Khủng hoảng báo in không loại trừ ai, kể cả 'Vương quốc hạnh phúc' như Bhutan

Giảm số lượng phát hành và đóng cửa tòa soạn báo in là một xu hướng toàn cầu. Kịch bản này đang diễn ra tương tự ở Bhutan, quốc gia được mệnh danh là 'Vương quốc hạnh phúc'.

Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan truyền thông thông tin (BICMA) của Bhutan, số lượng bản in đã giảm hơn 50% trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2018. Quốc gia Nam Á này có 12 cơ quan báo in vào năm 2012 thì nay, 5 tòa soạn đã đóng cửa và mới nhất là tuyên bố ngừng hoạt động của tờ Gyalchi Sarshog (tháng 5/2019).

Số lượng bản in của các tờ báo Bhutan giảm 50% trong vòng 5 năm. (Nguồn: Kuensel)

Ngành công nghiệp non trẻ

Năm 1967, tờ Kuensel bắt đầu hoạt động như một bản tin của Chính phủ trước khi được cải tiến vào năm 1986 và xuất bản hàng tuần với tư cách là tờ báo duy nhất của cả nước. Kuensel vẫn là tờ báo duy nhất cho đến năm 2006 với sự ra đời của hai tờ báo tư nhân là Bhutan TimesBhutan Observer.

Năm 2008, Bhutan Today, nhật báo thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên bằng tiếng Anh ra mắt, tiếp theo là Business Bhutan vào cuối năm 2009.

Trái ngược với xu hướng toàn cầu, đất nước nhỏ bé này tiếp tục chứng kiến sự gia tăng số lượng báo in, từ 4 tờ báo năm 2008 lên đến 12 tờ báo năm 2012.

Tuy nhiên, theo báo cáo trên của BICMA, việc Chính phủ xây dựng dự thảo hướng dẫn quảng cáo năm 2012 và cắt giảm chi tiêu dành cho quảng cáo (năm 2013 giảm 32% so với năm 2012) đã đảo ngược xu hướng này với việc đóng cửa một số tờ báo.

Tính đến năm 2018, quốc gia hơn 800.000 dân chỉ còn 7 tờ báo được cấp phép.

Sự suy thoái tất yếu

Ngoài việc giảm doanh thu quảng cáo từ Chính phủ, việc gia tăng sử dụng công nghệ di động, thâm nhập dữ liệu di động cao, truy cập miễn phí nội dung trực tuyến và thay đổi nhân khẩu học của người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến doanh số bán báo.

Với hành vi thay đổi, người tiêu dùng đòi hỏi tin tức nhanh và miễn phí. Báo cáo chỉ rõ, phần lớn độc giả dựa vào các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau như WeChat và Facebook để đọc tin tức.

Mới được chính thức sử dụng ở Bhutan từ năm 1999, truyền hình đang thách thức sự tồn tại của báo in. (Nguồn: Ideas Ranking)

Sự phổ biến của truyền hình và đài phát thanh, vẫn là những nguồn tin tức và giải trí đáng tin cậy nhất cho người dân nông thôn, cũng mang đến những thách thức mới cho ngành công nghiệp báo in.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả, hầu hết các tờ báo đều thúc đẩy doanh số thông qua bản điện tử. Tuy nhiên, điều này lại phản tác dụng. Các bản sao dưới dạng PDF của các tờ báo được chia sẻ tự do trên các nền tảng truyền thông xã hội đã ảnh hưởng đến doanh số và phát hành báo chí.

Khó vẫn hoàn… khó

Nhận thấy xu hướng toàn cầu về “cái chết của báo in”, Chính phủ Bhutan trong những năm qua đã trợ cấp in ấn cho các cơ quan báo chí, tổ chức các tọa đàm và chương trình đào tạo để cải thiện chất lượng báo chí cũng như giá trị tin tức.

Nhiều người dân Bhutan vẫn thường đọc tin qua mạng xã hội như WeChat và Facebook. (Nguồn: The Hindu)

Tuy nhiên, những sáng kiến này đã phải đối mặt với một thách thức khác là phải phủ sóng báo in trong tất cả 20 huyện (dzongkhag). Theo báo cáo, yêu cầu này đã được đưa ra mà không tính đến việc thiếu độc giả ở các khu vực khác nhau, điều này ảnh hưởng xấu đến sự bền vững của báo chí.

Hiện nay, The Bhutanese là tờ báo duy nhất hiện diện ở toàn bộ 20 huyện trong khi tờ báo lớn nhất là Kuensel vẫn chỉ mới đến được 18 huyện. 5 tờ báo khác là Bhutan Times, Bhutan Today, The Journalist, Business BhutanGyalchi Sarshog mới phủ sóng được khoảng 7 huyện.

Tại Bhutan, Kuensel là tờ báo lớn nhất với 3.000 bản tiếng Anh và 600 bản tiếng Dzonkha mỗi ngày. Trong năm 2018, Kuensel đã in và phát hành 1.132.916 bản trong khi 6 tờ báo tư nhân in khoảng 60.000 bản và chỉ phát hành khoảng 49.002 đến 57.000 bản.

Hồng Phúc

(theo Kuensel)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-bao-in-khong-loai-tru-ai-ke-ca-vuong-quoc-hanh-phuc-nhu-bhutan-102290.html