Khuyên Gruzia bỏ Abkhazia và Nam Ossetia: NATO uất nghẹn trước Putin

Tư cách thành viên NATO của Gruzia sẽ không bao giờ có được, nếu không loại bỏ ảnh hưởng của Putin, theo cựu Tổng thư ký NATO Rasmussen...

Gruzia được đề nghị từ bỏ Abkhazia và Nam Ossetia để sớm vào NATO

Georgian Journal ngày 9/10 đưa tin, trong một cuộc trả lời báo giới, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã đề nghị Gruzia nên xem xét việc chấp nhận tham gia vào NATO mà không có Abkhazia và Nam Ossetia.

"Nếu Gruzia muốn trở thành thành viên NATO, thì nên tiếp tục cải cách chế độ dân chủ, đó là quyết đấu tranh chống tham nhũng, bảo đảm thượng tôn luật pháp, bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo đảm quyền của thiểu số.

Gruzia nên xem đó là các tiêu chí cần thiết nhất phải đáp ứng được để có thể trở thành thành viên NATO, còn với các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng là Abkhazia và Nam Ossetia thì nên quên đi.

Vì vậy, tôi nghĩ đã đến lúc Gruzia nên bắt đầu các cuộc thảo luận nội bộ về việc liệu có thể chấp nhận tham gia NATO mà không cần Abkhazia và Nam Ossetia hay không.

Gruzia hãy quyết định, sau đó bạn có thể đến NATO và nói với họ rằng : Chúng tôi đã sẵn sàng làm điều đó. Còn các bạn thì sao?", cựu Tổng thư ký NATO đặt vấn đề.

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen

Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen

Ông Rasmussen khuyến cáo Gruzia cần thảo luận vấn đề này thật kỹ lưỡng, bởi đó có thể là con đường đầy rủi ro. Tuy nhiên, theo quan điểm của cựu quan chức đứng đầu ban điều hành NATO này thì chỉ cách đó mới giúp Gruzia sớm vào NATO.

Cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen làm Tổng thư ký NATO giai đoạn 2009-2014. Dù đã rời nhiệm sở, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới chính sách và hoạt động của NATO.

Thậm chí cựu Tổng thư ký Rasmussen còn được xem như Cố vấn không chính thức của NATO về chiến lược, trong đó có "Chiến lược Đông tiến" của liên minh quân sự hùng mạnh này trong việc tạo đối trọng với Nga.

Nguyên nhân cựu quan chức đứng đầu ban điều hành NATO Rasmussen đề nghị Gruzia từ bỏ Abkhazia và Nam Ossetia, được ông giải thích là do hậu quả từ nước cờ của Tổng thống Putin trong ván cờ Gruzia không thể hóa giải.

Nếu Gruzia không từ bỏ Abkhazia và Nam Ossetia thì cả Washington-Brussles và Tbilisi đều khó có thể tìm ra cách phù hợp nhất để đưa Gruzia hòa nhập vào không gian Châu Âu-Đại Tây Dương và bước vào ngôi nhà chung NATO.

"Tư cách thành viên NATO của Gruzia được quyết định bởi chính phủ Gruzia và NATO. Chà, tất nhiên, tư cách thành viên NATO của Gruzia không bao giờ có được, nếu không loại bỏ ảnh hưởng của Putin", ông Rasmussen nhấn mạnh.

Cựu Tổng thư ký NATO giai đoạn 2009-2014 cho rằng "Tổng thống Putin biết điều đó và đó cũng là lý do tại sao anh ta tiếp tục cho Nga chiếm đóng Abkhazia và Nam Ossetia".

"Nhưng nếu bạn nói : Được rồi, chúng tôi sẵn sàng tham gia NATO mà không cần Abkhazia và Nam Ossetia. Gruzia sẽ vào NATO với lãnh thổ được chính phủ Gruzia kiểm soát. Tôi đảm bảo Putin sẽ bó tay", ông Rasmussen quả quyết.

Theo ông Rasmussen, đây sẽ là bước đầu tiên và thực tế nhất để hoàn tất quyết định mà NATO đã đưa ra vào năm 2008, là sẽ kết nạp Gruzia sau khi Tbilisi hoàn thành các tiêu chí cần thiết, mà loại bỏ được việc tranh chấp lãnh thổ.

Nếu Tbilisi không chấp nhận mất lãnh thổ thì cánh cửa NATO cũng chưa hoàn toàn khép lại với Gruzia, nhưng mọi việc sẽ bắt đầu lại từ đầu, Brussels và Tbilis sẽ khởi động lại những cuộc trao đổi theo một hướng khác, mà chưa thể biết là hướng nào.

Liệu Gruzia có từ bỏ Abkhazia và Nam Ossetia để sớm vào NATO

Đề xuất của cựu Tổng thư ký Rasmussen về việc Gruzia chấp nhận mất lãnh thổ để đổi lấy tư cách thành viên NATO là đề xuất đầu tiên và táo bạo nhất được đưa ra bởi giới chức NATO, kể cả đương nhiệm hay đã từ nhiệm.

Qua đề xuất đầy rủi ro nhưng thực tế này của ông Rasmussen, cho thấy việc kết nạp Gruzia làm thành viên NATO cho đến nay vẫn bị ảnh hưởng manh tính quyết định bởi các nước cờ của Tổng thống Putin trong ván cờ Gruzia và bàn cờ Nam Caucasus.

Uất nghẹn của NATO khi việt vị trước đại kiện tướng Putin

Sau khi buộc phải lưu lại "ký ức buồn" tại Kosovo dưới thời Boris Yeltsin, thất bại đầu tiên của Nga trước Mỹ-NATO, giới chức tại Moscow được cho là đã thề rằng không bao giờ cho phép lặp "ký ức buồn Kosovo" một lần nào nữa.

Tuy nhiên, khi được trao quyền lực, Tổng thống Putin không những ngăn chặn tái lập "ký ức buồn Kosovo", mà còn tìm cách làm sao có thể trả cho Mỹ-NATO cả vốn lẫn lãi của món nợ Kosovo năm nào.

Nhà lãnh đạo thứ 2 nước Nga thời hậu Xô Viết đã làm được điều đó qua giải quyết xung đột với Tbilisi trong cuộc Chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008, mà hậu quả đến nay Mỹ-NATO vẫn chưa giải quyết được, nhất là vấn đề Abkhazia và Nam Ossetia.

Vấn đề độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia đã trở thành rào cản hữu hình đối với Washington-Brussles nhằm cắm cờ NATO trên biên giới Nga. Vì vậy, Mỹ-NATO "nuốt nghẹn ở Gzuzia" đắng hơn nhiều việc Nga gặm nhấm "ký ức buồn Kosovo".

Bởi "ký ức buồn Kosovo" của Nga nay đã biến thành "tiền lệ pháp nguy hiểm" với Mỹ-NATO mà Tổng thống Putin luôn vận dụng, không những để thực hiện các nước cờ của mình, mà còn khiến cho Mỹ-NATO luôn phập phồng lo sợ.

Ngược lại "cục nghẹn Gruzia" ngày một lớn khi Putin giúp Abkhazia và Nam Ossetia hòa nhập ngày một sâu rộng vào không gian nước Nga, khiến Mỹ-NATO ngày càng uất nghẹn. Đến mức Rasmussen phải khuyên Tbilisi quên 2 thực thể ly khai đi.

Không những vậy, sau khi buộc Mỹ-NATO phải "nuốt nghẹn ở Gruzia", Putin còn gieo sầu cho Mỹ-NATO ở Ukraine sau khi tái sát nhập Crimea vào lãnh thổ nước Nga và vô hiệu hóa Luật tái hòa nhập Donbass của Kiev-Washington.

Nước cờ của Putin không những biến Ukraine thành cờ tàn với Mỹ-NATO mà còn là chất xúc tác cực mạnh cho phản ứng giữa "tiền lệ pháp Kosovo" với nguyên tắc dân chủ - qua trưng cầu dân ý ở Crimea - khiến phương Tây luôn đối mặt thảm họa.

Hình ảnh tiêu biểu cho sự thất bại của Mỹ-NATO trước các nước cờ hiểm hóc của Tổng thống Putin

Ngày 22/11/2018, khi trả lời phỏng vấn Viện Báo cáo Chiến tranh và Hòa bình, cựu Tổng thư ký Rasmussen đã thừa nhận NATO đã sai lầm khi không trao cho Ukraine - và cả Gruzia - Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) vào tháng 4/2008.

Ông Rasmussen cho rằng đó là thất bại lớn nhất của Mỹ-NATO trước Tổng thống Putin, vì từ đó Washington-Brussles phải đứng nhìn nhà lãnh đạo Nga thực hiện các nước đi quyết định trong hai ván cờ Gruzia và Ukraine.

Cựu Thủ tướng Đan Mạch chỉ ra rằng Washington và Brussels đã đánh giá quá sai lầm về Tổng thống Putin khi hi vọng rằng ông Putin sẽ thực hiện chính sách đối ngoại mang tính nhượng bộ phương Tây như người tiền nhiệm Boris Yeltsin.

"Nhưng thực tế cho thấy Vladimir Putin đã không có bất cứ nhượng bộ nào. Putin đã không xây dựng Nga là một đối tác chiến lược, mà biến Nga thành một đối thủ chiến lược của Mỹ - NATO”.

Theo ông Rasmussen : "Chúng tôi đã nắm được cơ hội sau sự tan rã của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô-Đông Âu và sự sụp đổ của Bức tường Berlin, để xây dựng quan hệ chiến lược với các đối tác phía Đông, để mở rộng NATO và EU.

Tháng 4/2008, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest, chúng tôi đã quyết định sẽ đưa Ukraine - và sau đó là Gruzia - trở thành thành viên của NATO. Chúng tôi cho rằng đó là điều cần phải làm sớm".

Ông Rasmussen cho biết ông ủng hộ việc cấp MAP cho Ukraine và Gruzia ngay tại thời điểm đó. Tiếc rằng NATO không làm điều đó, mà nguyên nhân là do đánh giá sai về con người Putin. Thực tế ông Putin quá quyết đoán.

Đặc biệt nguy hại là các nước cờ của Tổng thống Putin quá hiểm, khiến Mỹ-NATO không thể hành động. Đắng hơn nữa là nhà lãnh đạo Nga còn thực hiện quy trình tối thiểu hóa giá trị và ý nghĩa địa chính trị-địa chiến lược của cả Gruzia lẫn Ukraine.

Rõ ràng, Mỹ-NATO đã việt vị trước Putin trong cả 2 ván cờ Gruzia và Ukraine. Hệ quả là để đón Gruzia và Ukraine vào ngôi nhà chung thì Washington-Brussels buộc phải lựa chọn hoặc vi phạm điều 5 Hiến chương NATO, từ bỏ phòng vệ tập thể.

Hoặc phải khuyên khuyên Gruzia và Ukraine từ bỏ lãnh thổ, bằng không thì phải chọn tấn công Nga. Song theo Tổng thư ký đương nhiệm của NATO Stoltenberg thì : "Đối với NATO, điều nào cũng rất nan giải".

Việc Putin định hướng cho cuộc Cách mạng Nhung do Mỹ kích hoạt ở Armnenia, rồi sau đó Nga hưởng thành quả, là lời cảnh báo cho NATO trong việc khuyên Gruzia từ bỏ lãnh thổ

Dường như nhận thấy nhượng bộ Putin là giải pháp hữu hiệu nhất, nên cựu Tổng thư ký Rasmussen đã chọn phương án thứ hai khi khuyên Gruzia quên Abkhazia và Nam Ossetia để có thể sớm vào NATO.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, có lẽ Tổng thống Putin sẽ không để cho Washington - Brussels và Tbilisi-Kiev toại nguyện, dù Gruzia và Ukraine có chấp nhận từ bỏ lãnh thổ mà họ cho là Nga đang chiếm đóng trái phép.

Nghĩa là ông chủ Điện Kremlin sẽ có nước đi phá thế cờ mà Washington-Brussels sẽ xác lập và dựa vào đó để cắm cờ trên biến giới Nga, sau khi Gruzia và Ukraine chấp nhận từ bỏ lãnh thổ theo lời khuyên của Rasmussen.

Dựa vào đâu mà nhận định như vậy? Giới phân tích cho rằng cơ sở của nhận định đó là việc Tổng thống Putin lật ngược thế cờ của Mỹ trong ván cờ Armenia, khi cuộc Cách mạng Nhung diễn ra theo ý của Mỹ, nhưng kết thúc lại theo ý của Nga.

Chưa biết diễn tiến tình hình sẽ ra sao, chúng ta cùng chờ xem "đại kiện tướng" Putin chơi cờ cùng các kỳ thủ phương Tây trong các ván cờ tàn Gruzia, Ukraine cũng như sắp đặt bàn cờ Nam Caucasus và tạo ảnh hưởng trong không gian hậu Xô Viết.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khuyen-gruzia-bo-abkhazia-va-nam-ossetia-nato-uat-nghen-truoc-putin-3389250/