Khủng hoảng năng lượng: Đức có thể mất danh hiệu thịnh vượng lâu dài; 'số phận' doanh nghiệp châu Âu bị đe dọa

Việc giảm giá khí đốt hiện đang được Chính phủ Đức thảo luận có thể tiêu tốn từ 15-24 tỷ Euro, tùy thuộc vào diễn biến giá trên thị trường, nhật báo kinh doanh Handelsblatt vừa đưa tin cho biết. Theo báo cáo, biện pháp này chỉ áp dụng cho các hộ gia đình tư nhân.

Khủng hoảng năng lượng là nguyên nhân khiến lạm phát ở Đức gia tăng. (Nguồn: Getty Images)

Khủng hoảng năng lượng là nguyên nhân khiến lạm phát ở Đức gia tăng. (Nguồn: Getty Images)

Cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt, giá năng lượng leo thang gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp là những nguyên nhân khiến lạm phát của Đức tiếp tục gia tăng và sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đi vào suy thoái trong năm 2023.

Báo cáo của các viện kinh tế hàng đầu tại Đức và quốc tế, công bố ngày 29/9 cho biết tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ không dừng lại trong những tháng tới và lạm phát hàng năm có thể lên tới 8,8% trong năm 2023 trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm 0,4% trong giai đoạn này.

Lạm phát có thể tăng lên 8,8% vào năm tới, cao hơn so với mức 8,4% của năm nay và sẽ giảm xuống 2,2% vào năm 2024.

Các viện nghiên cứu cho biết, tình hình nguồn cung khí đốt “vẫn cực kỳ khan hiếm”, với giá khí đốt có khả năng duy trì ở mức “cao hơn mức trước khủng hoảng”.

Các nhà kinh tế nhận định: “Điều này có nghĩa là nước Đức sẽ mất danh hiệu thịnh vượng lâu dài”.

Liên đoàn các doanh nghiệp châu Âu (CEB) cho biết, giá điện và khí đốt tăng cao là mối đe dọa sắp xảy ra đối với hàng nghìn công ty và Brussels phải nhanh chóng hành động để giảm nhẹ “cú sốc” này.

Trong thư ngỏ gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, ngày 29/9, CEB nhấn mạnh rằng, tình trạng giá điện và khí đốt cao hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất và khiến hàng nghìn doanh nghiệp châu Âu thua lỗ, thậm chí dẫn tới phải đóng cửa.

Tình hình cấp bách này buộc giới chức phải có các biện pháp khẩn cấp ở cấp độ liên minh.

Bức thư của CEB nêu rõ, 70% cơ sở sản xuất phân bón tại châu Âu đã phải đóng cửa hoặc giảm công suất, trong khi công suất sản xuất nhôm đã giảm tới 50%.

Tổ chức này cũng nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách cần phải khẩn cấp đưa ra các biện pháp tạm thời áp dụng trên toàn EU để tách giá điện ra khỏi giá khí đốt. Họ cho rằng biện pháp đặc biệt này có thể phù hợp cho tình thế đặc biệt của thị trường năng lượng.

EC và 27 nước thành viên đang nỗ lực để đề ra các biện pháp giảm thiệu tác động của chí phí tăng vọt. Dự kiến ngày 30/9, Bộ trưởng Năng lượng các nước EU nhóm họp tại Brussels để thống nhất các phương án. Tuy nhiên, giữa các nước tồn tại nhiều khác biệt nên khó có thể sớm tìm được một giải pháp chung.

(theo AFP, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-duc-co-the-mat-danh-hieu-thinh-vuong-lau-dai-so-phan-doanh-nghiep-chau-au-bi-de-doa-200190.html