Khủng hoảng Triều Tiên đang trở lại

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh chủ chốt ở châu Á đang chuẩn bị mở rộng nỗ lực chặn giữ các tàu bị tình nghi vi phạm các chế tài nhắm vào Triều Tiên, một kế hoạch có thể bao gồm việc triển khai lực lượng tuần duyên Mỹ để chặn và lục soát các tàu trong các vùng biển ở châu Á. Những diễn biến xung quanh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cho thấy khủng hoảng đang quay trở lại nơi này.

D.Trump đi theo con đường đối đầu

Các quan chức chính phủ cao cấp của Mỹ cho biết Washington vẫn đang bàn bạc với các nước đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Singapore, về việc điều phối một chiến dịch trấn áp tăng cường, sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết trong nỗ lực bóp nghẹt việc Triều Tiên sử dụng thương mại đường biển để duy trì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Dù các tàu đáng ngờ từng bị chặn giữ, chiến lược đang hình thành này sẽ mở rộng phạm vi của các hoạt động như vậy nhưng không tiến tới việc áp đặt phong tỏa hải quân đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng từng cảnh báo họ sẽ coi một cuộc phong tỏa là một hành động chiến tranh.

Theo các quan chức giấu tên, chiến lược này kêu gọi theo dõi chặt chẽ hơn và có thể bắt giữ các tàu bị nghi là chở các cấu phần vũ khí bị cấm và các hàng hóa bị cấm khác tới hoặc từ Triều Tiên. Tùy thuộc vào quy mô của chiến dịch, Mỹ có thể cân nhắc tăng cường năng lực hải quân và không quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu mới đây trước Hội nghị hành động chính trị bảo thủ (CPAC), tổ chức đặt một trong những nền móng đầu tiên cho con đường để ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng, đã phát đi tín hiệu rõ ràng: Hãy tận hưởng không khí yên bình của Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018. Cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện đã trở lại và chúng ta có thể sẽ đứng bên bờ vực chiến tranh chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.

Truyền thông quốc tế cho biết, Mỹ đã chính thức thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp các biện pháp này thất bại, Washington đe dọa sẽ chuyển qua “giai đoạn hai,”nhưng không cho biết cụ thể. Bộ Tài chính Mỹ ra thông báo trừng phạt tổng cộng 27 Cty và 28 tàu thuyền liên quan đến Triều Tiên.

Nằm trong loạt trừng phạt mới có nhiều công ty vận tải biển và năng lượng, có trụ sở tại Trung Quốc Đại lục, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Với lệnh mới này, tài sản của các cá nhân và công ty nói trên tại Mỹ bị phong tỏa, công dân Mỹ bị cấm làm ăn với các đối tượng bị trừng phạt.

Theo chuyên gia Jonathan Schanzer thuộc một viện tư vấn ở Washington, trong số các biện pháp mới, chỉ còn thiếu những trừng phạt “nhằm vào các ngân hàng Trung Quốc” có quan hệ với Triều Tiên. Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một cuộc họp báo hôm 23-2, đã tỏ ra đe dọa hơn, khi khẳng định “nếu các biện pháp trừng phạt không đạt kết quả, chúng tôi sẽ phải chuyển qua giai đoạn hai.” Giai đoạn hai được hiểu có thể bao gồm cả “biện pháp quân sự,” như Washington từng nhắc đến một số lần.

Ông Trump nhấn mạnh là việc chuyển qua giai đoạn hai “có thể sẽ rất khắc nghiệt, và điều này sẽ rất, rất bất hạnh cho thế giới,” nhưng đồng thời cũng bày tỏ hy vọng là trừng phạt lần này sẽ mang lại kết quả. Nhật Bản và Hàn Quốc hoan nghênh quyết định mới của Mỹ. Ngoại trưởng Hàn Quốc tái khẳng định Seoul và Washington sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy “phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hòa bình.”

Bình luận về vấn đề Triều Tiên, một bài viết trên tạp chí National Interest của Mỹ nhận định rằng Tổng thống Trump đang đi theo con đường đối đầu với Bình Nhưỡng. Bất chấp chiến dịch tuyên truyền của Triều Tiên tại Thế vận hội Pyeongchang, chính quyền Trump đang tỏ rõ rằng Washington sẽ không bị “xỏ mũi” hoặc khuất phục trước Bình Nhưỡng khi nước này nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa Mỹ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu các biện pháp trừng phạt có thể đảo lộn nguy cơ xảy ra chiến tranh và đưa đến các cuộc đối thoại ngoại giao hay không? Hay trừng phạt chỉ gây ra một cuộc xung đột mà từ đó có thể nhanh chóng biến thành một thảm họa quân sự, lôi kéo sự tham gia của các cường quốc bên ngoài và dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ ba?

Những biện pháp trừng phạt mới công bố trên chỉ là một phần của loạt biện pháp nhằm làm suy yếu khả năng của chế độ Bình Nhưỡng trong việc tiến hành hoạt động thương mại trên biển, đồng thời áp dụng điều mà nhiều người gọi là “chiến lược mãng xà” nhằm bóp Triều Tiên một cách cứng rắn để buộc họ phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương khác từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như chiến dịch cô lập Triều Tiên về mặt ngoại giao đã khiến Bình Nhưỡng chao đảo trước chiến lược “gây sức ép tối đa.” Với những thông tin rò rỉ hồi tháng 10-2017 về việc Triều Tiên có thể đã cạn kiệt nguồn dự trữ đồng USD và ngoại hối, các biện pháp trừng phạt mới công bố có thể thực sự đẩy Bình Nhưỡng vào tình trạng túng quẫn.

Bên cạnh mục tiêu siết chặt những trao đổi thương mại của Triều Tiên, chiến lược của Tổng thống Trump còn hướng tới mục tiêu thứ hai. Chính quyền của nhà lãnh đạo này dường như biết rõ rằng khó có thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Washington biết rõ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ trao cho Mỹ khả năng hủy hoại nền kinh tế của Bình Nhưỡng, qua đó hủy hoại khả năng Triều Tiên có thể tiếp tục phát triển các loại tên lửa và vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn. Như vậy, mục tiêu thứ hai này chính là làm chậm lại tiến triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Cuộc đối đầu Donald Trump-Kim Jong-un đang ngày càng căng thẳng. ẢNH TƯ LIỆU

Triều Tiên có thể lại thử hạt nhân, tên lửa

Một khả năng có thể xảy ra là Triều Tiên tuyên bố nước này đang đối mặt với nguy cơ đe dọa sự tồn vong và quyết định quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, khả năng này rất xa vời. Trên thực tế, thời điểm mở ra cơ hội đàm phán này có thể trở thành hiện thực nếu Triều Tiên biết lợi dụng thời cơ hiếm hoi khi con gái ông Trump là Ivanka Trump ở Hàn Quốc dự lễ bế mạc thế vận hội.

Chính quyền Bình Nhưỡng có thể dễ dàng tiếp cận bà Ivanka và đề xuất một cuộc gặp riêng hoặc một điều gì đó được công bố rộng rãi. Không có khi nào thuận lợi hơn lúc này khi mà bà Ivanka còn được biết đến là một trong những trợ lý tin cậy nhất và là “tai mắt” của ông Trump. Nếu Triều Tiên nắm bắt cơ hội này thì có thể đạt được tiến triển thực sự để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thế nhưng, viễn cảnh lại không như vậy. Đến nay chưa có thông tin nào về khả năng đã diễn ra một cuộc gặp giữa đại diện Triều Tiên và bà Ivanka hay những thông tin mang tín hiệu tốt lành tương tự. Trái lại, những thông tin gần đây cho biết Mỹ sẽ ấn định thời điểm cụ thể để tiến hành cuộc tập trận “Đại bàng non” với Hàn Quốc ngay sau khi Thế vận hội mùa Đông dành cho người khuyết tật Paralympics kết thúc vào ngày 18-3.

Triều Tiên có thể sẽ tiến hành thử tên lửa hoặc đầu đạn hạt nhân ngay trước khi cuộc tập trận quy mô lớn này được khởi động, và thử nghiệm những tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vào đầu tháng 4-2018.

Khi đó, tình hình sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Triều Tiên lâu nay luôn dọa tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân và có thể quyết định đây là thời điểm để chứng minh cho thế giới biết rằng kho vũ khí hạt nhân của mình là hiện hữu, giống như những gì mà Trung Quốc đã thể hiện trong những năm 1960 khi giới chức Mỹ nghi ngờ về năng lực hạt nhân của Bắc Kinh.

Theo giới phân tích, để thực hiện được khả năng trên, Bình Nhưỡng cần phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa xuống Nam Thái Bình Dương, tạo ra một đám mây phóng xạ bao trùm khắp khu vực. Nếu Triều Tiên làm vậy, chính quyền Trump sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả bằng biện pháp quân sự.

Hành động quân sự kiểu như đã làm đối với Syria dường như không ăn nhằm gì đối với kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thay vào đó, Tổng thống Trump có thể nỗ lực hủy hoại dòng dõi gia tộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng hàng loạt vụ oanh kích đáp trả. Tất nhiên, ai cũng có thể đoán được Trung Quốc và Nga sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống này.

Trả lời hãng tin Sputnik của Nga ngày 25-2, ông Vladimir Jabbarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga khẳng định bất kỳ đòn tấn công nào của Mỹ giáng vào Triều Tiên cũng sẽ gây ra xung đột quy mô lớn với sự tham gia của những láng giềng của Bình Nhưỡng là Nga và Trung Quốc - hai cường quốc hạt nhân.

Một số chuyên gia nhận định, sự nồng ấm mà sự kiện thể thao đem lại sẽ sớm lụi tàn và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến vốn chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua, sẽ nhen nhóm trở lại.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/khung-hoang-trieu-tien-dang-tro-lai-111464.html