Khuyến đọc cũng là khuyến học

Hội Xuất bản Việt Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy khuyến đọc nơi thiếu nhi; mục tiêu hướng đến là xây dựng thói quen đọc từ trên ghế nhà trường, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Độc giả tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.

Văn hóa đọc hay thói quen đọc đang là những nội dung được xã hội quan tâm, có thể thấy qua nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc tại khắp các tỉnh thành. Nhà trường và gia đình cũng dần quan tâm đến việc đọc của thế hệ trẻ trước nguy cơ trẻ em bị cuốn theo mạng xã hội và các dạng nội dung không chất lượng.

Song, bên cạnh kêu gọi phát triển văn hóa đọc và hình thành thói quen đọc nơi trẻ, có một điều quan trọng không kém đó là đích đến của việc đọc sách. Thông qua đọc, độc giả có thể học được những điều bổ ích như nâng cao kiến thức, phát triển tư duy, kỹ năng, rèn luyện nhân cách…

Đây cũng là mục tiêu của Hội Xuất bản Việt Nam trong những năm qua, với nhiều hoạt động không chỉ dừng lại ở việc khuyến đọc, mà còn xây dựng danh mục sách, trao giải và tôn vinh sách hay để độc giả có thể tham khảo nguồn sách chất lượng, bổ ích.

Từ sách hay đến xây dựng triết lý sống

Việc hình thành thói quen đọc sách được đánh giá cao bởi sách từ lâu được xem là nơi hội tụ tinh hoa tri thức của nhân loại. Tuy vậy, nếu chỉ đọc nhiều sách dựa theo số lượng mà không biết đúc kết, chọn lọc và áp dụng những điều hay vào cuộc sống, người đọc dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, giáo điều hay tự phụ.

Nói đến phát triển văn hóa đọc, TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất Bản Trẻ - từng nói: "Khuyến đọc cũng là khuyến học. Từ khuyến đọc, ta góp phần phát triển tri thức, nâng cao dân trí và hoàn thiện nhân cách, đạo đức cá nhân".

Đọc sách đúng cách giúp trẻ mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng cảm xúc và phát triển tư duy. Ảnh: Thanh Trần.

Sách cũng bao gồm nhiều thể loại, tư tưởng khác nhau, và bản thân người đọc cần có sự chiêm nghiệm, đánh giá và phản biện. Hàng năm có nhiều giải thưởng sách được tổ chức nhằm tôn vinh những cuốn sách, bộ sách có giá trị nổi bật về nội dung, tư tưởng, tri thức, thẩm mĩ...

Nổi bật trong số đó là Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng với những quy chế chấm giải chặt chẽ, tôn vinh được đúng sách hay, trở thành đích đến cho người làm xuất bản và thành khung tham chiếu cho độc giả.

Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Ban giám khảo mục sách thiếu nhi của Giải thưởng Sách Quốc gia trong nhiều năm qua, những tác phẩm thiếu nhi đoạt giải cao phải hội đủ 2 yếu tố: Có những thông điệp tốt đẹp về cuộc sống, nhân văn; và văn chương xuất sắc, đi vào lòng người.

“Sách được thông qua một quy trình chọn lọc, biên tập, đánh giá, kiểm duyệt kỹ lưỡng, vì thế trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy hơn. Từ thông tin, kiến thức, người đọc có thể đi đến tri thức, rồi lên đến tư duy. Tư duy vấn đề chính là khả năng do mỗi người tự phát triển mà không máy móc nào thay thế được. Trên tư duy nữa là triết lý sống và tư tưởng sống, là đỉnh cao nhất của một người. Người có lý tưởng sống cao đẹp sẽ có những tư duy rất lành mạnh”, ông chia sẻ với Tri thức Trực tuyến.

Hình thành thói quen đọc từ trong nhà trường

Trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy và học sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm. Ông Lê Hoàng cho rằng sách sẽ là một yếu tố không thể thiếu để giúp nhà trường đạt được mục tiêu đổi mới. Trước hết, thầy cô cần đọc để mở rộng bài giảng, sau đó, học sinh cần phải đọc để mở rộng kiến thức, để học tốt hơn. Phương pháp dạy truyền đạt một chiều sẽ trở thành phương pháp thảo luận, tương tác.

“Việc của Hội Xuất bản làm là góp phần thực hiện mục tiêu của giáo dục - giúp các em hình thành thói quen đọc, vừa để nên người, vừa để học tốt hơn trong quá trình học với thầy cô. Điều khó khăn là làm sao để việc đọc có thể diễn ra thường xuyên và bổ trợ cho việc học”, ông Lê Hoàng tâm sự.

Một danh mục sách khuyến đọc dành cho học sinh tiểu học được trưng bày tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm.

Nhận thấy các giáo viên trong trường bận rộn, thiếu thời gian và lúng túng không biết nên lập danh mục dựa trên cơ sở nào, đầu năm 2020, Hội Xuất bản Việt Nam đã triển khai dự án thiết lập Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học trong nhà trường.

Để những cuốn sách có thể hỗ trợ việc học của các em nhiều nhất có thể, Hội đã chủ động gửi khung chương trình giảng dạy tới các nhà xuất bản, yêu cầu các nhà xuất bản lập giúp danh mục sách phù hợp dựa trên khung chương trình ấy. Sau đó, danh mục lại được các chuyên gia giáo dục, thầy cô của các trường đánh giá, chọn lọc lại.

“Việc có một danh mục sách tham khảo góp phần hình thành thói quen đọc nơi trẻ và văn hóa đọc nơi nhà trường, vì các em đọc theo môn học, theo chủ đề cùng thầy cô. Việc đọc để học diễn ra thường xuyên, liên lục trong cả một năm học, là quá trình mà các em luôn được tiếp cận với sách, đọc sách, góp phần hình thành thói quen đọc sách nơi các em. Đó cũng chính là mục tiêu của Hội Xuất bản Việt Nam, của những người làm giáo dục”, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ.

Dựa trên Danh mục sách này, vào tháng 8/2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng sách cho 50 trường tiểu học thuộc 5 huyện ngoại thành TP.HCM. Hội cũng khuyến khích các thủ thư sắp xếp sách theo từng môn học, chủ đề để có thể hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách nhanh nhất.

Theo ông Lê Hoàng, đây là một trong những bước đi thiết thực của Hội Xuất bản Việt Nam nhằm tiếp cận được đối tượng học sinh, không chỉ giúp các em có được thói quen đọc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn giúp các em ý thức được giá trị của kiến thức, biết cách đọc như thế nào và đọc để làm gì.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khuyen-doc-cung-la-khuyen-hoc-post1441732.html