Khuyến… đọc

Cô con gái nhỏ của tôi đã đầy ngạc nhiên, thích thú khi phát hiện trên chiếc giường của nó trong khu du lịch Làng Hành Hương ở Huế có đặt một tờ giấy nhỏ, được cuộn tròn, buộc chiếc nơ bé xíu màu tím.

Đó là một câu chuyện cổ tích, bằng kiểu chữ viết tay bay bướm. Một hôm là “Sự tích con muỗi”, hôm sau là “Cây tre trăm đốt”. Không lạ gì những chuyện cổ tích này, nhưng cô bé vẫn thích thú đọc lại như thể vừa nhận được một quà tặng nhỏ.

Thuyết phục được độc giả nhỏ tuổi đọc sách trong thời buổi bùng nổ các hình thức giải trí đa phương tiện như hiện nay đúng là rất cần đến những cách thức tinh tế như vậy.

Một cách khác, tỏ ra cũng hiện quả, đang được nhiều trường học ở Pháp và Mỹ thực hiện: Lắp đặt máy tự động “nhả ra” truyện ngắn miễn phí. Số là Short Edition, một công ty có trụ sở tại Grenoble, Pháp, đã thử nghiệm lắp đặt những chiếc máy màu đen và da cam có tên gọi là Short Story Dispenser chuyên “nhả ra” truyện ngắn đầu tiên vào năm 2016. Chỉ cần bấm một nút, Short Story Dispenser đã in ra cho bạn truyện ngắn hoặc “tiểu thuyết” giản thể trên các băng giấy dài, rất phù hợp để đọc trong 5-10 phút. Máy không có màn hình và những câu chuyện được in ra lấy từ kho tác phẩm của cộng đồng hơn 5.000 tác giả của Short Edition.

Đứa con tinh thần của Short Edition được kỳ vọng góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt hướng tới lớp trẻ. Tuy nhiên, các câu chuyện được lựa chọn phù hợp với độc giả nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau ở vị trí lắp đặt, từ trường học, sân bay, nhà ga, trung tâm mua sắm đến các quán cà phê và thậm chí ở cả các khu vực sinh hoạt chung của các cơ quan chính phủ. Một số trường học ở thành phố Columbus (bang Ohio, Mỹ) đã lắp đặt những chiếc máy này. Short Edition còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các thư viện công ở nhiều thành phố khắp nơi trên thế giới.

Dù sao đi nữa, cách làm tinh tế của Làng Hành Hương hay ngộ nghĩnh của Short Story Dispenser cũng chỉ mới mang đến cho độcgiả những sản phẩm thuộc loại… fast food. Để khuyến khích độc giả tìm đến những tác phẩm nghiêm túc, công phu, thưởng thức được vẻ đẹp của những tác phẩm văn học đích thực còn một chặng đường dài nữa.

Theo khảo sát thực hiện năm 2015 của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, người đọc Việt Nam thuộc loại “lười”: có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%. Người Mỹ, tuy cũng chẳng chăm hơn là mấy, với hơn 1/4 dân số trưởng thành không đọc sách, nhưng số lượng sách được đọc trung bình trên đầu người của nước Mỹ vẫn là 12 cuốn/năm, trong khi mỗi người Việt Nam chỉ đọc một số sách bằng 1/3 người Mỹ (4 cuốn/năm), với 2,8 cuốn sách giáo khoa và chỉ 1,2 cuốn thuộc các thể loại khác như văn học, kỹ năng, kinh doanh…

Kể cũng đáng suy nghĩ lắm!

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khuyen%E2%80%A6-doc.aspx