Khủng hoảng hiến pháp tại Sri Lanka

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn nội các Sri Lanka Rajitha Senaratne thông báo Tổng thống Maithripala Sirisena đã quyết định đình chỉ hoạt động của quốc hội kể từ trưa 27-10, qua đó chặn đứng khả năng các nghị sĩ bỏ phiếu cho số phận của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

Ông Mahinda Rajapaksa (trái) trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng trước Tổng thống Maithripala Sirisena. Ảnh: AFP

Trước đó tối 26-10, cựu tổng thống nổi tiếng thân Trung Quốc của Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng ngay sau khi được Tổng thống Sirisena chỉ định làm người đứng đầu chính phủ, thay thế Thủ tướng Wickremesinghe. Các hãng tin phương Tây nhận định sự kiện này là bước đi bất ngờ có thể đẩy Sri Lanka vào thế hỗn loạn chính trị và khủng hoảng hiến pháp chưa từng có.

Giữa lúc Tổng thống Sirisena làm lễ tuyên thệ cho ông Rajapaksa, nhà lãnh đạo bị phế truất Wickremesinghe phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng mình vẫn là thủ tướng và tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chức năng thủ tướng bởi đảng Quốc gia Thống nhất (UNP) của ông vẫn chiếm đa số tại quốc hội 225 thành viên. Giới truyền thông, một số bộ trưởng nội các và nghị sĩ ủng hộ ông Wickremesinghe khẳng định hành động trên của Tổng thống Sirisena là bất hợp pháp, vi hiến và mang tính chất đảo chính. Ông Wickremesinghe đã yêu cầu quốc hội nhóm họp để xem ông còn nhận sự ủng hộ của đa số hay không.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, có nhiều chuyên gia nhận định hành động của ông Sirisena là hợp pháp, bởi Hiến pháp Sri Lanka nêu rõ tổng thống có quyền chỉ định ai đó làm thủ tướng khi tổng thống nghĩ rằng người đó giữ thế đa số trong quốc hội. Theo hãng AFP, trước khi đưa ra quyết định trên, đảng Liên minh Tự do Nhân dân Thống nhất (UPFA) của Tổng thống Sirisena đã thông báo rút khỏi liên minh cầm quyền với UNP của Thủ tướng Wickremesinghe. Mà trong quốc hội hiện tại, UNFA được cho nhận được sự hậu thuẫn của đảng Tự do Sri Lanka do ông Rajapaksa lãnh đạo. Đảng Tự do Sri Lanka và UPFA tách ra từ đảng Tự do Sri Lanka trước đây.

Chính trường Sri Lanka quả thật đã lâm vào thế mâu thuẫn đan xen, mà Tổng thống Sirisena có lẽ là người thao túng và hưởng lợi. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015, ông Sirisena nhờ bắt tay với ông Wickremesinghe đã đánh bại vị tổng thống kỳ cựu Rajapaksa. Ông Sirisena khi đó là bộ trưởng y tế dưới chính quyền của ông Rajapaksa và ứng cử với tư cách độc lập. Sau khi đắc cử, Tổng thống Sirisena lại chấp nhận thành ý của ông Rajapaksa là trao quyền quán xuyến đảng Tự do Sri Lanka. Nhưng sự đấu đá trong nội bộ khiến đảng Tự do Sri Lanka tách ra làm hai và phe của ông Rajapaksa luôn tìm cách cản trở chính quyền của Thủ tướng Wickremesinghe. Chính ông Rajapaksa đã yêu cầu quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Wickremesinghe hồi tháng 4 nhưng kết quả là thất bại.

Trên thực tế, truyền thống của đảng Tự do Sri Lanka hay của UPFA là đi theo xu hướng trung tả và đối nghịch với chính sách tự do kinh tế của UNP do Thủ tướng Wickremesinghe dẫn dắt. Mặt khác, ông Wickremesinghe còn cam kết sẽ đưa ra ánh sáng những tội ác trong cuộc nội chiến chống phiến quân Tamil thời ông Rajapaksa.

Do vậy, sự trở lại của ông Rajapaksa trong vai trò thủ tướng báo hiệu một bầu không khí sôi sục mới trên chính trường Sri Lanka, đồng thời có thể làm thay đổi sự cân bằng quan hệ chiến lược giữa nước này với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong 9 năm làm tổng thống trước khi thất cử năm 2015, ông Sirisena bị coi là độc đoán, gia đình trị, tham nhũng và làm cho đất nước chìm trong nợ nần, dẫn đến phải chuyển nhượng cảng biển Hambantota cho Trung Quốc.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Cần Thơ: http://baocantho.com.vn/khung-hoang-hien-phap-tai-sri-lanka-a103176.html