'Khủng hoảng Boeing' và những bài học đắt giá

Thảm họa liên tiếp xảy ra với Boeing 737 MAX đã làm lung lay danh tiếng hơn 100 năm của Tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng của Mỹ.

Thảm họa liên tiếp đã làm lung lay danh tiếng của Tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng Boeing

Thảm họa liên tiếp đã làm lung lay danh tiếng của Tập đoàn chế tạo máy bay nổi tiếng Boeing

Cuộc khủng hoảng hiện tại của Boeing đến từ hai tai nạn thảm khốc gần đây củadòng máy bay phản lực 737 Max, dẫn đến việc tất cả 371 máy bay phản lực của Boeing trên toàn thế giới không được phép cất cánh.

Tháng 10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Indonesia Lion Air chở 189 người lao xuống biển chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Chưa đầy 5 tháng sau, thảm kịch với dòng 737 MAX lặp lại khi chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines khi máy bay bổ nhào sau 6 phút rời mặt đất vào ngày 10/3.

Danh tiếng hơn 100 năm của Tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ Boeing gần như đã sụp đổ sau hai tai nạn nghiêm trọng này. Việc chỉ trong vòng 3 ngày có hơn 40 nước quyết định ngừng khai thác Boeing 737 MAX, thực sự là đòn giáng mạnh vào uy tín của Boeing, đẩy “gã không lồ” trong ngành máy bay rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.

Ước tính gần 75% trong tổng số 371 máy bay 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới tạm "đắp chiếu". Giá cổ phiếu của Boeing giảm hơn 11%, khiến gần 27 tỷ USD giá trị thị trường của hãng bị "bốc hơi" chỉ trong 2 ngày.

Các chuyên gia đánh giá về vấn đề này đều cho rằng, với những doanh nghiệp đang hướng tới việc tự động hóa, có một điểm cần được đặt lên hàng đầu trước khi tiến hành sản xuất là hãy thực sự nghĩ về những rủi ro trước khi tiến hành tự động hóa, đặc biệt là trong ngành hàng không.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định, nhưng có bằng chứng cho thấy các phi công lái máy bay này cũng chưa sẵn sàng đối phó với một hệ thống an toàn tự động được thiết kế để ngăn chặn nguy cơ chết máy.

Cụ thể, các sự cố có thể có liên quan đến hệ thống lái tự động mới, được gọi là Hệ thống tăng cường các tính năng điều khiên (MCAS). Boeing đang bị cáo buộc rằng họ đã không thông báo chính xác cho các hãng hàng không và đào tạo phi công về MCAS.

“Xu hướng tự động hóa trong ngành hàng không sẽ không biến mất. Thậm chí, điều này đang được thúc đẩy một phần bởi sự thiếu hụt phi công tại Mỹ và ở nhiều thị trường mới nổi khi nhu cầu bùng nổ về du lịch hàng không vượt xa số lượng phi công có trình độ", chuyên gia Ken Herbert thuộc hãng phân tích thị trường Canaccord cho biết.

Nhiều công ty đang tiến xa hơn theo hướng này, bao gồm cả Uber Elevate khi hợp tác với Boeing để thiết kế taxi bay tự lái. Chuyên gia này cũng nói thêm, hãy xem xét việc kinh doanh khi đầu tư vào tự động hóa.

Liệu các doanh nghiệp có thực sự bao quát hết được các nhược điểm tiềm tàng khi hoàn toàn tin tưởng vào thiết bị thông minh và chuẩn bị đầy đủ những biện pháp bảo vệ an toàn? Do đó, vẫn cần có sự kiểm soát của con người đào tạo phi công có kinh nghiệm để phản ứng nhanh hơn với các sự cố.

Ước tính gần 75% trong tổng số 371 máy bay 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới tạm "đắp chiếu".

Bên cạnh đó, qua câu chuyện của Boeing, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần học cách xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả qua việc học hỏi từ những sai lầm. Khi doanh nghiệp của bạn là nguyên nhân của vấn đề, bạn nên có một kế hoạch xử lý khủng hoảng vững chắc.

Boeing có thể nghiên cứu và học hỏi các tập đoàn lớn trên thế giới trong việc phục hồi khá nhanh từ các sự cố thông qua việc xử lý khủng hoảng một cách nhanh chóng và quyết đoán cùng sự lãnh đạo mạnh mẽ từ CEO, như cách Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson trong vụ kiện Tylenol cổ điển có xyanua từ năm 1982 và cách Giám đốc điều hành Starbucks, Kevin Johnson xử lý vụ bê bối phân biệt chủng tộc của Starbucks gần đây.

Thậm chí, KFC đã xoay sở để biến khủng hoảng thành cơ hội thông qua phản ứng bất ngờ của họ đối với việc thiếu gà rán ở Vương quốc Anh. Với công nghệ thông tin và mạng xã hội, khủng hoảng truyền thông sẽ xuất hiện trong nháy mắt nếu không hành động sớm. Theo một nghiên cứu của Adweek, việc các CEO nhận trách nhiệm sớm, kèm theo lời xin lỗi chân thành, không giả tạo là cách để giải quyết khủng hoảng nhanh chóng và để lại ít hậu quả nhất.

Ngay cả khi bản thân doanh nghiệp không trực tiếp gây ra vấn đề, hãy lên kế hoạch đánh giá tác động của vấn đề đó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào. Etopian Airlines và Lion Air rõ ràng đang ở tuyến đầu khi nói đến việc quản lý sau những sự cố này.

Mặc dù hai hãng hàng không này chứng minh sự thật rằng các vụ tai nạn là trục trặc trong khâu sản xuất và Boeing đã có lỗi, vẫn sẽ có những tác động đáng kể đến việc kinh doanh của họ, như câu chuyện đã từng diễn ra với Malaysia Airlines. Uy tín quốc tế của Malaysia Airlines đã bị sụt giảm thảm hại sau 2 thảm họa hàng không liên tiếp vào năm 2014: vụ việc MH370 biến mất một cách bí ẩn và MH17 bị bắn hạ ở Ukraine.

"Điều tồi tệ nhất hoàn toàn có thể xảy ra và có thể xảy ra vào ngày mai. Tất cả các doanh nghiệp cần phải xem xét và đánh giá các kế hoạch phản ứng với rủi ro một cách thường xuyên để đảm bảo rằng họ sẵn sàng đối mặt với bất kỳ điều gì nằm ở phía trước", Shem Malmquist, một nhà điều tra vụ tai nạn và giáo sư thỉnh giảng tại Viện Công nghệ Florida cho biết.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/khung-hoang-boeing-va-nhung-bai-hoc-dat-gia-147108.html