Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Ma-li

Liên minh đối lập (M5-RFP) tại Ma-li ngày 19-7 từ chối đề nghị của nhóm hòa giải Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), gồm 15 nước thành viên, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo theo bạo lực khiến ít nhất 11 người chết sau khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối Tổng thống I.Cây-ta. Nhóm hòa giải đã đề nghị Tòa án Hiến pháp Ma-li kiểm tra lại kết quả cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi và đề nghị Tổng thống Cây-ta thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Liên minh đối lập (M5-RFP) tại Ma-li ngày 19-7 từ chối đề nghị của nhóm hòa giải Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS), gồm 15 nước thành viên, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo theo bạo lực khiến ít nhất 11 người chết sau khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối Tổng thống I.Cây-ta. Nhóm hòa giải đã đề nghị Tòa án Hiến pháp Ma-li kiểm tra lại kết quả cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi và đề nghị Tổng thống Cây-ta thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Thủ tướng Ma-li B.Xi-xê trước đó đã xin lỗi vì hành động "thái quá" của các lực lượng an ninh khi họ nổ súng vào người biểu tình. Quốc gia Tây Phi này ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị khi phong trào phản kháng kiên quyết yêu cầu Tổng thống Cây-ta từ chức. Trong khi đó, người phát ngôn của phe đối lập M5-RFP, ông N.Tô-gô cho rằng, ECOWAS đến để hỗ trợ Tổng thống Cây-ta và đe dọa phong trào này. Phe đối lập tuyên bố tiếp tục các hoạt động biểu tình cho tới khi Tổng thống từ chức.

* Xê-nê-gan thông báo sẽ lập một doanh trại quân đội ở khu vực biên giới giáp Ma-li nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ bên kia biên giới. Nguy cơ tội phạm và bạo lực gia tăng ở Ma-li trong bối cảnh lực lượng nổi dậy có thể lợi dụng tình trạng bất ổn ở quốc gia này để tăng cường hoạt động.

* Ðại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ba-ma-cô của Ma-li đã đưa ra một số cảnh báo bổ sung trước mối đe dọa an ninh ở quốc gia Tây Phi. Theo đó, Ðại sứ quán Mỹ thiết lập lệnh giới nghiêm đối với các nhân viên từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hằng ngày. Các nhân viên được khuyến cáo tránh đi lại không cần thiết cho tới khi có thông báo tiếp theo…

* Liên hợp quốc, Liên hiệp châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) và ECOWAS đã lên án việc Chính phủ Ma-li sử dụng vũ lực trong việc đối phó người biểu tình, đồng thời thúc giục thả các nhà lãnh đạo phe đối lập bị giam giữ. Các tổ chức này cũng chỉ trích hành vi phá hoại của người biểu tình Ma-li, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị.

* Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã đưa ra một dự án hỗ trợ theo mùa cho một triệu người ở Ma-li, bao gồm người mất nhà ở, người di cư, tị nạn, các gia đình dễ bị tổn thương, đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn ở Ma-li. Tại nước này liên tiếp xảy ra các vụ tiến công thánh chiến, bạo lực sắc tộc, tham nhũng tràn lan, kinh tế suy thoái và thiếu thốn dịch vụ công thiết yếu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/khung-hoang-chinh-tri-nghiem-trong-tai-ma-li-609383/