Khủng hoảng Ukraine: Đức triển khai 'đối ngoại tích cực'

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, chính sách đối ngoại của Đức đóng một vai trò đặc biệt và liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể tham gia tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng này?

Ngoại trưởng Đức Steinmeier tới dự Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Brussels ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Đức "Tấm gương" ngày 3/3 cho rằng, lời kêu gọi chấm dứt thái độ e dè trong chính sách đối ngoại vừa được các chính trị gia Đức đưa ra cách đây không lâu. Cả Tổng thống Joachim Gauck, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đều kêu gọi nước Đức phải can dự mạnh hơn nữa đối với các chính sách an ninh và đối ngoại trong tương lai.

Việc ông Steinmeier phải triển khai học thuyết "chính sách đối ngoại tích cực" mau lẹ như vậy là điều mà ngay cả bản thân ông trước đó cũng chưa hề nghĩ tới. Leo thang căng thẳng ở Crưm (Crimea, Ukraine) yêu cầu phải có câu trả lời nhanh chóng và được xem là vấn đề khẩn cấp đối với liên minh cầm quyền ở Đức. Liệu Đức có thể giúp làm trung gian giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine hay không? Thách thức này khá lớn và trách nhiệm của Đức sau việc chuyển đổi chính sách như đã tuyên bố lại càng lớn hơn.

Không chỉ châu Âu mong đợi Berlin sẽ xử lý ra sao vấn đề hiện nay mà ngay cả người Mỹ cũng đang kỳ vọng chính phủ Đức sẽ biến lời nói thành việc làm cụ thể. Nhà nghiên cứu Fiona Hill thuộc Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington nói: "Thực sự trong giai đoạn này, chúng tôi không thể tự làm được gì nhiều và do mối quan hệ của chúng tôi với Nga cũng rối rắm, nên Đức có thể đóng một vai trò quan trọng".

Trong khi đó, quan hệ giữa Berlin và Moskva có truyền thống khá tốt đẹp. Cuối tuần qua, Thủ tướng Merkel đã điện đàm với Tổng thống Putin và bà Merkel đã chỉ trích việc Nga triển khai quân tới Crưm. Cùng với đó, nhà lãnh đạo Đức lại tìm cách thiết lập một kênh đối thoại giữa Moskva và Kiev. Tổng thống Putin cuối cùng đã đồng ý đàm phán về việc thành lập một nhóm tiếp xúc về vấn đề Ukraine cũng như một phái bộ tìm hiểu sự thật để đánh giá khách quan tình hình tại Crưm.

Bên cạnh những động thái của Thủ tướng Đức, Ngoại trưởng Steinmeier cũng tích cực ngoại giao con thoi để giải quyết khủng hoảng. Từ Brussels họp ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), ông Steinmeier đã bay sang Geneva để gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Nhà ngoại giao Đức cũng được đánh giá cao với vai trò chính - bên cạnh Ngoại trưởng hai nước Pháp và Ba Lan - làm trung gian cho một kế hoạch hòa bình giữa phe đối lập thân châu Âu và chính quyền của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych.

Thỏa thuận hòa bình đã giúp ngăn chặn thêm đổ máu ở Ukraine dù không đề cập tới sự chuyển tiếp có trật tự ở nước này. Tuy nhiên, những diễn biến quá nhanh đã "cuốn" theo cả ông Yanukovych, khi Ngoại trưởng Steinmeier vừa rời Ukraine. Moskva đã chỉ trích ông Steinmeier và những người liên quan khi không yêu cầu phe đối lập ở Kiev tôn trọng thỏa thuận đã ký với ông Yanukovych. Giờ đây, trách nhiệm của Ngoại trưởng Đức nặng nề hơn, bởi nếu Crưm rơi vào vòng bạo lực thì sứ mệnh của ông ở Kiev coi như vô dụng.

Chủ trương can dự ngoại giao thay vì đối đầu của Đức trong vấn đề Ukraine đã khiến Mỹ hoài nghi về khả năng liệu Đức có thực sự làm trọn vai trò của nước này.

Tất nhiên, ngoại giao giải quyết khủng hoảng của châu Âu không hề dễ dàng khi một quốc gia khổng lồ như Nga can thiệp vào Crưm. Châu Âu hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt của Nga, như Đức nhập khẩu tới 35% nhu cầu khí đốt từ Nga, tương tự như nhu cầu về dầu mỏ. Theo các nguồn tin gần gũi với bà Merkel, Thủ tướng Đức ban đầu chủ trương xoa dịu những cái đầu nóng, bởi một biện pháp trừng phạt sẽ không thể lường trước hậu quả.

Mạnh Hùng(P/v TTXVN tại Đức)

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/tham-khao/khung-hoang-ukraine-duc-trien-khai-doi-ngoai-tich-cuc-20140305091703961.htm