'Khủng hoảng rác' Hà Nội: Điều gì sau ý thức?

Nhân đọc bài 'Khủng hoảng rác và bức xúc từ chiếc ống hút nhựa' của tác giả Mỹ Hằng (Chuyên mục: Kính đa tròng đăng ngày 16.1.2019) tôi trộm nghĩ: Liệu 'Sự thay đổi trong ý thức' có đủ để làm Hà Nội và các nơi khác sạch sẽ hơn?

Thói quen, “phản xạ có điều kiện” sử dụng, tiêu dùng túi nilon đã ăn sâu và mặc nhiên trở thành phổ biến. Đồng thời, việc “tất cả các loại rác” - kể cả kim loại, thủy tinh, sành sứ… đều có thể cho chung vào nhau cũng đã trở thành điều bình thường.

Vậy là, một thói quen, một lối hành mà gần như cả xã hội ai cũng làm thì có lẽ đương nhiên lối hành xử ấy được chấp nhận.

Rác thải tồn đọng nhiều ngày không được thu gom.

Cho đến một ngày, chúng ta kêu gọi “Người Hà Nội” hãy ý thức hơn để: Không chỉ làm nhà mình sạch hơn, mà đường phố sạch hơn, Hà Nội sạch hơn, biển sạch hơn, để tự mình ngăn chặn những cuộc khủng hoảng rác.

Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng, nhưng có lẽ là chưa đủ. Và tôi cho rằng, chừng nào Hà Nội cũng như những địa phương khác chỉ dừng lại ở việc “kêu gọi ý thức” thì mãi vẫn chỉ là thất bại.

Bởi lẽ rằng trên thực tế, có ngày nào các cấp, các ngành, các đơn vị không kêu gọi người dân ý thức? Đã có biết bao nhiêu chương trình tuyên truyền? Đã biết bao nhiêu khẩu hiệu “Vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp”? Đã biết bao nhiêu “Đoạn đường tự quản”, biển “cấm đổ rác”, vân vân và vân vân? Nhưng đổi lại, dường như Hà Nội không sạch hơn, ý thức không tốt hơn?

Vậy điều gì sau ý thức? Tôi cho rằng đó là chế tài - hay còn gọi là tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhưng, có phải Việt Nam cũng như Hà Nội chưa có chế tài? Không đúng. Chỉ là chế tài đó chưa được thực thi mà thôi.

Xe chở rác chất đống ngay giữa tuyến phố giao thông đông đúc.

Xin được lấy ví dụ để chứng minh cho lập luận “Sau ý thức cần có chế tài nghiêm khắc”. Ngay tại Việt Nam hay Hà Nội thôi, người ta có thể hút thuốc mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả ở những nơi bị cấm như bệnh viện, trường học… mà có lẽ chả sợ bị phạt. Vì thực tế là khi người ta hút thuốc thì cũng có ai đến bắt mà xử phạt đâu. Thế nhưng khi vào đến sân bay Nội Bài, lối hành xử lập tức được thay đổi. Một là họ sẽ hút ở bên ngoài sảnh nơi có gạt tàn thuốc lá, hai là sẽ vào “Phòng hút thuốc”.

Ví dụ sẽ càng sáng tỏ hơn nếu ai đã từng ra nước ngoài. Bạn hãy thử hút thuốc lá ở nơi bị cấm xem, tôi khẳng định chắc chắn bạn sẽ bị bắt và xử phạt theo quy định của nước sở tại. Và chắc chắn rằng, mức phạt càng cao thì sức mạnh răn đe càng lớn. Sức mạnh răn đe ấy lớn tới mức cho dù không có sự giám sát thì cũng ít ai dám vi phạm.

Vì vậy cùng với việc “kêu gọi ý thức”, đã đến lúc Hà Nội hành động bằng chế tài mạnh mẽ. Cũng xin nói thẳng là: Hãy áp dụng chế tài để điều chỉnh những hành vi mà việc “kêu gọi ý thức” đã không còn hiệu quả.

Phạm Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/khung-hoang-rac-ha-noi-dieu-gi-sau-y-thuc-948732.html