Khủng hoảng Nga-Ukraine đang gây ảnh hưởng gián tiếp lên ASEAN

Các chuyên gia cảnh báo, cuộc xung đột quân sự chưa có dấu hiệu kết thúc giữa Nga và Ukraine đang không chỉ trực tiếp tác động tới sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á mà cả tác động gián tiếp thông qua Liên minh châu Âu.

Áp lực của châu Âu

Công ty quản lý tài sản Amundi của Pháp trong tháng 3 đã đưa ra cảnh báo châu Âu có khả năng cao sẽ phải đối mặt với lạm phát đình trệ cao, kết hợp với tăng trưởng kinh tế chậm và giá cả tăng. Theo công ty này, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên sẽ là năng lượng nếu nguồn cung từ Nga bị ngừng đột ngột. Thêm vào đó, các lĩnh vực khác như thực phẩm, thậm chí cả nhu cầu và sản xuất đều có nguy cơ chịu tác động tiêu cực.

Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng trong ngắn hạn tại khu vực đồng Euro. Do đó, công ty xếp hạng tín dụng Fitch đã cắt giảm dự báo GDP trong khu vực này xuống mức 3% từ mức cũ 4,5%.

Theo hãng tin Nikkei Asia, các nhà phân tích thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhận định ảnh hưởng kinh tế của Nga và Ukraine tới khu vực ASEAN là không cao. Tuy nhiên, một cuộc xung đột kéo dài vẫn có thể gây tổn hại sâu rộng tới Liên minh châu Âu và do đó sẽ gây ra tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực từ thương mại tới du lịch và gián tiếp tác động tới ASEAN.

Ngân hàng Maybank của Malaysia trong tháng 3 đưa ra cảnh báo ASEAN có thể sẽ phải chịu thiệt hại tài sản từ cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Một cuộc suy thoái tại châu Âu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của ASEAN.

Trạm xăng của Petrolimex. Ảnh: Bộ Công thương

Tác động lên tăng trưởng của ASEAN

Theo các chuyên gia, khi áp lực lên giá năng lượng và thực phẩm gia tăng, sự phục hồi kinh tế ASEAN sẽ không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Nghiên cứu của United Overseas Bank của Singapore cho thấy, lạm phát và tăng trưởng có mối liên hệ sâu rộng với nhau thông qua tốc độ tăng trưởng GDP. Một dự đoán tại Indonesia cho thấy với mỗi điểm phần trăm lạm phát gia tăng tại nước này, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ bị cắt giảm 0,08 điểm phần trăm.

Vì gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng mạnh, tăng trưởng toàn cầu cũng như của EU đã bị chậm lại và do đó dự báo tăng trưởng GDP của Singapore cũng bị các chuyên gia Chua Hak Bin và Lee Ju Ye của Singapore cắt giảm từ 3,8% xuống 2,8%. Công ty tài chính Morgan Stanley Asia trong tháng 3 cũng đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của Singapore từ 4,8% xuống 3,7%, Thái Lan từ 4,3% xuống 3,3% và Philippines từ 7,5% xuống 7%.

Ngân hàng DBS tại Singapore cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự về rủi ro suy giảm tăng trưởng của ASEAN. Tuy cả Nga và Ukraine đều chiếm tỉ trọng không đáng kể trong xuất nhập khẩu của khu vực, những ảnh hưởng kéo dài từ tranh chấp tại Ukraine có thể dẫn tới sự suy thoái trên diện rộng của châu Âu và gây ra thiệt hại tới lĩnh vực xuất khẩu của ASEAN.

Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU chiếm 11% tổng vốn đầu tư của ASEAN, EU cũng chiếm trung bình 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực. Đối với Việt Nam và Philippines, kim ngạch xuất khẩu của EU chiếm tới hơn 11%. Mặt khác tại Singapore, EU chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nội địa ngoài dầu mỏ của nước này.

Khung cảnh đường phố tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

ASEAN bị ảnh hưởng gián tiếp nhiều lĩnh vực khác

Đối với các quốc gia có giá nhiên liệu và điện chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng hoặc nơi nhiên liệu nhập khẩu chiếm ưu thế như Việt Nam, Lào và Philippines, các tác động này thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, khu vực Đông Nam Á cũng phải chịu một số rủi ro trực tiếp từ sự phụ thuộc vào một số mặt hàng lương thực cụ thể. Do Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu các loại ngũ cốc chính như lúa mỳ và ngô, các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung lúa mỳ. Thêm vào đó, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng do nguy cơ gián đoạn nguồn cung ngô.

Du lịch cũng là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh các nước ASEAN vừa mới bắt đầu mở cửa trở lại nhằm phục hồi kinh tế. Lần lượt các quốc gia từ Việt Nam tới Thái Lan, Malaysia và cả Singapore – nước đang ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao đều đã thực hiện mở cửa du lịch trở lại.

Ngành du lịch vốn được coi là có hy vọng phục hồi tốt nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên với tình hình căng thẳng hiện tại, hy vọng này có khả năng hoàn toàn bị dập tắt. Trước đại dịch, du khách châu Âu đều chiếm tỷ trọng lớn trong số lượng khách du khách chi tiêu mạnh tới các nước trong khu vực. Trong khi con số này là 17% tại Thái Lan, Indonesia và Singapore ghi nhận lần lượt các tỷ lệ 13% và 11%. Sự thiếu vắng khách châu Âu sẽ giáng một đòn nữa vào ngành du lịch vẫn đang chập chững phục hồi.

Ảnh hưởng lên Nga cũng sẽ gây ra rủi ro trực tiếp tới du lịch Thái Lan khi du khách Nga chiếm tỷ trọng cao thứ 3 ở mức 5,4% trong doanh thu du lịch nước này. Vì đồng rub giảm mạnh, các chuyến bay quốc tế bị hủy và khó khăn trong việc chuyển tiền, nhiều du khách Nga đã hủy các chuyến du lịch tới Thái Lan.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/khung-hoang-nga-ukraine-dang-gay-anh-huong-gian-tiep-len-asean-post4890.html