Khủng long bọc giáp sống cách đây 76 triệu năm

Hóa thạch khủng long dài gần 5 mét có chiếc đầu đầy gai nhọn mới được phát hiện ở Mỹ. Ước tính con khủng long này sống cách đây khoảng 76 triệu năm.

Theo tờ cnet, hóa thạch khủng long đầu bọc giáp đầy gai nhọn có tên khoa học đầy đủ là Akainacephalus Johnsoni được các nhà cổ sinh vật học phát hiện ở bang Utah, Mỹ. Tên loài Akainacephalus mô tả hộp sọ "bọc thép" của con khủng long, ghép từ hai từ trong tiếng Hy Lạp là "akaina" và "cephalus" có nghĩa là "gai" và "đầu".

Trong khi đó, tên của nó được đặt theo tình nguyện viên Randy Johnson ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Utah, người có công sửa soạn hóa thạch hộp sọ.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy hóa thạch tại Đài tưởng niệm quốc gia Grand Staircase-Escalante ở phía nam bang Utah. Ước tính con khủng long dài 4,8 mét. Nhóm nghiên cứu cho biết bản thân hóa thạch này cũng hết sức đặc biệt.

Theo tờ iflscience, hóa thạch tương đối hoàn chỉnh với nguyên một hộp sọ và cái đuôi lớn khủng khiếp. Ngoài ra còn có phần lớn cột sống, một phần chi trước, chi sau và một số dấu vết của bộ áo giáp bọc ngoài.

Phân tích chỉ ra tổ tiên của loài khủng long bọc giáp Akainacephalus johnsoni sinh sống cách đây 76 triệu năm, có nguồn gốc từ châu Á, di cư tới Bắc Mỹ khi mực nước biển giữa các lục địa ở mức thấp.

Phát hiện này đã củng cố thêm bằng chứng cho giả thuyết các loài ankylosaurid đã di chuyển từ châu Á sang định cư tại Bắc Mỹ. Ở thời điểm đó mực nước biển chưa dâng cao như bây giờ và có những "cây cầu đất" nối giữa các châu lục với nhau.

Cây cầu nối châu Á và Bắc Mỹ có tên Beringian, có thể lũ khủng long đã theo con đường này mà di chuyển quãng đường dài như vậy.

Hoàng Dung (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khung-long-boc-giap-song-cach-day-76-trieu-nam-post269132.info