm vui của cô giáo trẻ mới bước vào nghề “Chắp cánh trên ngàn con sóng gợn”, khi đón “Bầy em thơ cắp sách tời trường làng”, thỏa niềm mơ ước chờ mong:

Nâng niu đón những mầm non mới héTô ước mơ xanh muôn vẻ để dâng đời…

Và thế là từ đó, cô say mê “Dạy từng chữ”, “Chăm lo/ đàn trẻ từng giờ/ Đưa thuyền cập bến giấc mơ vẹn tròn”, để “Dệt tâm hồn”cho các em thơ hồn nhiên trong trắng, góp phần nhỏ bé đào tạo thế hệ tương lai, những người kế tục sự nghiệp của cha ông xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cô chân thành thổ lộ niềm hạnh phúc và tự hào đó đối với công việc của mình:

Bao ngày tháng bắc cầu nối dảiNghiệp lái đò ta mãi say sưaNiềm thương biết mấy cho vừaƯơm mầm hạnh phúc nắng mưa mọi nhà…

Đặc biệt, đọc “Khúc xuần thì” của Ngô Thị Kim Dung, không thể không cảm nhận niềm khát khao một tình yêu nồng đượm nhân tình của một trái tim luôn dâng đầy khát vọng yêu đương say đắm, hướng tới viên mãn.Đó là tình yêu tha thiết của một cô gái đối với một anh “Bộ đội Cụ Hồ”:Em cứ đợi trôi mỗi ngày mà đếm

Nơi chiến trường ta hẹn đón niềm vui.Và:Theo anh suốt con đường dù mưa nắngVẹn niềm tin chiến thắng anh về.

Sự chờ đợi đó sáng bừng trong ước mơ hạnh phúc:

Ngày anh về phố nhỏ ngập ngàn hoaXuân hạnh phúc ngôi nhà vang tiếng trẻVòng tay chặt cùng nụ cười khe khẽẤm tình anh cho hé nở hương tình.

Nhưng chiến tranh là chiến tranh, trong sự tàn phá và hủy diệt khốc liệt của nó, anh đã không về, mà có về cũng chỉ là về “Thắp một ban mai/ Thắp xanh vuông đất chờ ngoài nghĩa trang” như một nhà thơ đã viết. Người thiếu nữ xinh tươi trẻ trung ngày nào khi mùa xuân đến “Đỏ hồng môi thắm đón mùa hạ xưa/ Áo chờ khuất nẻo đường trưa/ Cuốn về lối rẽ rèm thưa đón người”, rồi mùa xuân trôi đi “Cuối mùa nắng rọi bên song/ Để ai níu lại xuân lòng ưu tư”, với những dự cảm “Thuyền cong chảy cuối sông dài” và “Trăng treo rớt nửa hững hờ”, bây giờ đã trở thành một thiếu phụ, một cô phụ đơn côi. Những ký ức xưa ùa về trong nhung nhớ. Thơ của Kim Dung thật da diết, làm xao động lòng người. Với người thiếu phụ ấy, đây là tháng Ba với một tình yêu đã thành quá vãng “Mỏng cánh hoa xoan bay ấm trời nắng tỏa/ Trắng rụng vườn lã chã bưởi tràn hương” và “Hẹn ước trầu vôi áo hồng bay đầy ngõ/ Hẹn ước trao nhau ấm ngọt bến thuyền/ Tình đẫm yêu thương trọn đời đằm thắm”.Và đây nữa, là tháng Ba với những kỷ niệm êm đềm “Đỏ bung quãng nhớ ai ngồi/ Chạm miền ký ức để vơi nỗi niềm” trong “Mộc miên thắm đỏ thương chờ”, hoa gạo bừng lên dâng nỗi nhớ cháy lòng. Bởi cái “quãng nhớ ai ngồi”đó đã từng “Hẹn non để bến thương thuyền”, xôn xao “Khăn hồng áo đỏ rèm thưa/ Ghé nghiêng lối nhỏ nhắn vừa câu duyên”.Trong ký ức ấy, nỗi nhớ trào dâng ấy, thiếu phụ còn đang tuổi xuân thì không chịu gục ngã, khuất phục trước trớ trêu của tạo hóa, của cuộc đời. Và nàng đã gắng gỏi vươn dậy, chờ trông một tình yêu, hy vọng một hạnh phúc sẽ đến với mình.

Không chỉ thế, “Khúc xuân thì” còn là khúc khát khao của một người con gái Xứ Đoài với những gọi mời tha thiết:

Anh có về quê mẹ với em không…Nơi Thành Cổ êm đềm khúc nhạcXứ Đoài đó ngọt mềm câu hátSơn Tinh kiên cường chiến thắng Thủy Tinh.

Đó là nơi “Sông Đà in núi Tản lung linh”, “Đất hào kiệt muôn đời lưu mãi” và “Sông Tích, sông Đà tre ngà nghiêng bóng… Đất hai vua tỏa sáng non ngàn”, với tấm lòng rộng mở “Miền mây trắng thủy chung mong đợi”.

Và, cũng không chỉ có thế, “Khúc xuần thì”còn là khúc ca về một “Lối thu xưa” của một người con gái gắn bó cuộc đời mình với cố đô Hà Nội thân thương bao ân tình sâu lắng không bao giờ mờ phai “Hồ Tây sáng êm đềm hàng liễu rủ/ Trúc Bạch chiều cồn cào con sóng thở/ Đường Cổ Ngư lảnh lót tiếng còi xe”, để từ đó mở ra những khát vọng:

Sợi sợi thu…hong nắng đẹp phố phườngLời hẹn ước thơm lừng trong hương cốmLá sen gói bao điều anh ngắm trộmMuốn mở xem…môi chạm bờ môi…

Giờ đây, khi đã thấm nỗi nghề, nỗi đời, từ người con gái trở thành một thiếu phụ - một “Cánh hoa mềm mại ngát hương thầm”, trong “Đêm tàn/ đón ánh bình minh/ Hé cười vội vã ngắm hình nghiêng trôi” và trong kỷ niệm xưa sống dậy “Em vẫn thầy đôi mắt anh cháy bỏng/ Đốt chiều thu hơ nóng má em hồng”, “Cánh hoa” ấy như lại hồi sinh, lại khát khao đón đợi:

Nghiêng nắng sớm đẩy cửa còn bỏ ngỏDấu yêu à, anh có hiều lòng em?Khi cô giáo ấy, người thơ ấy vẫn đang:Đợi ai ở cuối con đườngCung trỗi thăng trầm chín bậc.

Ai sẽ đến với “cánh hoa” đó? Đấng mày râu nào sẽ “đẩy cửa còn bỏ ngỏ” đó? Có lẽ chỉ cô giáo ấy, người thơ ấy biết mà thôi!

Khoan hãy nói đến nghệ thuật thi ca, đến thi pháp, thi tứ, thi ảnh…, với một cô giáo ấp ủ mơ ước bao ngày nay cho ra đời đứa con tinh thần đầu lòng của mình, chúng ta hãy chia sẻ cùng cô với tầm lòng ưu ái và chân thành mong cô có những bước tiến mới trên hành trình thơ ca mà mình ham thích, nhất là sau khi cô vừa tham dự Lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 12 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu “Khúc xuân thì” của Ngô Thị Kim Dung cùng bạn đọc!

Phố Vương Thừa – Hà NộiTháng 9-2018Q.H.

Nhà thơ Quang Hoài

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khuc-xuan-thi--khuc-tam-tinh-cua-mot-canh-hoa-mem-mai-ngat-huong-tham-63894