Khung pháp lý hoạt động dầu khí của Mỹ (Kỳ cuối)

Nhiều công ty năng lượng Mỹ tham gia các hoạt động dầu khí quốc tế. Tranh chấp trong lĩnh vực dầu khí quốc tế, trong đó có các tranh chấp liên quan đến công ty năng lượng Mỹ, là danh mục tranh chấp đầu tư quốc tế và thương mại quốc tế lớn nhất trên thế giới, chiếm tới 30% các vụ việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế năm 2020.

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên trong lĩnh vực dầu khí quốc tế

Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án là 4 phương thức chính trong giải quyết tranh chấp dầu khí quốc tế của các công ty dầu khí Mỹ. Các công ty dầu khí Mỹ rất quan tâm đến cách thức xử lý bất kỳ tranh chấp nào có thể nảy sinh trong tương lai và cách thức đưa các quy trình đó vào trong các thỏa thuận dầu khí quốc tế của mình. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, các công ty dầu khí có thể sử dụng một hoặc kết hợp một số phương thức cùng với nhau. (i) Thương lượng có thể được chính thức hóa như một phần trong quy trình giải quyết tranh chấp gồm nhiều bước. Các bên có thể trao đổi, tự dàn xếp, tháo gỡ bất đồng nảy sinh để loại bỏ tranh chấp mà không có sự trợ giúp hay phán quyết của bên thứ ba. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém nhất, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đạt kết quả.

Theo phán quyết trọng tài ICC tháng 4/2018, ConocoPhillips đã thắng với yêu cầu công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA phải bồi thường trị giá 2 tỷ USD. Ảnh: Tư liệu.

(ii) Hòa giải có thể là một công cụ giải quyết tranh chấp hiệu quả và thành công. Trọng tâm của hòa giải là vấn đề lợi ích thực sự của các bên. Tuy nhiên, hòa giải không phải là một quá trình ràng buộc về mặt pháp lý. Kết quả của hòa giải chỉ trở nên ràng buộc với một thỏa thuận dàn xếp đã được ký kết. Hòa giải thường được xem như một biện pháp bổ trợ chứ không phải là một sự thay thế cho một quy trình ràng buộc, như trọng tài quốc tế.

(iii) Trọng tài là phương pháp giải quyết tranh chấp được chấp nhận và sử dụng rộng rãi nhất trong lĩnh vực năng lượng quốc tế. Đây là một quá trình ràng buộc pháp lý, linh hoạt cho các bên về cách thức giải quyết tranh chấp như: được lựa chọn trọng tài, lựa chọn cách thức và quy mô, địa điểm và diễn đàn tổ chức phân xử. Phán quyết trọng tài cũng có lợi thế về bảo mật, sự công nhận và thực thi ở khu vực pháp lý nước ngoài.

(iv) Tòa án hiếm khi được lựa chọn làm cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hiệp định dầu khí quốc tế. Các công ty dầu khí Mỹ thường không lựa chọn tòa án ở nước đang phát triển nơi họ đầu tư, họ không muốn tranh chấp được đưa ra giải quyết tại một nơi có luật pháp và quy trình thủ tục xa lạ và phán quyết của tòa cũng không thể thực thi ở khu vực pháp lý nước ngoài.

Một số cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp dầu khí quốc tế

Chính phủ Mỹ là một bên ký kết Công ước New York về Công nhận và Thực thi các Phán quyết Trọng tài nước ngoài (New York Convenstion) và Công ước về Giải quyết Tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và công dân của các quốc gia khác (ICSID).

Các giàn khoan dầu tại Vịnh Mexico. Ảnh: Victor Moussa/Shutterstock.

Công ước New York (có hiệu lực từ năm 1958) là Công ước chính được sử dụng để công nhận, thực thi các phán quyết của trọng tài. Trung tâm quốc tế về Giải quyết Tranh chấp đầu tư (ICSID) đã được thành lập trên cơ sở Công ước ICSID (có hiệu lực từ năm 1966).

Chính phủ Mỹ còn tham gia một Công ước khu vực là Công ước Liên Mỹ về Trọng tài Thương mại quốc tế (Panama Convention), mở rộng những lợi ích của Công ước New York và có hiệu lực vào năm 1975. Tại Mỹ, Công ước Panama được ưu tiên áp dụng so với Công ước New York nếu đa số các bên ký kết là công dân của các quốc gia đã phê chuẩn Công ước Panama và thành viên của Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS).

Hiệp ước Hiến chương năng lượng (Energy Charter Treaty) cũng là một hiệp ước đầu tư đa phương có ý nghĩa quan trọng đối với ngành dầu khí. Công ty dầu khí/Chủ đầu tư có thể đưa khiếu nại trên cơ sở hợp đồng đầu tư (như Hợp đồng phân chia sản phẩm hoặc Thỏa thuận dịch vụ rủi ro), tận dụng lợi thế của bảo hộ đầu tư thông qua các Hiệp định đầu tư song phương (BITs) và Hiệp ước Hiến chương năng lượng để tiếp cận các cơ sở của Trung tâm ICSID, được lựa chọn cho bất kỳ tranh chấp nào với một quốc gia có chủ quyền.

Một phòng để nghe điều trần tại Trung tâm ICSID của Ngân hàng Thế giới ở Washington DC. Ảnh:ICSID.

Trung tâm ICSID của Ngân hàng Thế giới ở Washington DC đã tiếp nhận và giải quyết nhiều vụ việc của các công ty dầu khí Mỹ. Một vài ví dụ như phán quyết trọng tài của ICSID ngày 16/10/2014 về việc Venezuela phải bồi thường ExxonMobil 1,6 tỷ USD, một trong những phán quyết trọng tài lớn nhất được đưa ra đối với Venezuela. Ngày 12/5/2021, Tập đoàn dịch vụ dầu mỏ của Mỹ Finley Resources Inc đưa ra ICSID yêu cầu bồi thường trị giá 100 triệu USD đối với Mexico, cáo buộc Mexico vi phạm các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư theo Hiệp định thương mại NAFTA. Ngày 21/10/2021 vừa qua, một công ty dầu khí của Mỹ đã đưa đơn lên Trung tâm ICSID khiếu nại Slovakia, với cáo buộc họ bị ngăn cản thực hiện các hoạt động khoan sau khi có sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường địa phương.

Các tập đoàn dầu khí nước ngoài rất khó tiến hành các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về tiền chống lại Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ về cơ bản miễn trừ đối với các vụ kiện như vậy. Tương tự như vậy, chính quyền bang của Mỹ cũng không bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện đòi bồi thường tiền.

Thanh Bình

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khung-phap-ly-hoat-dong-dau-khi-cua-my-ky-cuoi-632185.html