Khủng bố - Nỗi ám ảnh chưa dứt

Vụ khủng bố tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow cuối tuần qua khiến cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ, tiếp tục rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về chủ nghĩa khủng bố ngày càng lan rộng.

Lực lượng an ninh Nga bên ngoài trung tâm thương mại Crocus City, nơi vụ tấn công xảy ra. (Nguồn: Reuters)

Khoảng 8 giờ tối ngày 22/3, bốn kẻ khủng bố đã dùng súng máy bắn thẳng vào những người đang tiến vào Nhà hát để thưởng thức buổi biểu diễn của nhóm nhạc rock Picnic khá tên tuổi từ thời Liên Xô cũ.

13 phút, 137 người thiệt mạng

Vụ xả súng kéo dài trong vòng 13 phút. Trước khi rời đi chúng đã tưới các chai bom xăng (cocktail Molotov) nhằm thiêu rụi nhà hát và gây thêm thương vong. Theo nhà chức trách, khoảng 6.200 khán giả đang có mặt tại Trung tâm biểu diễn khi vụ khủng bố diễn ra, đa số là những người trung tuổi.

Theo số liệu mới nhất của Ủy ban điều tra Liên bang Nga, đến ngày 26/3, có 139 người thiệt mạng, trong đó có ba trẻ em. Trong số này, có 137 người chết tại hiện trường vụ tấn công, hai người trong bệnh viện. Ngoài ra, hơn 180 người bị thương, trong đó có 9 người (gồm 1 trẻ em) trong tình trạng nguy kịch.

Bốn thủ phạm quốc tịch Tajikistan bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ ngay sáng 23/3 trên đường chạy trốn tại vùng Bryansk, gần biên giới với Ukraine cách Moscow 400 km. Ngoài ra, 11 đồng phạm bị an ninh Nga bắt giữa những ngày tiếp theo.

Vụ xả súng ở Nhà hát Crocus City Hall là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại nước Nga trong vòng 20 năm qua, sau vụ bắt giữ con tin tại Nhà hát Dubrovka ở Moscow tháng 10/2002 khiến 170 người chết, trong số đó có 40 kẻ khủng bố và vụ tấn công vào trường học ở thị trấn Beslan, Bắc Ossetia trong ngày khai giảng năm học 1/9/2004 làm 334 con tin thiệt mạng, trong đó có 183 trẻ em.

Thế giới chia buồn

Ngay sau vụ việc, các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Pháp, Mỹ… đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo và người dân Nga, lên án chủ nghĩa khủng bố, bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Nga, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Moscow.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án mạnh mẽ vụ tấn công trong khi Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định “chủ nghĩa khủng bố là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hòa bình và an ninh quốc tế” và “các thủ phạm, những kẻ tổ chức, tài trợ cho hành động khủng bố ghê tởm này phải chịu trách nhiệm và phải bị đưa ra trước công lý”.

Ngay sau vụ tấn công, ngày 23/3, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gửi điện chia buồn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện chia buồn đến những người đồng cấp LB Nga, đồng thời lên án mạnh mẽ hành vi tấn công khủng bố dưới mọi hình thức.

Truy tìm thủ phạm

Một ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trên truyền hình khẳng định, đây là vụ giết người hàng loạt có tổ chức nhằm vào những dân thường không có khả năng tự vệ. Nhà lãnh đạo Nga cam kết sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ khủng bố gây ra vụ thảm sát kinh hoàng nhắm vào những người dân vô tội. Ông Putin đồng thời cho biết, những kẻ tấn công hướng về phía Ukraine trên đường chạy trốn và “một cánh cửa mở sẵn bên kia biên giới Ukraine để chờ đón những kẻ này”.

Trước đó, ngay sau khi vụ tấn công, một nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm một cách khá nhanh chóng. Theo tờ New York Times, từ những thông tin tình báo mà Mỹ thu thập được, rất có thể nhóm Nhà nước Hồi giáo-Khorasan (IS-K) ở Afghanistan là thủ phạm đứng đằng sau vụ việc.

Các nước phương Tây đều cho rằng, chính Nhóm Hồi giáo cực đoan này là thủ phạm gây ra vụ việc chứ Ukraine không liên quan.

Ngày 24/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói với truyền thông rằng, “không có bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan của Ukraine. Theo những gì chúng tôi biết, IS-K sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những gì đã xảy ra”. Bà Harris cũng lưu ý, trước vụ tấn công, Washington đã chia sẻ thông tin về âm mưu này với Moscow.

Giống như Mỹ, các đại diện của Liên minh châu Âu có những phát biểu với nội dung tương tự về việc ai phải chịu trách nhiệm. Ông Peter Stano, đại diện chính thức của bộ phận chính sách đối ngoại EU bác bỏ cáo buộc nhằm vào Ukraine và nói rằng không có bằng chứng cho thấy Kiev có liên quan đến vụ tấn công. Về phía Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky phủ nhận ám chỉ của Moscow và tuyên bố Ukraine không liên quan đến vụ tấn công tàn bạo này.

Trong khi đó, sau các cuộc thẩm vấn những kẻ tấn công và điều tra, ngày 25/3, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, “những kẻ Hồi giáo cực đoan” đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng, vụ việc có thể là một mắt xích trong một loạt âm mưu của những kẻ chống lại nước Nga kể từ năm 2014 và có thể có “những kẻ đã đặt hàng” mới thực sự đứng sau vụ việc. Tổng thống Putin khẳng định, sẽ tìm ra và trừng phạt đích đáng thủ phạm đồng thời cũng yêu cầu các cơ quan chức năng Nga phải tiến hành điều tra khách quan.

Liệu IS-K có thực sự là chủ mưu đến nay vẫn chưa được xác định. Hiện các cơ quan chức năng của Nga đang tích cực điều tra. Có điều chắc chắn rằng, chủ nghĩa khủng bố và các xung đột đang làm cho thế giới mất an toàn trầm trọng.

Tùng Lâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-bo-noi-am-anh-chua-dut-265812.html