Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ: Châu Âu lo lắng

Hàng loạt quan ngại sâu sắc về nền kinh tế dễ đổ vỡ của Thổ Nhĩ Kỳ cùng rủi ro ảnh hưởng tới các nước trong khu vực châu Âu đã khiến giới đầu tư thấp thỏm, khiến cho đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần qua.

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá so với USD trong khủng hoảng tiền tệ. (Nguồn: AP).

Đồng Lira tiếp tục xuống giá

Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm tới 17% so với đồng USD của Mỹ, điều phản ánh hàng loạt quan ngại của các nhà đầu tư, trong đó gồm căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và việc chính quyền Ankara không sẵn sàng để nâng tỷ lệ lãi suất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào một số quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này do cáo buộc liên quan tới vụ bắt giữ một mục sư Mỹ, càng khiến tình hình xấu đi sau khi tuyên bố sẽ tăng thuế đối với mặt hàng kim loại nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng phản bác ngay sau đó: “Đừng quên điều này: Nếu họ có đồng USD, chúng ta có người dân, công lý và Chúa Trời. Chúng ta sẽ ra khỏi cuộc chiến kinh tế với thắng lợi trong tay”.

Tuy nhiên, phát biểu mà ông Erdogan đưa ra hồi cuối tuần qua không thể làm dịu các thị trường. Đồng Lira, vốn đã giảm tới 40% giá trị so với đồng USD trong năm nay, tiếp tục trượt giá.

Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ thuộc Ngân hàng Quốc gia Australia ở Sydney, nói rằng giới đầu tư đang ngày càng lo ngại về lạm phát gia tăng và khả năng giải quyết vấn đề của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Ngân hàng Trung ương nước này hiện đang chịu sức ép từ Tổng thống Erdogan, người tái đắc cử hồi tháng Sáu, phải giữ tỷ lệ lãi suất ở mức thấp, bất chấp tỷ lệ lạm phát lên tới 15% từ tháng Bảy vừa qua.

Các nhà kinh tế học giờ cho rằng Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sắp buộc phải đưa ra hành động khẩn cấp.

“Có nhiều lý do để nghĩ rằng việc tăng khẩn cấp tỷ lệ lãi suất trong khoảng thời gian khủng hoảng tiền tệ như hiện nay chỉ có thể mang lại chút ít cảm giác an toàn”- William Jackson, nhà kinh tế học thị trường thuộc hãng nghiên cứu Capital Economics nói và nhận định: “Vẫn chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này hay không”.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phải giảm dự báo tăng trưởng trong năm nay từ 5,5% xuống còn 4%, nhưng giới kinh tế học vẫn cảnh báo rằng mức giảm còn có thể tồi tệ hơn nếu như lòng tin từ giới đầu tư không được phục hồi nhanh chóng.

“Một cuộc suy thoái và khủng hoảng nợ công có thể buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải thực thi các biện pháp quản lý vốn và đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ, đây là viễn cảnh có thể xảy ra”- Carsten Hesse, chuyên gia kinh tế châu Âu thuộc Ngân hàng Berenberg, cho hay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống Erdogan vẫn quyết tâm lao vào cuộc chiến với Mỹ. Cuối tuần qua, ông kêu gọi người dân trong nước chuyển đổi đồng USD và Euro sang đồng Lira để bảo vệ đồng tiền này. Nhưng các lực lượng khác cũng đang chống lại đồng Lira. Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng ông sẽ nâng thuế đối với kim loại nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ.

“Tôi mới cho phép tăng gấp đôi thuế suất nhằm vào thép và nhôm đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong lúc đồng Lira của họ đang giảm giá nhanh chóng đối với đồng USD mạnh mẽ của chúng ta! Nhôm giờ sẽ bị áp thuế 20% và thép là 50%. Mối quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm này là không tốt!”- ông Trump viết trên Twitter.

Hiện chưa rõ khi nào thì các đòn áp thuế trên chính thức có hiệu lực.

Ảnh hưởng lan rộng

Ngoài vấn đề căng thẳng với Mỹ, giới đầu tư cũng quan ngại về khả năng của các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ Financial Times mới đây cho hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quan ngại về khả năng các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung Eurozone bị ảnh hưởng do đồng Lira xuống giá.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy các ngân hàng trong khu vực Eurozone có khoản cho vay trị giá trên 150 tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vậy nhiều ngân hàng của Tây Ban Nha, Pháp và Italy có nguy cơ chịu rủi ro lây.

Cổ phiếu của một số ngân hàng lớn nhất khu vực châu Âu cũng chịu ảnh hưởng lớn vì đồng Lira mất giá trong tuần trước. Ngân hàng UniCredit của Italy có giá cổ phiếu giảm 5,6%, cổ phiếu của BBVA của Tây Ban Nha giảm 5,5%, BNP Paribas của Pháp giảm 4,3%. Giá đồng Euro cũng giảm 0,9% so với đồng USD.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng nhanh chóng hơn so với năm 2017. Nhưng đà tăng trưởng của nó trong những năm gần đây dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng. Giới đầu tư giờ hết sức lo ngại rằng liệu các khoản đầu tư của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ có mang lại lợi tức hay không.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/khung-hoang-tien-te-tho-nhi-ky-chau-au-lo-lang-tintuc412495