Khủng hoảng chính trường Bolivia: Khoảng trống quyền lực nguy hiểm

Bolivia đang đối mặt với tình trạng hỗn loạn nhất trong nhiều thập kỷ qua sau khi Tổng thống người bản xứ đầu tiên, ông Evo Morales phải từ chức và chạy khỏi đất nước sau nhiều tuần biểu tình bạo lực. Những diễn biến này khiến quốc gia Nam Mỹ đang bị rơi vào khoảng trống quyền lực nguy hiểm.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Morales, lâu nhất trong số các nhà lãnh đạo đương nhiệm ở khu vực và lâu nhất Bolivia, đã kết thúc đột ngột vào hôm 10-11, chỉ vài giờ sau khi Morales chấp nhận lời kêu gọi của một nhóm các nước thuộc Tổ chức các nước châu Mỹ. Nhóm này cho biết đã quan sát thấy "rất nhiều điều bất thường" trong cuộc bầu cử hôm 20-10 với kết quả chính thức cho thấy Morales nhận được số phiếu vừa đủ để tránh phải bước vào vòng bầu cử tiếp theo mà các nhà phân tích dự báo rằng ông có thể thua trước một phe đối lập đoàn kết.

Khi căng thẳng gia tăng, truyền thông địa phương đưa tin những người ủng hộ ông Morales đang diễu hành ở La Paz từ TP El Alto lân cận, một thành trì của Morales, để cố gắng phá vỡ sự phong tỏa đường phố do những người chống đối dựng lên và tiến đến quảng trường chính ở thủ đô. Tướng Williams Kaliman, chỉ huy lực lượng vũ trang, đã thông báo trên truyền hình về chiến dịch chung của cảnh sát và quân đội. Ông bày tỏ hy vọng rằng có thể "tránh được sự đổ máu và chết chóc cho các gia đình Bolivia," và kêu gọi người dân Bolivia giúp khôi phục hòa bình.

Ông Morales (giữa) đã từ bỏ quyền lực và đến tị nạn tại Mexico. Ảnh tư liệu

Ông Morales đã lên một chiếc máy bay của Chính phủ Mexico vào cuối ngày 11-11, vài giờ sau khi được cấp quy chế tị nạn. Trong lúc đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống và những kẻ thù của ông đang đụng độ trên đường phố thủ đô vào lúc một nhà lãnh đạo đối lập công bố kế hoạch tiến tới tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới sau khi ông Morales từ chức.

Chuyến bay rời đất nước của Morales là một sự sụp đổ thê thảm đối với một tổng thống xuất thân từ nông dân chăn cừu và trồng coca đến từ cao nguyên Bolivia, người được xem là tổng thống giúp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy các quyền xã hội và duy trì gần 14 năm tăng trưởng kinh tế cao và ổn định ở quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ này. Tuy nhiên, cuối cùng sự sụp đổ của ông được đánh dấu bằng nỗ lực bám giữ quyền lực bất thành.

Những người ủng hộ ông Morales đã vô cùng tức giận, họ dựng rào chắn tại một số con đường dẫn đến sân bay chính của nước này hôm 11-11, trong khi các kẻ thù của ông phong tỏa hầu hết các con đường dẫn đến quảng trường chính của thủ đô trước tòa nhà Quốc hội và Phủ tổng thống. Cảnh sát kêu gọi người dân La Paz ở trong nhà và chính quyền cho biết quân đội sẽ tham gia các nỗ lực kiểm soát để tránh bạo lực leo thang.

Tổng thống Morales chỉ chịu từ bỏ quyền lực sau khi chỉ huy quân đội kêu gọi ông từ chức, với lý do điều đó là cần thiết để khôi phục hòa bình và ổn định. Phó tổng thống và Chủ tịch Thượng viện sau đó cũng từ chức. Ngoài hai nhân vật này, một quan chức khác cũng được Hiến pháp quy định là người kế nhiệm tổng thống, đã từ chức trước đó. Phó Chủ tịch Thượng viện, chính trị gia đối lập Jeanine Anez, tuyên bố trong một bài phát biểu rằng bà sẽ tạm thời kiểm soát Thượng viện. Tiếp đó, Tòa án Hiến pháp Bolivia ngày 12-11 đã phê chuẩn bà Anez đảm nhận cương vị Tổng thống lâm thời. Viện dẫn Hiến pháp năm 2001, tòa án trên cho rằng vị trí lãnh đạo đất nước không thể bỏ trống, do đó người kế nhiệm theo thứ tự quy định sẽ tự đảm nhận cương vị tổng thống.

Ông Morales ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư sau khi từ chối chấp nhận kết quả một cuộc trưng cầu ý dân về việc giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Giới hạn này đã bị một tòa án hàng đầu bác bỏ, động thái mà các nhà phê bình cho rằng có lợi cho ông Morales. Espana Villegas, một nhà ngôn ngữ học cho rằng "trong suốt 14 năm cầm quyền, ông ấy đã thay đổi. Ông ấy đã chiến đấu chống nghèo đói, đã vực dậy nền kinh tế của đất nước, nhưng có lẽ ông ấy đã không có đội ngũ cố vấn giỏi".

Sau khi từ chức, ông Morales đã đả kích các đối thủ chính trị của mình, cho rằng việc loại bỏ ông khiến đất nước trở lại thời kỳ ảm đạm của các cuộc đảo chính được tiến hành bởi quân đội các quốc gia Mỹ Latinh tàn bạo cai trị khu vực. Cựu Tổng thống Carlos Mesa, người về nhì trong cuộc bầu cử vừa qua, cho rằng ông Morales đã bị hạ bệ bởi một cuộc nổi dậy quần chúng chứ không phải binh biến. Ông lưu ý rằng quân đội đã không xuống đường trong bối cảnh bất ổn. "Giới học giả và báo chí đã chỉ trích quân đội Bolivia.

Nhưng đây có thể là lần duy nhất trong lịch sử quân sự Bolivia, quân đội đứng về phe hữu chỉ một lần này", Eduardo Gamarra, nhà khoa học chính trị người Bolivia tại ĐH Quốc tế Florida, nhận định. "Không mảy may có dấu hiệu gì cho thấy đây là một cuộc đảo chính quân sự truyền thống", Gamarra nói thêm. "Có lẽ đây là thời điểm mà quân đội đang đóng một vai trò mà họ nên đóng. Quân đội không can thiệp vào các vấn đề dân sự".

Trong khi đó, ông Michael Shifter, người đứng đầu nhóm cố vấn Đối thoại liên Mỹ có trụ sở ở Washington, cảnh báo rằng sự phân cực ở Bolivia cần được hàn gắn bởi ban lãnh đạo mới. Theo chuyên gia này, cần phải chống lại việc xúi giục bất kỳ hành động trả thù nào nhằm vào những người ủng hộ Morales. Đó sẽ là công thức khiến xung đột và hỗn loạn tiếp tục, có thể gây thiệt hại cho một số lợi ích kinh tế-xã hội không thể phủ nhận ở Bolivia trong thập kỷ qua.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khung-hoang-chinh-truong-bolivia-khoang-trong-quyen-luc-nguy-hiem-169860.html