Khủng hoảng tên lửa Cuba 2.0: Nga tính lập căn cứ sát vách trả đũa Mỹ rút INF

Nga có thể đáp trả kế hoạch của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung INF bằng cách tái lập căn cứ quân sự ở Cuba, có nguy cơ trở thành một 'cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 2.0'.

Tổng thống Mỹ John F.Kennedy phát biểu trên truyền hình về Khủng hoảng tên lửa Cuba ngày 22.10.1962. Ảnh: Reuters

Mỹ đang lên kế hoạch rời bỏ Hiệp ước INF quan trọng thời Chiến tranh Lạnh, và phản ứng của Nga có thể phù hợp với tinh thần của thời kỳ đó, cụ thể là tái lập các căn cứ quân sự ở Cuba - RT dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Shamanov nói.

Ông Shamanov cho biết, trên thực tế quân đội Nga phải được chính phủ Cuba cho phép quay trở lại, và vấn đề này mang tính chính trị hơn là quốc phòng.

"Việc đánh giá kịch bản này đang được tiến hành và các đề xuất chính sách sẽ được tiếp tục" - ông Shamanov nói với hãng Interfax nhưng không đưa ra bình luận gì.

Vấn đề này có thể được nêu ra trong chuyến thăm Nga của tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel vào đầu tháng 11. "Lãnh đạo mới của Cuba thận trọng về sự hiện diện của quân đội nước ngoài nhưng chính trị là vấn đề sống. Cuba có những lợi ích riêng và bị tổn thương bởi các lệnh cấm vận của Mỹ" - ông Shamanov bổ sung.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Nga đã thúc giục Mátxcơva và Washington thống nhất các điều khoản và quay lại hòa giải. "Nếu chúng ta không dừng lại bây giờ và không đàm phán, chúng ta thực sự có thể đi đến những kịch bản giống như cuộc khủng hoảng Cuba" - RIA Novosti dẫn lời ông Shamanov nói.

Khủng hoảng tên lửa Cuba là cuộc đối đầu lớn đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực chiến tranh hạt nhân vào đầu những năm 1960. Tháng 9.1962, chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu trên lục địa Mỹ.

Hành động này xảy ra sau sự kiện Mỹ triển khai tên lửa Thor IRBM trên đất Anh vào năm 1958 và tên lửa Jupiter IRBM trên đất Italia và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1961; tổng cộng có hơn 100 tên lửa do Mỹ chế tạo có khả năng đánh trúng Nga bằng đầu đạn hạt nhân.

Ngoài mặt, cả Liên Xô lẫn Mỹ đều tỏ ra không nhân nhượng trước những đòi hỏi công khai của nhau, nhưng tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường họ đưa ra một đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28.10.1962 khi Tổng thống John F. Kennedy và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc U Thant đạt đến một thỏa thuận với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trong việc Liên Xô tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa chúng trở về nước mình dưới giám sát kiểm tra của Liên Hợp Quốc.

Đổi lại, Mỹ đồng ý sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và thỏa thuận ngầm là sẽ rút các tên lửa Jupiter hạt nhân của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Vân Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/khung-hoang-ten-lua-cuba-20-nga-tinh-lap-can-cu-sat-vach-tra-dua-my-rut-inf-639147.ldo